Xác định nguyên nhân tàu đâm hỏng cầu An Thái
VOV.VN - Cầu An Thái bị hư hỏng nặng là do lực va chạm mạnh vượt quá tải trọng của cầu cho phép.
Ngày 8/3, Bộ GT-VT đã cử Tổ công tác do ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) làm tổ trưởng sẽ đánh giá sơ bộ và quyết định phương án cụ thể giải cứu cầu An Thái.
Tàu trọng tải 3.200 tấn sẽ còn mắc kẹt nhiều ngày tại cầu An Thái (Hải Dương).
Theo Bộ GT-VT, đoàn công tác có đánh giá sơ bộ, báo cáo lên Bộ GTVT. Từ kết quả báo cáo này, Tổ công tác đặc biệt sẽ quyết định phương án cụ thể giải cứu cầu An Thái. Do dầm cầu An Thái là bê tông cốt thép trọng lượng khoảng 40 tấn nên phải tổ chức đúc dầm, chờ 28 ngày đủ độ bền kết cấu sau đó tiến hành lắp ráp. Thời gian sửa chữa cầu ước tính khoảng 2 tháng.
Đoàn công tác và UBND tỉnh Hải Dương thống nhất phương án, ngay sau khi giải phóng tàu Thành Luân 28 sẽ bố trí các phương tiện ô tô nhỏ, xe máy và người đi bộ được phép đi qua một làn đường của cầu.
TS Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia nghiên cứu về giao thông vận tải cho rằng: “Nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng là do chiều cao cabin của tàu cao hơn so với dầm cầu cùng với đó là do người lái tàu đã không chú ý quan sát khi đi qua cầu An Thái nên đã dẫn đến hậu quả. Do va chạm mạnh giữa tàu với cầu đã tạo ra một xung lực rất lớn nên đã đẩy dầm cầu lên làm cho dầm cầu bị vỡ ra để lại phần sắt thép trơ ra”.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy để khắc phục sự cố vụ tai nạn, việc đầu tiên chúng ta cần làm bây giờ là phải đưa được tàu ra khỏi khu vực gầm cầu, muốn đưa tàu ra thì phải cắt phần cabin đi để cho tàu thấp xuống mới đưa tàu ra được. Nhưng điều quan trọng nhất chính là làm sao để đưa tàu ra mà cầu không bị sập, đó là vấn đề cần được xử lý đồng bộ.
TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định: “Cầu bị hư hỏng nặng là do lực va chạm mạnh vượt quá tải trọng của cầu cho phép, va chạm tác động vào một diện tích nhỏ làm cho toàn bộ xung lực tập chung vào diện tích đó nên đã phá hỏng chiếc cầu. Hiện tại chúng ta chưa thể kết luận được chất lượng của cầu An Thái, muốn biết được chất lượng cần phải kiểm tra nghiên cứu”.
Trước đó, ngày 6/3, tàu Thành Luân 28 (Công ty TNHH Thành Luân), trọng tải hơn 3.000 tấn, dài gần 50m trong lúc di chuyển từ Hải Dương về Hải Phòng đã đâm vào dầm cầu An Thái nối huyện Kim Thành và Kinh Môn (Hải Dương). Vụ việc khiến dầm cầu dài hơn 290 m, rộng 11 m bị rạn nứt nghiêm trọng. Cú đâm khiến cho trụ cầu biến dạng, mặt cầu có hiện tượng nứt nhưng may mắn không có thiệt hại về người. Sau đó lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường đã tiến hành phong tỏa, không cho các phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn cho người dân.
Về nguyên nhân gây ra sự cố cầu An Thái, ông Lê Đình Long Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương khẳng định tàu Thành Luân 28 quá khổ không được phép lưu thông trên đoạn sông và không được phép qua cầu nhưng lái tàu và chủ phương tiện vẫn cố tình đi qua.
“Tàu quá khổ phải chạy sông cấp ba nhưng lại chạy vào sông cấp 2 nên khổ thông thuyền không đủ. Do vậy khi thủy triều lên tàu đi qua đã xảy ra sự cố đáng tiếc”, ông Long nói.
Hiện Cợ quan Cảnh sát điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ tàu gây tai nạn cũng như các bên liên quan (nếu có).
Trước việc cầu bị sự cố, tỉnh Hải Dương đã phải cấm đường qua cầu và bố trí 2 bến đò phục vụ chuyên chở người và phương tiện qua sông. Tuy nhiên, hiện các bến phà đã quá tải./.