Xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết: Có hay không?
VOV.VN - Luật Hộ tịch không quy định việc cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết. Nhưng thực tế rất nhiều giao dịch cần đến giấy tờ này.
Theo quy định của Luật Hộ tịch, từ ngày 1/1/2016, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, nhận cha mẹ cho con, ghi chú kết hôn, ghi chú ly hôn… có yếu tố nước ngoài sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện thay vì Sở Tư pháp như trước đây. Hay việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cũng được xem là cải tiến lớn khi giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm sử dụng trong nước cũng như ở nước ngoài vào mục đích kết hôn cũng như không kết hôn. Đó là những quy định theo hướng giảm thiểu thời gian đi lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, nhưng cũng tạo ra áp lực cho các cơ quan, cán bộ làm công tác hộ tịch. Bà Trần Thị Hải, Trưởng phòng Tư pháp huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mặc dù được trang bị máy vi tính, cài đặt phần mềm hộ tịch nhưng nhiều cán bộ vẫn còn lúng túng khi sử dụng, làm ảnh hưởng lớn đến yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch theo yêu cầu của Luật. Bên cạnh đó, việc chuyển giao thẩm quyền đăng kí hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho UBND cấp huyện là nhiệm vụ mới, phức tạp đòi hỏi công chức tư pháp hộ tịch phải có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ. Trong khi đó, đội ngũ này còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên dễ dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc.
Bà Trần Thị Hải nói: “Do biên chế của phòng tư pháp chỉ có 4 biên chế, ngoài công việc được giao hiện nay cộng với việc chuyển giao thẩm quyền đăng kí hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ cấp tỉnh cho cấp huyện. Để đảm đương được khối lượng công việc trên quả là một khó khăn, thách thức và gây nhiều áp lực. Đây là tình trạng chung của các phòng tư pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Không chỉ gặp khó khăn về nguồn nhân lực, qua thực tiễn 6 tháng triển khai Luật hộ tịch, đã xuất hiện những vướng mắc trong các thông tư, nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.
Anh Trịnh Tất Thắng, cán bộ tư pháp - hộ tịch UBND phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho biết: Luật Hộ tịch không quy định về việc cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cho người đã chết. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều giao dịch dân sự hiện nay cần đến giấy tờ này. Bên cạnh đó, việc cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cũng đang gặp phải vướng mắc do thời gian thực hiện quá lâu.
“Ngày 12/5/2016, Cục hộ tịch quốc tịch và chứng thực đã có văn bản hướng dẫn về việc cấp lại giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đối với những trường hợp này thì phải tập hợp hồ sơ từ ủy ban nhân dân cấp xã. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp sẽ gửi Cục hộ tịch quốc tịch và chứng thực để trao đổi với cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy sẽ kéo dài rất nhiều thời gian cho công dân phải chờ đợi, gây ra bức xúc cho công dân” – anh Thắng cho biết.
Đó là chỉ 2 trong số những vướng mắc phát sinh khi triển khai Luật Hộ tịch thời gian qua. Theo ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực- Bộ Tư pháp, nhiều địa phương cũng phản ánh vướng mắc trong cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau; về thay đổi hộ tịch... Việc đồng bộ phần mềm đăng kí, quản lý hộ tịch giữa các địa phương được thí điểm và các địa phương chưa được thí điểm cũng đang có sự chênh lệch khá lớn.
Ông Nguyễn Công Khanh cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp rà soát và có văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những vướng mắc này. Đồng thời, sẽ mở rộng thí điểm đăng kí khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhằm cung cấp kịp thời, chính xác thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; trang bị đầy đủ phần mềm đăng kí, quản lý hộ tịch cho các địa phương được lựa chọn trong giai đoạn thí điểm.
Ông Nguyễn Công Khanh cũng cho rằng, công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng, được coi là vấn đề mấu chốt ảnh hưởng tới hiệu quả của việc triển khai, thực hiện Luật hộ tịch. Do đó, tới đây, sẽ tổ chức tiếp các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp hộ tịch, để ngày càng phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân.
Có thể thấy, Luật hộ tịch được triển khai thi hành đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, do mới triển khai thực hiện nên không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh. Thời gian tới, Bộ Tư pháp cần rà soát để tháo gỡ vướng mắc, ứng dụng đồng bộ việc sử dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng kí cũng như quản lý hộ tịch, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp- hộ tịch, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đề ra./.