“Xây dựng giá trị chuẩn mực nghề luật sư để tạo niềm tin”

VOV.VN -Giá trị chuẩn mực đó sẽ tạo lập niềm tin vững chắc của cộng đồng xã hội, của Nhà nước với đội ngũ luật sư.

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 149 lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh, đây là một vinh dự hết sức to lớn cho đội ngũ luật sư Việt Nam, ghi nhận sự trưởng thành của Luật sư và nghề luật sư Việt Nam và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội về nghề luật sư.

PV: Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 46 về tổ chức đoàn thể luật sư vào 10/10/1945, đến nay, đội ngũ luật sư đã có bước phát triển như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Phải khẳng định sau gần 70 năm kể từ 10/10/1945, đội ngũ luật sư Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ những luật sư tiền bối có đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Luật sư Phan Anh, Luật sư Vũ Đình Hòe và nhiều thế hệ luật sư khác, kể từ 1986 khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, luật sư và nghề luật sư có cơ hội phát triển một cách vững chắc.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh

Năm 1987 khi Pháp lệnh tổ chức luật sư được ban hành, lúc đó, chỉ khoảng 400 luật sư. Con số này tăng lên gần 2000 sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh luật sư 2001. Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước ban hành Luật Luật sư 2006 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào 2012, đến nay đội ngũ luật sư tăng lên gần 8.000 luật sư.

Hoạt động của luật sư dần mang tính chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ luật sư tranh tụng các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính; tham gia tư vấn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là việc hình thành đội ngũ luật sư tham gia tư vấn và tranh tụng quốc tế.

Tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa của đội ngũ luật sư đã được khẳng định và từng bước được củng cố, tạo lập sự uy tín trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý với cộng đồng xã hội.

PV: Để phát triển đội ngũ luật sư một cách vững mạnh, thời gian tới, Liên đoàn Luật sư sẽ tập trung vào những trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục xây dựng nghề luật sư ở Việt Nam phát triển một cách vững mạnh. Chúng tôi đang tập trung xây dựng kế hoạch để tổ chức thành công Chiến lược phát triển nghề luật sư đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, nhằm xây dựng một đội ngũ luật sư đồng đều về số lượng (năm 2020 có thể lên tới 18.000-20.000 luật sư), đảm bảo về chất lượng khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội.

Liên đoàn cũng đẩy mạnh xây dựng giá trị chuẩn mực của nghề luật sư nhằm tạo lập niềm tin vững chắc của cộng đồng xã hội, của Nhà nước với đội ngũ luật sư. Ngoài ra, công tác đào tạo và bồi dưỡng luật sư cũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó là luật sư tăng cường vào công tác trợ giúp pháp lý cho nhân dân.

PV: Đặc thù nghề nghiệp của luật sư liên quan trực tiếp đến việc áp dụng và thực hiện pháp luật. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của luật sư trong việc xây dựng các văn bản pháp luật trong thời gian qua?

Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Cộng đồng nhìn nhận luật sư và nghề luật sư thông thường tham gia vào các hoạt động tranh tụng. Tuy nhiên, trong điều kiện chúng ta phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền thì luật sư không những tham gia tranh tụng mà còn tham gia tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, xây dựng và tuyền truyền pháp luật.

“Giới luật sư Việt Nam sẵn sàng trong việc cung cấp các cơ sở pháp lý cũng như giới thiệu các luật sư có uy tín có thể đấu tranh về mặt pháp lý để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”- Ông Đỗ Ngọc Thịnh.
Đội ngũ luật sư trong thời gian vừa qua cũng cảm nhận được sự tin tưởng của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi luật sư ở tất cả các cấp từ Trung ương tới địa phương được mời tham gia vào các ban soạn thảo và tổ biên tập để góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.

Mặt khác, trong quá trình hành nghề, luật sư phát hiện những mâu thuẫn hoặc chồng chéo trong văn bản luật và thực hiện pháp luật, để rồi có kiến nghị sửa đổi bổ sung, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho công dân cũng như đảm bảo việc quản lý của Nhà nước.

Trong thời gian vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có đóng góp tích cực vào Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ, tham gia rà soát các thủ tục hành chính. Kết quả rà soát thủ tục hành chính của đội ngũ luật sư Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đánh giá rất cao và trao tặng Bằng khen cho Liên đoàn cũng như các luật sư tham gia.

Ngoài ra, giới luật sư tham gia rất nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về xây dựng pháp luật của các cấp các ngành, của cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường Đại học. Điều đó cho thấy rằng, nhận thức của xã hội về đội ngũ luật sư đã có những chuyển biến tích cực. Luật sư không những tham gia vào thực hiện áp dụng pháp luật mà còn tích cực trong công cuộc xây dựng pháp luật của đất nước. 

PV: Ở góc độ Liên đoàn Luật sư, theo ông đâu là những “nút thắt” cần tháo gỡ để luật sư và nghề luật sư phát triển hơn nữa?

Ông Đỗ Ngọc Thịnh: Để công cuộc cải cách tư pháp thành công, các bất phải cập cần được tháo gỡ, trong đó có hoạt động của luật sư.

Hướng tới ngày truyền thống 10/10 và đặc biệt là vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký quyết định lấy ngày này hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, hội đồng luật sư toàn quốc đã phát động phong trào tất cả luật sư Việt Nam tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí một ngày cho cộng đồng xã hội.
Thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, trong những năm qua chất lượng đội ngũ luật sư từng bước được nâng cao.

Theo nhận thức của chúng tôi, điểm quan trọng của Nghị quyết 49 là lấy tòa án làm trung tâm, hoạt động xét xử làm trọng tâm và tranh tụng làm khâu đột phá. Đương nhiên, vai trò luật sư là không thể thiếu trong khâu tranh tụng. Tuy nhiên, trong hoạt động, luật sư vẫn còn gặp một số khó khăn, trong đó có những vướng mắc về quy định cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan.

Những bất cập đó cần sớm được tháo gỡ để nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo đảm dân chủ công bằng, xét xử đúng người, đúng tội, làm cho người dân thấy rõ hoạt động cải cách tư pháp mang lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống./.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nâng cao vai trò của luật sư trong  việc  tham  gia tố tụng
Nâng cao vai trò của luật sư trong việc tham gia tố tụng

VOV.VN - Vấn đề đặt ra là phát triển đội ngũ luật sư thế nào để đáp ứng quá trình phát triển và tiến trình cải cách tư pháp của nước ta...

Nâng cao vai trò của luật sư trong  việc  tham  gia tố tụng

Nâng cao vai trò của luật sư trong việc tham gia tố tụng

VOV.VN - Vấn đề đặt ra là phát triển đội ngũ luật sư thế nào để đáp ứng quá trình phát triển và tiến trình cải cách tư pháp của nước ta...