Xây dựng một xã hội học tập
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 1271/QĐ-TTg lấy ngày 2/10 hàng năm là “Ngày Khuyến học Việt Nam”. Nhân sự kiện này, phóng viên VOVNews phỏng vấn Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm.
PV: Thưa Chủ tịch, việc Chính phủ ra Quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm là Ngày Khuyến học Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với phong trào Khuyến học, khuyến tài?
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm: Việc Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm động viên các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác Khuyến học, khuyến tài.
Quyết định này cũng là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với những kết quả mà Hội Khuyến học Việt Nam đạt được trong suốt 12 năm qua, đưa hoạt động Khuyến học, khuyến tài phát triển nhanh chóng, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng với những mô hình độc đáo nổi bật như: “Gia đình hiếu học”, “dòng họ khuyến học”, “cụm dân cư khuyến học”.
Hiện nay, trong cả nước đã có hơn 5 triệu gia đình đăng ký phấn đấu trở thành “Gia đình hiếu học”, trong đó hơn 3 triệu gia đình đã được công nhận và gần 30.000 dòng học đã được công nhận là “dòng họ khuyến học”. Mô hình này vừa động viên mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời, vừa hỗ trợ hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường bằng cách xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dạy tốt, học tốt; khắc phục tình trạng học sinh lưu ban bỏ học; ngăn chặn tiêu cực xã hội xâm nhập vào nhà trường.
Quyết định lấy ngày 2/10 là ngày Khuyến học Việt Nam chắc chắn sẽ thúc đẩy quá trình xây dựng xã hội học tập triển khai nhanh chóng và rộng khắp hơn nhằm thực hiện tốt 3 mục tiêu: Nâng cao dân trí, Đào tạo nhân lực, Bồi dưỡng nhân tài. Đây là 3 yếu tố cần thiết cho sự phát triển của một quốc gia, sự đi lên của một dân tộc, nhất là trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, cách mạng thông tin bùng bổ như hiện nay.
PV: Trong 12 năm hình thành và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cho giáo dục trong nhà trường của hệ thống giáo dục chính quy. Theo Chủ tịch, phong trào nào là nổi bật nhất và cần được nhân rộng?
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm |
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm: Xã hội học tập mà chúng ta chủ trương xây dựng sẽ là sự liên kết chặt chẽ giữa hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường (hệ thống giáo dục ban đầu) và hệ thống giáo dục ngoài nhà trường (hệ thống giáo dục tiếp tục).
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, Hội Khuyến học Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục-Đào tạo như “hai anh em sinh đôi”, tích cực hỗ trợ lẫn nhau. Cho đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo xây dựng được hơn 9.000 trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường trên tổng số hơn 10.600 xã, phường trong cả nước. Các trung tâm này ra đời với mục đích tạo điều kiện cho những người nông dân ở nông thôn và những người lao động ở thành thị được học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao tay nghề, tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất. Bằng cách đó và bằng việc liên kết với các trường học trong công tác đào tạo, Hội Khuyến học đã góp phần cùng với ngành Giáo dục đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Để từng bước tạo điều kiện cho mọi người được đi học, thực hiện công bằng trong giáo dục, Hội đã thành lập Quỹ Khuyến học từ Trung ương đến cơ sở. Các Quỹ Khuyến học này hoạt động với sự tài trợ của các doanh nhân thành đạt, các nhà hảo tâm cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo được đến trường, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên học giỏi vượt khó đi lên; đồng thời hỗ trợ những thầy, cô giáo dạy tốt nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, Quỹ Khuyến học Trung ương bao gồm cả Quỹ Vòng tay đồng đội (dành cho con em liệt sĩ, thương binh, bộ đội có hoàn cảnh khó khăn), Quỹ Khuyến học các địa phương (kể cả Quỹ của “dòng họ khuyến học”) đã chi khoảng 250-300 tỷ đồng cho các mục đích trên.
Đây là một số hoạt động nổi bật và thiết thực cần tiếp tục thực hiện và nhân rộng trong thời gian tới vì lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập.
PV: Năm nay là năm đầu tiên nước ta có ngày Khuyến học Việt Nam. Theo Chủ tịch, các tổ chức, đoàn thể và từng người dân phải làm gì để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập?
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm: Xã hội học tập là một xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại ở thời kỳ hậu công nghiệp, trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ và cách mạng thông tin. Đó cũng là đòi hỏi của yêu cầu phát triển đất nước, của tiến bộ khoa học công nghệ và cũng là đòi hỏi của sự phát triển con người ở thời đại mới. Như vậy, xã hội học tập là rất quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của đất nước, sự đi lên của dân tộc ta. Tuy nhiên, nhận thức của nhiều người về vấn đề này còn chưa đầu đủ.
Vì thế, việc công bố “Ngày Khuyến học Việt Nam” đặt mọi người trước yêu cầu nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn tính chất quan trọng và sự cần thiết của xã hội học tập. Trên cơ sở đó tham gia tích cực hơn vào phong trào khuyến học, khuyến tài theo đúng tinh thần Chỉ thị 11CT/TW của Bộ Chính trị xem “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”.
Mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi lực lượng xã hội cần nâng cao nhận thức, tích cực tham gia vào các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập sẽ góp phần thực hiện mong muốn của Bác Hồ: “Dân tộc ta phải là một dân tộc thông thái”.
PV: Xin cảm ơn Chủ tịch!