Xây dựng nông thôn mới: Lúng túng từ trên xuống
(VOV) -Hải Dương lên kế hoạch đến 2015 có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng trong quá trình triển khai đang nảy sinh không ít vấn đề
Xây dựng nông thôn mới – người dân chỉ phải đóng tiền
Từ quốc lộ 5 không khó để trông thấy nhà văn hóa khá lớn của xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành, Hải Dương vừa mới được xây xong vẫn chưa kịp quét vôi.
Nhà văn hóa bề thế của xã Đức Chính, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Nhà văn hóa bề thế của thôn An Phú, điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
|
Bà con ở đây cho biết, đây là một trong những công trình trong chương trình xây dựng nông thôn mới được xã phổ biến, nhưng để có được nó mỗi người dân ở xã Tuấn Hưng phải đóng góp 400.000 đồng/khẩu.
Theo chị Phạm Thị Cỏn, thôn Xuân Mang, xã Tuấn Hưng, vụ này, cả nhà chị trông vào bán một sào mùng tơi mới được 500.000 đồng, trong khi đó đã phải nộp mỗi khẩu 400.000 đồng để xây dựng nhà văn hóa. “Nghe nói xây dựng nông thôn mới lâu rồi đấy nhưng có phổ biến gì đâu. Chỉ có nói là xây dựng nhà văn hóa, đóng góp mỗi khẩu 400 ngàn đồng.” - chị Cỏn cho biết.
Theo kế hoạch, xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành nằm trong số các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2, 2015 - 2020. Ông Vũ Văn Chữ, Chủ tịch UBND xã Tuấn Hưng tỏ ra tự hào khi xã đã chủ động triển khai một số hạng mục để đạt sớm các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, cùng với đó là nghĩ ra được nhiều biện pháp thu tiền đóng góp của nhân dân để có thêm nguồn kinh phí xây dựng các công trình.
Nông dân xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành Hải Dương cho biết: "phải đóng 400 ngàn đồng/khẩu để xây dựng nhà văn hóa" |
Nhưng ông Vũ Văn Chữ cũng khẳng định, việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là rất khó thực hiện, người dân xã Tuấn Hưng không thể làm chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới được: “Bởi tầm nhìn và hiểu biết của người dân là rất hạn chế, không phải tầm nhìn cho một xã, nhỡ ra họ phá vỡ quy hoạch thì sao. Người dân không thể là chủ thể được, nhiều cái khó lắm. Mình cũng phải thực tâm với nhau như thế!”
Bê tông hóa nông thôn một cách cưỡng bức
Không chỉ huy động vốn trong dân một cách ép buộc mà chính quyền xã gọi là “tìm mọi cách thuyết phục”, không tính đến sức dân, hiểu sai một cách nghiêm trọng về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới mà ở Hải Dương, không ít cán bộ lúng túng, áp đặt một cách cứng nhắc các tiêu chí. Xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng là 1 trong 12 xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 1 (2010- 2015) của Hải Dương. Tính đến hết năm 2012, xã Đức Chính còn 7 tiêu chí nữa chưa hoàn thành.
Ông Đặng Thế Nha, Chủ tịch UBND xã Đức Chính đang hết sức trăn trở làm sao hoàn thành tiêu chí chợ nông thôn và bể bơi cây xanh vì không biết lấy đâu ra tiền để xây dựng, mặc dù có xây dựng được cũng không có ai sử dụng. “Bây giờ còn tiêu chí chợ nữa, không đơn giản vì xây 1 cái chợ bây giờ không ít tiền đâu. Rồi trong tiêu chí văn hóa thì còn bể bơi cây xanh nữa mà tôi nghĩ bây giờ xây bể bơi có ai bơi, với lại cũng làm gì có tiền bơm nước vào” - ông Đặng Thế Nha lo lắng.
Thêm vào đó, chính quyền các xã hầu hết chỉ chú trọng hoàn thành cho sớm những tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, biến nông thôn thành một đại công trường, trong khi đó tiêu chí về nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động lại chưa có giải pháp hữu hiệu. Ông Đặng Thế Nha cũng đành chịu khi cho biết không có cách gì để nâng thu nhập của người dân hiện nay mới ở mức 13 triệu đồng/người/năm lên 29 triệu đồng để đạt được tiêu chí vào năm 2015.
Trông chờ vào ngân sách Nhà nước
Rõ ràng, việc xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương đang rất lúng túng khi mà ngay chính cán bộ cũng không hiểu rõ mục tiêu, xác định sai phương châm xây dựng của chương trình cũng như đánh giá không đúng vai trò của người dân. Nghiêm trọng hơn nữa, khi mà ông Trần Khắc Đoan, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hải Dương lại cho rằng, điểm mấu chốt của xây dựng ngôn thôn mới là phải có tiền ngân sách Nhà nước rót về: “Bây giờ người dân rất phấn khởi, được Đảng và Nhà nước quan tâm thế này đúng gần như là mơ. Nhưng không biết, tỉnh và Trung ương có cho 100% (kinh phí) không”.
Hải Dương là một trong những địa phương đi đầu hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng với cách làm, cách hiểu sai lệch của cán bộ từ tỉnh xuống xã như hiện nay thì Hải Dương không thể có được nông thôn mới đích thực./.
TS Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế, Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn: “Theo tôi, 19 tiêu chí nó chỉ có ý nghĩa mang tính chất là công cụ đo đếm định lượng xem sự phát triển đến đâu, để định hướng cho chúng ta hướng đến trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Nếu chúng ta làm đủ được 19 tiêu chí, mà đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên thì tốt quá. Nhưng tôi lo người ta chỉ làm những cái gì dễ, nói là dễ làm trước, khó làm sau nhưng cuối cùng cũng không làm. Cái dễ là cái gì, là trụ sở, là con đường, là nhà văn hóa; khó là chuyển đổi lao động, thu nhập, hết sức quan trọng nhưng lại không làm. Cái lo thứ 2 là bây giờ các địa phương cũng chỉ động chạm đến những vấn đề trước mắt, dễ nhìn, còn những cái làm tiền đề cho sự phát triển lâu dài như cơ sở hạ tầng cho sản xuất, văn hóa ở nông thôn, về phân hóa xã hội ở nông thôn lại không để ý đến.
Chúng ta không phải vội vã, dàn hàng ngang, năm nay đạt 11 tiêu chí, sang năm phải 13 tiêu chí, sang năm nữa là 17 tiêu chí. Theo tôi, cái gì thấy phù hợp với nguyện vọng của người dân, với lòng dân chúng ta làm trước, chứ đừng có quá nặng nề, bó chặt nó vào trong 19 tiêu chí ”.
TS Phạm Văn Hiệp, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội, Tạp chí Cộng sản: “Chúng ta xây dựng 19 tiêu chí nếu thực hiện được là điều lý tưởng. Nhưng tính khả thi có cao hay không thì vấn đề chính là chúng ta phải hiểu nông thôn và chúng ta phải đưa vào bộ tiêu chí này để người dân lựa chọn như thế nào. Và đặc biệt, chúng ta không nên nóng vội mà phải hết sức bình tĩnh, phải cho người dân tham gia vào, phải huy động được nguồn lực của dân. Bản thân chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải hiểu từng tiêu chí một và nội hàm của nó, khả năng để huy động được nguồn lực để thực hiện các tiêu chí cho phù hợp.
Như vậy, trong 19 tiêu chí ấy có thể có những tiêu chí rất cơ bản, nó là hằng số cho bất cứ vùng nông thôn nào nhưng cũng phải có những tiêu chí “mềm”. Đó chính là sự vận dụng linh hoạt của chính quyền địa phương và của người dân, tức là người dân phải lựa chọn cái mục tiêu của mình trong xây dựng nông thôn mới để thực hiện”.