Xây dựng nông thôn mới, thanh niên “biến bãi rác thành vườn hoa”
VOV.VN - Tham gia xây dựng nông thôn mới, sức trẻ và sự sáng của thanh niên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn với mục tiêu bền vững.
Tái chế lốp xe thành đồ chơi cho trẻ em
Với dự án “độc lạ”, nhưng khả thi và dễ thu hút sự quan tâm của cộng đồng, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với các đơn vị khảo sát thực trạng trên địa bàn huyện, đề xuất thực hiện tái chế các lốp (vỏ) xe đã qua sử dụng để xây dựng các sân chơi miễn phí cho thiếu nhi và thực hiện mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa”.
Thanh niên Lấp Vò hăng hái “Biến bãi rác thành vườn hoa”, biến lốp xe thành sân chơi miễn phí cho các em nhỏ. (Ảnh: P.L) |
Bắt tay vào thực hiện, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã tổ chức tập huấn kỹ năng xây dựng các điểm vui chơi thiếu nhi và thiết kế các vườn hoa bằng lốp xe thông qua các video giới thiệu trên Youtube, tham khảo các mô hình đã thực hiện. Theo đó, xã Hội An Đông và Mỹ An Hưng B là điểm xây dựng điểm vui chơi miễn phí cho thiếu nhi và Thị trấn Lấp Vò làm điểm thực hiện mô hình “Biến bãi rác thành vườn hoa”.
Theo ước tính ban đầu, một điểm vui chơi thiếu nhi cần khoản từ 150 đến 200 lốp xe. Các thành viên câu lạc bộ kỹ năng huyện đã tìm kiếm, vận động nguồn vỏ xe ở các cơ sở Vá lốp xe, các Gara ô tô trên địa bàn huyện và cả ở các nơi ngoài huyện như: An Giang, Vĩnh Long, TP HCM. Kết quả sau hơn 2 tuần triển khai, nhiều không gian vui chơi đẹp mắt, bổ ích cho các em thiếu nhi đã ra đời với xích đu, cầu trượt, nhà leo, đường ống, bập bênh, thú nhún...
Đến nay, toàn huyện Lấp Vò đã có 14 sân chơi miễn phí được làm bằng các vật liệu tái chế tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn.
Việc tham gia tái chế các lốp xe đã sử dụng để xây dựng các sân chơi và các bồn hoa đã phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, khả năng sáng tạo của Đoàn viên thanh niên trong tham gia xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường.
Các mô hình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần tạo sân chơi bổ ích cho các em thiếu nhi, học sinh, góp phần tạo cảnh quan môi trường mới xanh - sạch - đẹp, từ đó từng bước nâng cao ý từ các em nhỏ tới người dân trong cộng đồng về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu.
Bãi rác đã thành vườn hoa. (Ảnh: Nhựt An) |
Chung tay làm sạch ruộng đồng
Tại Bắc Ninh, Tỉnh đoàn cũng đang nhiệt tình hưởng ứng phong trào thi đua “Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phát động nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực như: “Hành trình xanh”, “Thắp sáng đường quê”, “Ngõ sáng tôi yêu”... và nổi bật nhất là phong trào “Thanh niên Bắc Ninh chung tay làm sạch ruộng đồng”.
Phong trào này được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phát động và triển khai tới 100% các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh từ tháng 6/2017 với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân trong việc thu gom, xử lý rác thải nội đồng và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, phong trào được nâng lên một tầm ý nghĩa mới với việc thực hiện chủ đề trọng tâm của Tỉnh năm 2019 - “Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch”, cấp ủy các cấp đã giao cho Đoàn thanh niên là đơn vị chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện tốt phong trào “làm sạch ruộng đồng” tại các địa phương.
Thanh niên luôn đi đầu... |
...không ngại khó tham gia hoạt động vì môi trường. |
Sau hơn 2 năm triển khai, phong trào đã được các cấp bộ Đoàn đồng loạt hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả. Nhiều đơn vị lồng ghép trong các hoạt động tháng Thanh niên, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Toàn tỉnh tổ chức vớt bèo, khơi thông gần 90,3 km dòng chảy phục vụ tưới tiêu nội đồng; thu gom, phân loại và xử lý được hơn 25.783 kg rác thải ruộng đồng; bắt được 18.192 kg ốc bươu vàng; tổ chức Ngày hội xuống đồng giúp gia đình chính sách, người già neo đơn cắt, gặt và cấy gần 70 ha lúa; xây dựng gần 350 tập kết rác thải trên đồng ruộng (bằng các cống bê tông) với tổng trị giá trên 600 triệu đồng...
Từ những hoạt động này, ý thức của nhiều người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên trong việc bảo vệ môi trường được nâng cao.
Sau 2 năm phát động triển khai, phong trào đã lan tỏa và thu hút các thành phần, đối tượng, tổ chức trong cộng đồng tham gia cùng tổ chức Đoàn các cấp như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, học sinh, sinh viên, thanh niên công chức, viên chức… dần dần đã tạo thành nếp nghĩ, cách làm cho người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp vừa tạo năng suất cao nhưng đồng thời không gây ô nhiễm môi trường./.
“Tủ điện nở hoa” - việc làm ý nghĩa của thanh niên Yên Bái