Xe hợp đồng dưới 9 chỗ được gom khách lẻ, quản thế nào?

VOV.VN - Một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Đường bộ là việc quy định xe hợp đồng dưới 9 chỗ không cần hợp đồng thuê cả chuyến, mà được gom khách lẻ.

Liệu quy định này có làm gia tăng tình trạng xe dù, bến cóc? Cần quản lý phương tiện này như thế nào để loại hình này phát huy hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo trật tự đô thị?

Nhiều năm nay, mỗi lần về Nam Định hoặc về quê chồng tại Hưng Yên, chị Nguyễn Thùy Linh (ở TP. Nam Định) đều chọn đi xe ghép. Dù mất thời gian đi lòng vòng hơn, giá vé có cao hơn, nhưng bù lại chị Linh không phải mất thời gian đi xe ôm ra bến xe và từ bến xe về nhà.

"Em hay đi xe ghép, xe đưa đón tận nhà. Như xe đi về Nam Định nhà em, hơi mất thời gian, nhưng em thấy là như thế so với việc mình phải đi ra bến, mất thêm một khoản tiền, một lần đi như vậy kiểu gì cũng mất gần 200, trong khi đi xe ghép cứ ngồi im trên xe, mình đi như vậy là phù hợp".

Tuy nhiên, theo một số người dân, việc sử dụng xe ghép, xe hợp đồng dưới 9 chỗ cũng có rất nhiều bất cập vì là hoạt động “chui”, nên không có hợp đồng giữa hành khách và nhà xe, quyền lợi của hành khách không được đảm bảo.

Chẳng hạn, hành khách có khi phải mất hàng giờ chạy lòng vòng trên đường hoặc có khi phải đợi hàng giờ ở “văn phòng” nhà xe, khi gom đủ khách mới được di chuyển. Trong trường hợp  phương tiện xảy ra tai nạn, cháy nổ, hỏng xe, hành khách không được bảo hiểm chi trả, và cũng không biết đòi ai.

Sự gia tăng nhanh chóng xe hợp đồng dưới 9 chỗ, xe ghép đã làm thu hẹp thị phần của xe khách tuyến cố định. Đơn cử như tại tỉnh Yên Bái, hiện có hơn 100 xe ghép hoạt động liên tục khiến một số nhà xe có tỷ lệ lấp đầy chỗ đã sụt giảm mạnh từ 70% xuống 30%, thậm chí nhiều đơn vị bị lỗ. Một lái xe khách tuyến Yên Bái- Thái Bình phản ánh:

"Một tháng công ty khoán 25 chuyến, bọn anh chỉ chạy 25 chuyến nhưng hiện tại lúc này chỉ chạy được 20 chuyến. Những ngày thứ 6, thứ 7, chủ nhật còn hòa, những ngày kia đa phần bị âm. Bởi vì ở đầu Hà Nội cũng có xe về và người ta cứ đi xuống xong chuyển xe kia, chả mất cái gì. Xe hợp đồng dưới 9 chỗ làm được đồng nào ăn đồng đấy, chỉ phải bỏ vé đường và tiền dầu. Trong khi, các doanh nghiệp xe khách truyền thống phải trả bến bãi mỗi tháng 10 triệu, thuế rất nhiều nên đang chán, muốn bỏ xe".

Sự xuất hiện quá nhiều những xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động tự phát, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý còn làm gia tăng áp lực giao thông và mất an toàn giao thông. Anh Nguyễn Văn Tú, lái xe đường dài đã chứng kiến không ít các vụ va chạm, tai nạn do xe hợp đồng dừng đón, trả khách trên đường: "Đi trên đường cao tốc, quốc lộ, gặp tình trạng đón trả khách không có điểm quy định nên chỗ nào người ta cũng dừng được, thành ra mất an toàn trên đường quốc lộ cực kỳ lớn. Khi đi trên cao tốc ở đằng sau các xe hợp đồng, xe bắt khách lẻ, có khách vẫy cái tạt vào luôn, nhiều lúc mình ở sau mình không kiểm soát được gây tai nạn".

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả, rất dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn của những phương tiện này, vì nhiều xe taxi sẽ rời bỏ doanh nghiệp để chuyển sang hoạt động theo hợp đồng. Bởi vậy, ông Nguyễn Công Hùng đề xuất:

"Xe hợp đồng trên 9 chỗ là thuê trọn chuyến, phải có hợp đồng được ký kết. Còn xe hợp đồng dưới 9 chỗ là chưa có điều kiện nào để quy định. Bởi vậy, Bộ GTVT phải xây dựng khái niệm cụ thể của từng loại hình, xe hợp đồng, xe taxi. Xe hợp đồng dưới 9 chỗ là đang phục vụ khách mà điểm đi và điểm đến là 2 đầu khác nhau, không trùng lặp trong cùng một địa phương, không tính tiền bằng bản đồ, bằng các hình thức theo từng chuyến đi, tức là lộ trình có thời gian tối đa, tối thiểu. Đấy mới là bản chất đúng nghĩa của xe hợp đồng".

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo lại cho rằng, việc cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ được đón khách lẻ là cần thiết. Theo ông Khương Kim Tạo, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, không khó để quản lý loại hình phương tiện này.

"Tiêu chí số 1 là ATGT phải đảm bảo, số 2 là thu thuế, tiêu chí số 3 là chất lượng dịch vụ, giá cả. Những tiêu chí cơ bản như thế thì từng tiêu chí một nó cần cái gì, thì mình phải đề xuất ra. Về tiêu chí an toàn, trước hết nó phải tuân thủ những quy định của Luật Giao thông đường bộ, chứ đừng bắt nó phải tuân thủ cái gì đẻ ra mới. Tất cả những xe nào tham gia vào hoạt động phải có đăng ký, và lắp thiết bị giám sát hành trình. Như vậy mọi di chuyển đều có thể biết".

Ví hoạt động của xe hợp đồng dưới 9 chỗ như việc bán hàng online, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, loại hình này cũng phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế và có bảo hiểm đi kèm để đảm bảo ATGT cho hành khách, đồng thời việc đón trả khách cũng phải được thực hiện tại một số khu vực nhất định chứ không phải đón trả khách tràn lan

"Trước hết chúng ta phải xây dựng khung pháp lý để quản lý được loại hình dịch vụ mới này, gồm có cả việc đăng ký kinh doanh, thu thuế, đồng thời cũng phải xem xét thêm các loại phí bến bãi đối với việc đón trả khách tại những điểm đã được quy định sẵn để tạo ra môi trường kinh doanh, một sân chơi bình đẳng đối với xe khách tuyến cố định", Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình nói.

Một số ý kiến cho rằng, việc xuất hiện các phương tiện xe hợp đồng dưới 9 chỗ một mặt giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng mặt khác cũng gây e ngại đối với an toàn của hành khách đi xe.

Bởi vậy, Chính phủ, ngành giao thông cần có những biện pháp để quản lý, nhằm bảo đảm lợi ích của những hành khách sử dụng xe hợp đồng dưới 9 chỗ, và đảm bảo môi trường tham gia giao thông an toàn cho người dân nói chung.

Tình trạng xe hợp đồng, xe khách trá hình hoạt động thiếu sự kiểm soát khiến nhà nước thất thu thuế, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, doanh nghiệp vận tải tuyến cố định gặp khó khăn. Tuy nhiên, đối với nhiều người dân, loại hình vận tải này vẫn hấp dẫn.

Vậy, với quy định mới của Luật đường bộ không cấm, vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý cần sớm có những biện pháp, quy định để quản lý loại hình phương tiện này. Đây cũng là góc nhìn của VOV giao thông: Cần đảm bảo quyền lợi cho người đi xe

Theo Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2025, xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ không cần phải ký hợp đồng cả chuyến xe, mà có thể gom khách lẻ đi ghép, đi chung một chuyến xe. Điều này đồng nghĩa, hàng triệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động lâu nay không chịu sự quản lý của Sở GTVT các địa phương được “hợp lý hóa”.

Theo các chuyên gia, quy định này sẽ gây ra nhiều thách thức cho công tác quản lý nhà nước do hiện tại chưa có bất kỳ quy định nào để quản lý loại hình phương tiện này.

Vậy làm thế nào để “quản” loại hình phương tiện này?

Việc thêm một loại hình vận tải hành khách như xe hợp đồng, xe ghép có thể khiến thị trường vận tải hành khách trở nên sôi động và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, và đảm bảo an toàn cho quá trình lưu thông, Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Đường bộ bao gồm các Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết quá trình thực thi Luật trước ngày Luật có hiệu lực.

Bộ giao thông vận tải cần sớm tổ chức các hội thảo, với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà quản lý và các doanh nghiệp vận tải nhằm xây dựng các quy định để quản lý, kiểm soát các phương tiện xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Trong đó, cần làm rõ khái niệm của loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ, các quy định về điểm đi, điểm đến, lộ trình tối đa, tối thiểu và phương thức thu tiền, để phân biệt với các loại hình xe taxi.

Vì là loại hình kinh doanh vận tải có điều kiện, các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ cần phải thực quy định đăng ký kinh doanh vận tải và phải có biển vàng, phù hiệu xe hợp đồng. Các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng đúng các quy định như các loại hình kinh doanh vận tải về nộp thuế, phí cho Nhà nước, cũng như tuân thủ các quy định khác về trật tự an toàn giao thông.

Các phương tiện này cũng cần phải lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình và thường xuyên truyền dữ liệu giám sát hành trình về Sở GTVT, doanh nghiệp. Qua đó, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có thể giám sát việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông của lái xe, có những biện pháp xử lý kịp thời những trường hợp chạy sai hành trình, dừng đỗ không đúng quy định, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe và những người tham gia giao thông khác.

Bản thân mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải cần phải có bộ phận an toàn để giám sát hoạt động của các lái xe, lộ trình các tuyến xe.

Để đảm bảo quyền lợi cho người đi xe, các doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải xây dựng mức giá vé, đầu tư trang thiết bị bán vé, mua bảo hiểm cho hành khách đi xe. Định kỳ tiến hành bảo dưỡng phương tiện và đăng kiểm để đảm bảo phương tiện an toàn khi lưu thông.

Cùng với đó, các địa phương và ngành giao thông xây dựng quy hoạch các điểm đón trả khách, tránh tình trạng đón khách tự phát trên đường.

Ứng dụng các công nghệ hiện đại để giám sát và xử lý các trường hợp phương tiện vi phạm cũng là một trong những giải pháp để quản lý loại hình phương tiện vận tải này.

Để một chính sách mới có thể sớm được đưa vào thực thi, các văn bản dưới Luật, hướng dẫn quá trình thực thi Luật Đường bộ cần sớm được ban hành để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý làm quen, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp.        

Cùng với đó, các địa phương cũng cần có những giải pháp nhằm cải thiện các tuyến xe khách cố định, bổ sung các tiện ích về xe trung chuyển, tăng tính hấp dẫn cho loại hình vận tải này, tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh với loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ và người dân ngày càng được hưởng chất lượng dịch vụ xe khách được tốt, an toàn hơn.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quảng Ninh tăng cường kiểm tra, xử lý xe "dù", xe hợp đồng trá hình
Quảng Ninh tăng cường kiểm tra, xử lý xe "dù", xe hợp đồng trá hình

VOV.VN - Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình… góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Quảng Ninh tăng cường kiểm tra, xử lý xe "dù", xe hợp đồng trá hình

Quảng Ninh tăng cường kiểm tra, xử lý xe "dù", xe hợp đồng trá hình

VOV.VN - Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang tập trung thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình… góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Quản xe hợp đồng bằng bến ảo, được không?
Quản xe hợp đồng bằng bến ảo, được không?

VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng, thay vì dựa vào các thông số: số lượng chuyến xuất bến trùng lặp trong tháng, điểm đi, điểm đến, hợp đồng với hành khách... có thể yêu cầu các nhà xe, doanh nghiệp vận tải đón khách bằng bến ảo, được đăng ký và quản lý rõ ràng, cụ thể được không?

Quản xe hợp đồng bằng bến ảo, được không?

Quản xe hợp đồng bằng bến ảo, được không?

VOV.VN - Một số ý kiến cho rằng, thay vì dựa vào các thông số: số lượng chuyến xuất bến trùng lặp trong tháng, điểm đi, điểm đến, hợp đồng với hành khách... có thể yêu cầu các nhà xe, doanh nghiệp vận tải đón khách bằng bến ảo, được đăng ký và quản lý rõ ràng, cụ thể được không?

Hết Tết xe hợp đồng vẫn náo loạn trong đô thị ở Hà Nội
Hết Tết xe hợp đồng vẫn náo loạn trong đô thị ở Hà Nội

VOV.VN - Sau Tết Nguyên đán trên nhiều tuyến phố cửa ngõ phía Nam Hà Nội xuất hiện nhiều điểm xe hợp đồng hoạt động náo loạn gây ùn tắc giao thông, mất trật tự đô thị

Hết Tết xe hợp đồng vẫn náo loạn trong đô thị ở Hà Nội

Hết Tết xe hợp đồng vẫn náo loạn trong đô thị ở Hà Nội

VOV.VN - Sau Tết Nguyên đán trên nhiều tuyến phố cửa ngõ phía Nam Hà Nội xuất hiện nhiều điểm xe hợp đồng hoạt động náo loạn gây ùn tắc giao thông, mất trật tự đô thị