Công an giao thông Sơn La: Bỏ ngỏ cho tử thần?

Xe quá tuổi rầm rập chạy trên đường

(VOV) -Trên địa bàn tỉnh Sơn La, xe hết niên hạn sử dụng, xe không đăng kiểm vẫn lưu hành, gây nên những cái chết thương tâm.

Trên tuyến quốc lộ 6, 4G, 37 và nhiều tuyến đường ngang trên địa bàn tỉnh Sơn La, hàng trăm xe tải hết niên hạn sử dụng, xe không đăng ký, đăng kiểm vẫn ngang nhiên chuyên chở hàng hóa, rầm rập lưu thông trước sự thờ ơ của lực lượng cảnh sát giao thông.

Đã xảy ra những vụ tai nạn đau lòng do xe tải quá hạn sử dụng gây ra, dư luận bức xúc, nhưng dường như không làm những người có trách nhiệm thực thi nghiêm pháp luật. Đâu là nguyên nhân của tình trạng nhức nhối này?

Những cái chết được báo trước

Mới 32 tuổi, cái tuổi xuân sắc, căng tràn hạnh phúc nhưng chị Nguyễn Thị Hợp ở xóm 9, tiểu khu 32, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã rơi vào cảnh góa bụa cùng 2 đứa con thơ. Cách đây hơn 1 tháng, chồng chị  Hợp bị tai nạn giao thông do chính bản thân gây ra và từ giã cõi đời ở tuổi 39.

Một "hung thần" quá tuổi gây tai nạn

Chiếc xe tải nhãn hiệu Zin do Liên Xô trước đây sản xuất đã hết hạn sử dụng 10 năm, ọp ẹp, rỉ nát, không đăng kiểm, không biển số, chất gần 3 tấn ngô lên thùng, do chồng chị Hợp điều khiển đang đi trên đường thì bị mất phanh và lật. Anh chết ngay tại chỗ.

Nỗi đau của gia đình chị Nguyễn Thị Hợp là một trong nhiều nỗi đau khác ở tỉnh Sơn La, do tai nạn có liên quan đến phương tiện không đảm bảo về kiểm định an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng. Sẽ còn rất nhiều cái chết được báo trước, nhiều nỗi đau như thế khi hàng ngày, hàng giờ những chiếc xe này vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường.

Theo thống kê của Trung tâm đăng kiểm cơ giới thủy bộ (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La), từ năm 2004 ( kể từ khi thực hiện nghị định 23) đến hết 31/12/2012, toàn tỉnh có 524 xe tải và xe khách hết niên hạn sử dụng không được phép lưu hành.

Thế nhưng, trong số xe này, chưa kể những xe tải quá hạn đưa lậu từ địa phương khác vào địa bàn mà không đăng ký, vẫn hoạt động rầm rộ trên tuyến quốc lộ 6 và nhiều tuyến đường ở tỉnh Sơn La, nhất là các địa phương vùng nguyên liệu mía và ngô như Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu, Sông Mã, Bắc Yên, Phù Yên...

Nối đuôi nhau trên các tuyến đường

Ông Mai Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm cơ giới thủy bộ tỉnh Sơn La cho biết: “Về góc độ quản lý Nhà nước, xe hết hạn là bên Công an thu hồi lại biển số. Công an giao thông tổ chức tuần tra kiểm soát vấn đề này nhưng rất khó”.

Vùng nguyên liệu mía ở huyện Mai Sơn đang vào mùa thu hoạch để cung cấp cho Công ty cổ phần  mía đường Sơn La. Hàng chục chiếc xe tải không dán tem đăng kiểm, nhiều chiếc không biển số, mía cây xếp cao ngất ngưởng, quá khổ quy định vẫn chạy đi chạy lại như con thoi trên các tuyến đường, ra cả quốc lộ 6 mà không bị lực lượng công an giao thông ngăn chặn.

Qua tìm hiểu được biết, để đảm bảo công suất sản xuất từ 2.200 đến 2.500 tấn mía cây mỗi ngày, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã hợp đồng với Doanh nghiệp vận tải Hùng Nguyên, có hơn 90 đầu xe tải, chủ yếu là xe IFA (do Cộng hòa Dân chủ Đức sản xuất), Zin 130- 131 đã quá hạn sử dụng.

Khảo sát hơn 1 giờ đồng hồ tại nhà máy, trong số hơn 20 xe chở nguyên liệu ra vào, chỉ có 3 xe tải nhẹ hiệu Chiến Thắng là có tem kiểm định. Đối chiếu hồ sơ kỹ thuật phương tiện tại Trung tâm đăng kiểm cơ giới thủy bộ tỉnh Sơn La của hơn 20 xe tải mà chúng tôi ghi được biển số, thì chỉ có 5 xe còn niên hạn và có đăng ký đăng kiểm.

Biết nhưng cố tình làm ngơ

Vì sao trên địa bàn xe hết niên hạn sử dụng, xe không đăng kiểm vẫn lưu hành? Trung tá Phạm Văn Cờ, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Mai Sơn giải thích rằng, đường trong vùng nguyên liệu của nhà máy đường chỉ có loại xe 2 cầu mới vào được. Song trên thực tế, các tuyến đường tới vùng nguyên liệu của huyện Mai Sơn được đầu tư xây dựng khá tốt, những loại xe tải nhẹ, kể cả xe ô tô 7 chỗ ngồi vẫn đi lại được.

Trung tá Phạm Văn Cờ phân bua: “Chúng tôi đã có kiến nghị với nhà máy đường, là tất cả các xe hợp đồng với nhà máy phải có đảm bảo đầy đủ các thiết bị an toàn và các loại giấy tờ theo quy định của Nhà nước, nhưng nhà máy có trình bày và có công văn gửi cho các cơ quan chức năng, xin phép có một số xe mà hết thời gian kiểm định vẫn cho ký hợp đồng”(?).

Qua giải thích của trung tá Phạm Văn Cờ có thể hiểu, những người thực thi pháp luật an toàn giao thông ở huyện Mai Sơn hoàn toàn biết sự việc vi phạm. Nhưng vì sao lực lượng cảnh sát giao thông lại cố tình làm ngơ để cho những chiếc xe tải quá hạn sử dụng vốn được coi là “thần chết” rầm rập chạy trên đường? Chúng tôi tiếp tục thông tin trong kỳ 2 của phóng sự này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên