Xé rào cản hiến tạng cứu người không hề dễ
VOV.VN - Các chuyên gia nhận định, rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng là định kiến và quan niệm cũ của ngay chính những người thân trong gia đình...
Khi các chức năng tạng bị suy và bệnh ung thư giai đoạn cuối mà không còn chỉ định mổ, khi ấy ghép tạng được coi là một trong những cách hiệu quả để điều trị căn bệnh này.
Bệnh ung thư gia tăng hàng năm
Phát biểu tại cuộc tọa đàm khoa học “Vấn đề ung thư, ghép tạng và những thách thức đối với hoạt động truyền thông y tế hiện nay” được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội mới đây, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông nhấn mạnh, hiện nay, ung thư đang là mối lo ngại đối với người dân Việt Nam khi 15 năm qua, số người mắc căn bệnh này đã tăng gấp đôi. Dự kiến, trong 5 năm tới mỗi năm sẽ có gần 200.000 ca mắc mới.
Theo các chuyên gia y tế, sở dĩ số ca mắc ngày càng tăng trong những năm gần đây do 3 nguyên chính: thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng, trong đó tác nhân gây bệnh là thực phẩm bẩn đứng hàng đầu (chiếm khoảng 35%), thuốc lá (khoảng 30%), di truyền chỉ chiếm (khoảng 5-10%), còn lại là các nguyên nhân khác. Điều đáng lưu ý, đa phần người dân được phát hiện bệnh nan y khi đã ở giai đoạn muộn, bởi họ chưa có thói quen tầm soát cũng như kiểm tra sức khỏe định kỳ. Do vậy, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Ghép tạng là phương pháp trị liệu hiệu quả nhất cho các tạng bị suy và không còn chỉ định mổ (Ảnh: K.T) |
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết: Nếu những năm 1990, Bệnh viện Việt Đức tiến hành mổ ung thư dạ dày khoảng 100 ca/năm, năm 1995 khoảng 200 ca/năm thì đến năm 2006 - 2007 lên tới 500-700 ca/năm. Và đến năm 2016 là 900 - 1.000 ca/năm. Nếu người dân không được truyền thông tốt và không có ý thức phòng bệnh ngay từ cách lựa chọn thực phẩm, thói quen ăn uống (không ăn đồ chiên rán bị cháy, cơm cháy có màu đen, dưa muối chưa chua…), uống rượu, hút thuốc lá… thì khó mà kiểm soát được tốc độ tăng ung thư như hiện nay.
Là bệnh nhân đang điều trị ung thư đại tràng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên Đại học KHXH&NV Hà Nội cho rằng, người mắc bệnh ung thư cần phải được kiểm soát và giải thích, điều trị tử tế. Và điều đóng vai trò quan trọng trong hành trình chữa trị là yếu tố tinh thần và thể chất. Do vậy, truyền thông có một vai trò quan trọng trong việc tác động, thay đổi nhận thức của công chúng về việc phòng tránh, tầm soát và điều trị bệnh ung thư.
Cần xóa rào cản trong việc hiến tạng cứu người
Nhờ tiến bộ của khoa học, ghép tạng được coi là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y nước ta. Khi các chức năng tạng bị suy và bệnh ung thư giai đoạn cuối mà không còn chỉ định mổ, khi ấy ghép tạng được coi là một trong những cách hiệu quả để điều trị căn bệnh này.
Theo thống kê của Dự án Phòng chống ung thư quốc gia, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Mỗi năm nước ta có khoảng 80.000 người chết và 150.000 người mắc mới. Con số này không dừng ở đó mà còn gia tăng trong những năm tiếp theo, khoảng 200.000 ca mắc mới vào năm 2020.
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, số ca ghép tạng đã thực hiện ở Việt Nam là con số quá ít so với lượng bệnh nhân đang chờ nguồn để ghép mô, tạng rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Ngành ghép tạng Việt Nam cũng đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô tạng để cấy ghép, trong khi mô tạng từ nguồn các ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Các chuyên gia nhận định, rào cản lớn nhất trong việc hiến tạng là định kiến và quan niệm cũ.
“Ngay cả với những người đồng ý cho người thân hiến tạng sau đó cũng phải chịu áp lực từ những lời chỉ trích của họ hàng và bạn bè. Do vậy, ngoài việc chữa trị, đi giảng dạy hay đi bất cứ đâu, chúng tôi cũng kèm tờ giấy phát cho mọi người để đăng ký hiến tạng. Tôi cũng muốn mọi người hiểu rằng, nếu chẳng may có ai bị chết/chết não thì các tạng như tim có thể cứu được 1 người, thận có thể cứu được 2 người, gan có thể chia ra ghép và cứu sống được 2 em bé, và rất nhiều bộ phận khác như da, giác mạc, xương… mà tôi thấy tiếc. Vì vậy, tôi muốn qua thông tin đại chúng, người dân hiểu được và chia sẻ nguồn mô tạng quý giá đó với mọi người bệnh”- bác sĩ Hồng Sơn trăn trở.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cũng khẳng định truyền thông trong vấn đề hiến tạng chưa thực sự hiệu quả. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xóa bỏ định kiến về hiến tạng tại Việt Nam? Theo PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, để từng bước làm thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, truyền thông cần phải đi trước một bước để nâng cao nhận thức chung của cộng đồng trong phòng chống và điều trị ung thư, cũng như mở đường cho việc hiến, tặng mô, tạng, qua đó làm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người dân, tiến tới chủ động tham gia hiến, tặng mô, tạng./.
“Tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013, gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người.
Cái cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập trong lồng ngực của ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất và là một cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến