Xoa dịu nỗi đau bệnh nhân tâm thần
VOV.VN -Chữa trị cho bệnh nhân tâm lý bình thường đã khó nên chăm sóc, điều trị những người bệnh tâm thần còn khó khăn gấp bội. Thế nhưng, với tâm nguyện “Lương y như từ mẫu”, các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã vượt qua khó khăn, xem bệnh nhân như người thân, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, giúp họ vượt qua bệnh tật, hoà nhập cộng đồng.
Làm Điều dưỡng viên ở Bệnh viện Tâm thần đã 15 năm nay, công việc hàng ngày của chị Trần Thị Ngọc Ánh là cho bệnh nhân uống thuốc, đo huyết áp và theo dõi, chăm sóc người bệnh. Những ai đã từng ghé thăm nơi này mới cảm nhận hết những vất vả của đội ngũ thầy thuốc. Chị Trần Thị Ngọc Ánh kể, có lần trong ca trực ngoài giờ, chị vào phòng bệnh nhân bị rối loạn tâm thần cho người bệnh uống thuốc, khi vừa quay ra thì bị người này đánh túi bụi vào mặt, cào cấu xé rách cả áo blu trắng. Rất may có người nhà bệnh nhân kịp thời ngăn cản, giúp chị ra ngoài an toàn. Làm việc tại Khoa Cai nghiện thường xuyên tiếp xúc với các trường hợp rối loạn tâm thần, nghiện ma tuý, luôn chứng kiến cảnh họ lên cơn la hét, đập phá và tấn công người đối diện bất cứ lúc nào.
“Ở đây tính chất phức tạp hơn mấy khoa khác, bệnh nhân dùng ma tuý vào kích động và quậy phá. Ở trong giờ có nhiều người hỗ trợ nhưng ngoài giờ thì mình cũng phải khống chế bệnh nhân thôi. Có lần khống chế bệnh nhân cố định khi tay sụt ra ngoài có đánh nhưng may sưng lên. Xem họ như người thân của mình chăm sóc từng bữa ăn và giấc ngủ”-Chị Ánh kể.
Hàng ngày, các y tá, điều dưỡng tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chăm sóc từng bữa ăn, sửa từng động tác ngồi, động viên tinh thần người bệnh. Bệnh nhân Đinh Văn Q. ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng bị rối loạn tâm thần từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng kể, đầu năm 2022, trong lúc làm việc anh đột nhiên đổ bệnh, chóng mặt, mất trí nhớ, tinh thần bất an rồi bỏ nhà đi lang thang, khi về nhà thì gây gổ, đánh đập người thân. Sau đó, gia đình đưa anh vào Bệnh viện Tâm thần chữa trị. Trong 4 tháng điều trị tại đây, anh được các y, bác sĩ tận tình chữa trị, đến nay đã khỏi bệnh.
“Trước đây, hay đi lang thang hay uống bia, uống rượu ngoài đường có lúc gây rối mất trật tự khu dân cư, không biết bị bệnh gì lên uống thuốc nay đỡ. Cũng nhờ uống thuốc điều độ, giờ giấc nên bệnh tình ổn định. Ở đây y tá và điều dưỡng chăm sóc tận tình cho uống thuốc đúng giờ giấc nên thần kinh được ổn định và tư tưởng thoái mái, giờ bình thường như mọi người khác.”- Anh Q. cảm kích.
Tại Khoa Cai nghiện chất điều trị bắt buộc của Bệnh viện Tâm Thần Đà Nẵng đang điều trị 40 bệnh nhân. Bệnh nhân khoa này, người thì bị tâm thần phân liệt, người thì trầm cảm, rối loạn tâm thần, nghiên rượu, ma tuý)… Bác sĩ Phạm Tú, Trưởng Khoa Cai nghiện chất điều trị bắt buộc, cho biết để gắn bó với bệnh nhân tâm thần, ngoài yếu tố chuyên môn, các y, bác sĩ phải kiên trì và chịu khó xoa dịu nỗi đau bệnh nhân:
“Khoa này rất đặc thù cho những đối tượng nghiện chất, bệnh nhân có những hành vi rất nguy hiểm. Có nhiều người nghiện ma tuý vào đây rất trẻ, ngáo đá rất nguy hiểm cho mọi người. Nhiều bệnh nhân tấn công nhân viên, nhiều lúc bệnh nhân phá cửa kinh khủng nên dùng dây cố định 2 ngày đầu. Chăm sóc bệnh nhân mất trí hay bệnh nhân nghiện rượu, loạn thần rất cực cho nhân viên y tế nếu không yêu nghề không thể tận tâm với bệnh nhân được.”
Những năm gần đây, số bệnh nhân bị tâm thần do sử dụng ma tuý vào điều trị tại Bệnh viện Tâm Thần Đà Nẵng gia tăng. Bệnh viện này đang điều trị cho 140 bệnh nhân, những ngày cao điểm nắng nóng, số lượng bệnh nhân tăng lên từ 200 đến 250 người. Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật:
"Bệnh viện đã tổ chức những hoạt động phục hồi chức năng, giống như bệnh nhân tập rửa xe và tập làm một số sản phẩm về mỹ nghệ để giúp bệnh nhân thấy được giá trị bản thân của mình. Công việc rất nhỏ nhưng giúp cho bệnh nhân hoà nhập cuộc sống bình thường, cảm thấy vui vẻ không có cảm giác chán và thấy được giá trị của một con người. Phải lấy bệnh nhân làm trọng tâm, tìm mọi cách giúp bệnh nhân”
Những đóng góp thầm lặng của những người thầy thuốc ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã giúp người bệnh vượt qua nỗi đau tinh thần, sớm trở về cuộc sống bình thường, hòa nhập với cộng đồng./.