Xử lý “hố tử thần”: Chưa tròn trách nhiệm
VOV.VN -"Đường mới làm mà đã hư, lún. Thà làm một lần chắc chắn, còn làm qua loa nó sẽ hư hoài, tốn tiền của nhà nước".
Sau một thời gian lắng xuống, từ đầu năm đến nay, các hố sụp trên mặt đường mà người dân hay gọi là "hố tử thần" đã xuất hiện trở lại trên một số tuyến đường của TP HCM. Bên cạnh việc ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì những hố sụp trên còn làm cho người dân bất bình bởi cách xử lí có phần đối phó, chưa căn cơ của các cơ quan chức năng.
Xe ô tô dính hố tử thần |
Người dân bức xúc
Vài năm trước, cứ mỗi lần có một hố sụp mà người dân hay gọi là "hố tử thần" trên con đường nào đó ở thành phố thì lập tức được lãnh đạo thành phố, ngành giao thông, các chuyên gia nhanh chóng vào cuộc, xử lý, tìm hiểu nguyên nhân… Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về vần đề này, kể cả việc nhập các máy móc dò tìm đắt tiền về để giải bài toán “hố tử thần” cũng đã được thành phố làm. Nhưng sau đó, hố tử thần không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng thêm.
Nếu như trong năm 2012 chỉ có 29 vụ sụp lún gây ra hố tử thần thì chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 22 vụ. Riêng tháng 5/2013, có đến 7 “hố tử thần” xuất hiện, chủ yếu nằm trên tuyến đường dọc theo kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè.
Theo người dân sống gần khu vực có các hố sụp lún xuất hiện phản ánh là do chất lượng công trình không đảm bảo. Thêm vào đó, các hố này xuất hiện và biến mất rất nhanh chóng do chỉ được xử lý sơ sài trên bề mặt nên không tránh khỏi tái diễn.
Ông Nguyễn Trọng Thu, người dân ở phường 10, quận Phú Nhuận bức xúc: "Đường mới làm mà đã hư, bể, lún thì có được không? Thà làm một lần chắc chắn, còn làm qua loa nó sẽ hư hoài, tốn tiền của nhà nước".
Bức xúc này của người dân đã được chúng tôi đặt vấn đề với ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP HCM. Ông Hận cho biết: lực lượng thanh tra đã làm đúng qui trình và hết chức năng khi phát hiện các vụ việc trên. Cụ thể là, ngay khi nhận được tin báo, lực lượng thanh tra đã có mặt kịp thời, mời các bên có liên quan như Ban quản lý dự án, điện, nước, chủ đầu tư, nhà thầu…để tìm nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý. Thanh tra cũng lập biên bản tất cả các vụ việc, yêu cầu các bên liên quan nhanh chóng xử lý và nếu như có hiện tượng che dấu hay làm qua loa thì sẽ phạt nặng.
Cũng theo ông Hận, thời gian qua, các đơn vị chuyên ngành cũng đã chủ động dò tìm, dự báo sự cố và xử lý ngay từ đầu nhưng về lâu dài, cần phải làm tốt chất lượng công trình ngay từ đầu: "Vấn đề là chất lượng công trình thì tới đây chủ đầu tư và tư vấn giám sát cần làm tròn trách nhiệm của mình bởi vì đã thuê rồi thì đâu thể làm như thế được".
Cần có địa chỉ chịu trạch nhiệm cụ thể
Đứng ở góc độ chuyên môn, Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông cho rằng, "hố tử thần" xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân nhưng bắt buộc phải có hai điều kiện là: lực làm phá vỡ kết cấu vật liệu (thường là áp lực thủy động của nước) và đường cho cát đất di chuyển. Công trình giao thông dọc kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè có đủ hai điều kiện này nên xuất hiện nhiều hố tử thần. Vì thế, chất lượng thi công như: đập nén đất không đạt, tường cừ bê tông cốt thép bị hở là lỗi cơ bản nhất gây ra sụt lún. Ngoài ra, các bên thiết kế, giám sát, quản lý dự án…cũng có những lỗi nhất định dẫn trước hiện tượng sụt lún này.
Về lâu dài UBND Thành phố phải có chủ trương dứt khoát. Là cấp quyết định đầu tư thì phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành thành lập hội đồng điều tra, khảo sát, đánh giá nguyên nhân sau đó phải qui trách nhiệm đơn vị nào trách nhiệm tới đâu, xử lý tới đâu, từ đó rút kinh nghiệm cũng như có những khuyến cáo hay qui chế quản lý phù hợp sau này.
Việc gia tăng xuất hiện "hố tử thần" cùng với nhiều công trình giao thông bị hư hỏng khi mới đưa vào sử dụng như mặt đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, cầu vượt bằng thép tại Thủ Đức là hồi chuông báo động về việc quản lý, giám sát các công trình, nhất là trong năm nay được được ngành giao thông chọn là “năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP HCM cho biết: "Về dài hạn chúng tôi đã có những giải pháp và biện pháp chỉ đạo cụ thể để công tác đảm bảo quản lý chất lượng mang một tính liên tục, liên thông. Trước mắt phải sửa chữa, gia cường, có những biện pháp khắc phục để khai thác công trình và đây là công việc diễn ra thường xuyên. Một mặt sẽ phải tìm giải pháp phù hợp khắc phục lỗi đã diễn ra nhiều trong thời gian qua mà chưa khắc phục triệt để, tìm cách khắc phục ngay, có giải pháp sớm để xử lý đảm bảo an toàn giao thông, không chờ có giải pháp căn cơ hữu hiệu mới thực hiện".
Những biện pháp mà ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GT -VT vừa đề cập nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, hy vọng sẽ sớm khắc phục được những sự cố trong các công trình giao thông của thành phố hiện nay./.