Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Nội là 113,2/100, so với cả nước, mức chênh lệch về giới tính khi sinh ở Thủ đô còn cao
Về nguyên nhân của tình trạng này theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, một phần do chất lượng dân số không đồng đều giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Ảnh: Hồng vĩnh.
Hiện nay, thành phần cư dân trên địa bàn thành phố thuộc 30 dân tộc, trình độ dân trí và mức sống của mỗi dân tộc, mỗi vùng có sự khác nhau. Tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai ở ngoại thành là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội ở mức cao so với cả nước.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ làm thay đổi cấu trúc dân số, làm tăng bất bình đẳng giới, khiến phụ nữ kết hôn sớm, thiếu hụt lao động ở nhiều nghề (như giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý, y tá nữ...), nguy cơ tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em gia tăng. Được biết, mức chuẩn sinh học bình thường là 105-107 trẻ trai/100 trẻ gái chào đời.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tới đây thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Hiện nay, theo phân cấp, các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các cơ sở siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi trên địa bàn. Thành phố có đoàn kiểm tra đột xuất, phúc tra tại các địa phương.
Một giải pháp nữa mà Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện là duy trì mức sinh thấp hợp lý, phấn đấu đến năm 2020 quy mô dân số đạt mức 8,5 triệu người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,2%, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên bình quân giảm 0,1%/năm. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia về dân số cho rằng, cần xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với địa bàn, tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, giảm áp lực sinh con trai để có người phụng dưỡng tuổi già, nhất là với người cao tuổi sinh con một bề là gái không có lương hưu và trợ cấp xã hội; xây dựng chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo…/.