Xuân bao nhiêu tuổi?

Cứ thế này chắc Xuân sẽ già đi, vì làm sao có thể vẫn tươi vẫn trẻ trong khi con người vẫn cũ già vẫn non dại… ?

Xuân lại về. Mừng như mừng gặp lại bạn tri âm: “Năm nay, Xuân đã  bao xuân?”.

Một câu hỏi khó trả lời. Có khác gì đố nhau: Thời gian có tự bao giờ?

Thời gian không có tuổi. Vậy có phải là Xuân cũng không có tuổi? Đến hẹn lại lên, năm năm Xuân lại về, có sớm muộn chút ít không quan trọng, chẳng qua như cô gái đỏng đảnh, đã có lời hẹn thế nào rồi cũng đến. Và năm nào cũng như năm nào, Xuân lại đến, vẫn phơi phới trẻ trung,  vẫn tràn trề sức sống.

Chẳng ai biết được Xuân có tự bao giờ. Tuy nhiên, không như thời gian vô thủy vô chung, không phải Xuân không có tuổi. Với lịch sử, tuổi của Xuân là tuổi của loài người. Với trời đất, Xuân là chu kỳ vần vụ theo vòng quay trái đất và tác động của mặt trời trong vũ trụ vô biên, song xét đến cùng, khi chưa có cuộc sống trên hành tinh thì làm sao có cái để gọi là xuân? Đối với con người, tuổi của Xuân là tuổi của mỗi chúng ta. Và như vậy có nghĩa, giống như tất cả mọi người từ xưa tới nay, Xuân đã có thời điểm chào đời và rồi đây sẽ đến lúc Xuân theo người ra đi, có thể bất ngờ, có thể trong chờ đợi, song không ai có thể lựa chọn trước cho mình thời điểm giã từ trần thế.

Trên thực tế, tuổi của Xuân không hẳn trùng hợp với tuổi của mỗi người tính từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Tuổi Xuân có muộn hơn một ít, bắt đầu từ lúc ta có trí khôn. Xuân khởi đầu với cái Tết đầu tiên ta còn nhớ được, với chiếc áo mẹ mới mua cho, với lát bánh tét tròn như mặt trăng tròn dẻo thơm hoặc nồi bánh chưng cứ sôi hoài trong khi ta chờ chán đã ngủ thiếp trong vòng tay mẹ. Xuân là mùi hương trầm cha ta dâng tiên tổ sáng sớm đầu năm, là tiếng pháo nổ rộn ràng buộc ta bưng tai nhắm mắt cho dù rất thú vị. Xuân là đồng xu mới được họ hàng mừng tuổi, Xuân cũng có thể là kỷ niệm đắng cay về nỗi cực nhọc bần hàn của mẹ cha. Vậy ra Xuân không có một, mà Xuân là vô vàn số phận riêng tư, bởi Xuân không chỉ là thiên nhiên, hoa lá, bướm và chim, Xuân trước hết là Người, là Cuộc sống xã hội.

Thăng Long Hà Nội hơn ngàn năm tuổi. Tuổi thực của thủ đô ta lớn hơn con số ấy nhiều. Khi vua Lý Thái Tổ chưa dời đô từ Hoa Lư về thì dải đất với thế rồng cuộn hổ ngồi đã có cư dân, và hẳn ngài đã thấy những người dân ấy sẽ chỗ dựa vững chắc giúp mình gìn giữ sơn hà, đâu phải như các sử quan xưa cứ một mực nhấn mạnh ngài chọn đất Thăng Long vì phong thủy chốn này đẹp. Tuổi của Thăng Long Hà Nội nên chăng tính từ thời hai chàng trai người miền núi và người miền xuôi cùng lúc phải lòng nàng công chúa Mỵ Nương dẫn đến tranh chấp hằng năm, khiến dân ta sớm đắp đê phòng lụt; từ khi các hoàng tử con vua Hùng thi làm món ăn dâng vua cha để làm ra bánh chưng, bánh dày lưu lại cho ta ngày nay; hay từ lúc Vua Hùng theo tục xưa, chọn ngày lành đầu năm dắt trâu xuống đồng dạy dân làm ruộng... Thời tiết tự nó vô tình. Xuân ấm hay đông lạnh chỉ có khí có hồn từ khi gắn bó với con người, khi con người hòa hợp trong cộng đồng có ý thức trân trọng để chung sống với môi trường tự nhiên.

Con người nối tiếp con người mải miết đi trên con đường không bằng phẳng tiến tới cuộc sống văn minh, với mục tiêu hôm nay hơn hôm qua và ngày mai vượt hôm nay. Con người đã kiến tạo nên bao sự diệu kỳ, lưu dấu chân mình trên con đường triệu dặm, đồng thời cũng là thủ phạm phá hỏng nhiều thế cân bằng vốn có của tự nhiên khi cắm cúi đi với tầm nhìn thiển cận, chẳng khác con ngựa đánh xe bị mảnh da che hai bên mắt chỉ nhìn thấy mỗi một rẻo không gian hẹp trước mắt mà thôi. Đáng lạ và đáng buồn là xã hội càng văn minh hiện đại, cuộc sống vật chất và tinh thần của con người càng giàu sang thoải mái thì nhịp độ phá hoại môi trường càng ghê gớm. Các nước lớn càng mạnh càng giàu thì càng ích kỷ, hầu như chỉ thấy lợi ích của mình. Hội nghị bàn về biến đổi khí hậu toàn cầu họp năm nào ở Kyoto, Nhật Bản, và Hội nghị vừa kết thúc tháng trước tại Durban, Nam Phi, bao nhiêu nước đưa nhau từ miền Đông Bắc đến Cực Nam địa cầu, bàn thảo căng thẳng là thế mà xem ra vẫn khó thuyết phục mấy vị đại (quốc) gia một lẽ giản đơn: hãy đi đến thỏa thuận trước khi quá muộn!

Không gian Thăng Long ta xưa không rộng. Vừa đủ cho cuộc sống của cộng đồng cư dân đông vừa phải, với phương tiện chuyển dịch sang lắm là ngựa xe hay con đò chèo tay hoặc đẩy xuôi chiều gió. Không gian Hà Nội ngày nay khoảng khoát hơn trước nhiều lần, không thế làm sao đủ chỗ cho những con đường sáu, tám rồi mười làn xe, cho những tòa nhà dù chưa thật chọc trời cũng đã cao ngất ngưỡng, nhất là khi chúng tọa lạc ven những con đường hẹp nội thành. Từ một nền kinh tế tự cung tự cấp chúng ta tiệm cận nền kinh tế hàng hóa lớn, tự tin tiến vào hội nhập toàn cầu. Thăng Long hay Hà Nội, thủ đô ngày trước và thủ đô ngày nay luôn là niềm tự hào của cả nước. Như mới hôm qua đây thôi, bởi kỷ niệm còn tươi rói trong ký ức nhiều người, chỉ cần đài phát thanh tung lên làn sóng điện tin chiếc máy bay địch vừa bị bắn hạ trên bầu trời thủ đô, đã đủ tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ đang chịu thiếu vượt khổ trên rừng hay anh cán bộ nằm vùng ngày đêm canh cánh nỗi lo bị đối phương phát hiện. Mỗi thành tựu của Hà Nội ngày nay làm cả nước mừng vui, và dĩ nhiên mỗi hiện tượng phản văn hóa, kém nhân văn, phá hoại môi trường của một số cư dân Hà Nội đều làm áy náy người dân cả nước.

Từ Hà Nội thủ đô anh hùng, chúng ta tới Hà Nội thành phố hòa bình. Con đường phát triển hợp logic và được lòng dân, bởi dân tộc Việt Nam ta từ trong bản chất là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, ngay cả khi đang chiến đấu hy sinh, không một người Việt Nam không ước mơ “muôn thuở thái bình vững chắc” (Bình Ngô đại cáo). Từ Hà Nội ba mươi sáu phố phường, hay nói quá lời, từ “cái làng Hà Nội” chúng ta hướng tới thủ đô văn minh hiện đại với mức sống khá trong môi trường sinh thái cân bằng song song đời sống tinh thần tiên tiến đậm đà bản sắc. Mục tiêu này về lý trí được sự đồng thuận của người dân trong khi tâm thức chúng ta còn chưa theo kịp, cho nên trong cuộc sống hằng ngày thường xuyên xảy ra những hiện tượng không vui. Thời gian gần đây, nhiều người nhấn mạnh văn hóa: văn hóa giao thông, văn hóa trường học, văn hóa bệnh viện, văn hóa bán hàng… Rất trúng. Tuy nhiên nhiều cái mới là ngôn từ thể hiện trăn trở của lãnh đạo, còn cách hành xử của số đông người dân còn thờ ơ tụt lại đằng sau. Nguyên nhân tại đâu?

Trong tuần nghỉ Tết Nguyên đán mỗi năm một dài hơn trước, có phải người dân thủ đô ai cũng cảm thấy thoải mái khi ra đường? Dĩ nhiên tại đường phố vợi hẳn người đi lại, song có phải còn một nguyên nhân khác, quan trọng hơn: ai xuất hành đầu năm cũng quan tâm chuyển dịch sao cho lịch sự, cho hòa nhã mới mọi người dù quen dù lạ trên đường, hết sức tránh nhỡ xảy ra việc gì không vui thì xúi xẻo cả năm cho mình và cho họ? Tâm thức này là yếu tố nòng cốt vững bền văn hóa giao thông.

Trong cuộc sống thường ngày, văn hóa rốt cuộc là cách ứng xử của người với người, với cộng đồng, với môi trường khách quan - với cả cuộc sống tâm linh nữa - dựa trên những quy ước phù hợp luật pháp quốc gia, được cộng đồng chấp nhận. Mỗi ngành chuyên môn có việc của ngành: giao thông lo kết cấu hạ tằng, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch, cảnh sát giám sát người dân đi đúng luật…, còn chủ thể của văn hóa trước hết và cuối cùng vẫn là người dân với lý trí và tâm thức không tụt hậu so với yêu cầu nhịp sống. Hà Nội kế thừa Thăng Long, thủ đô Hà Nội thành phố hòa bình, thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại tuyệt nhiên không chỉ là Thăng Long. Con người không tự đổi mới cho hòa hợp nhịp sống hiện đại, thì mùa Xuân đến hẹn có về vẫn chưa thể trọn vẹn là xuân. Cứ thế này chắc Xuân sẽ già đi, vì làm sao có thể vẫn tươi vẫn trẻ trong khi con người vẫn cũ già vẫn non dại, cuộc sống cộng đồng vẫn nhiều bức xúc do chính con người gây nên?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên