Xuân Mả Phềnh
VOV.VN - Những cung đường mới ở Quảng Ninh được hoàn thành trong năm qua đã "dệt" nên niềm tin và hy vọng cho đồng bào vùng cao, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế giúp người dân có cuộc sống khấm khá hơn. Có đường mới, cầu mới, mùa Xuân này, bà con người Dao ở Mả Phềnh, thôn Đồng Sơn (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) không còn chịu cảnh "cô lập" như hàng chục năm qua.
Trên cây cầu mới khánh thành, từng câu hát Pả Dung giản dị, mộc mạc của đồng bào Dao ở thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên hoà cùng tiếng suối chảy. Lời ca là tâm tư, tình cảm, ước muốn và khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp hơn khi mùa Xuân đang về.
Cây cầu mà ông Lý Xuân Long (67 tuổi, người Dao ở thôn Bình Sơn) nhắc tới trong bài hát có tên Cầu Mả Phềnh. Ông Long cho biết, khu dân cư Mả Phềnh có 17 hộ dân với 80 nhân khẩu, đều là người Dao Thanh Phán. Trước đây, đường đi khó khăn, lối duy nhất vào Mả Phềnh là cây cầu tre bắc ngang sông Mả Phềnh. Đi làm, đi học... mọi người đều phải vượt qua cây cầu tròng trành, đặc biệt nguy hiểm mỗi khi mưa lũ.
"Cứ một con lũ là phải sửa lại một lần, không thì các cháu không đi học được. Từ nay thì vui rồi, hạnh phúc rồi. Tết này, cầu Mả Phềnh là điểm đón Tết mới của người dân", ông Long phấn khởi.
Mùa xuân này, đường vào Mả Phềnh dễ dàng hơn, niềm vui càng nhân đôi khi tuyến đường giao thông nông thôn dài 1,5km nối cầu Mả Phềnh với khu dân cư cũng được đầu tư, mở rộng. Ông Hoàng Dì Phát, người uy tín thôn Mả Phềnh là một trong những người hăng hái nhất khi hiến đất làm đường.
"Phải hiến mặt bằng thì mới làm được cầu đi. Đường vào trong xóm ấy, tôi cũng hiến nhiều ruộng đang cấy. Ngày trước, chưa có cây cầu này, bán con lợn hay vườn keo rất ép giá. Bảo là cái đường đi khó khăn lắm. Ví dụ bán con lợn 50.000 đồng/kg thì họ chỉ trả 45.000 đồng/kg vì qua sông qua suối vất vả quá. Giờ đây không thấy thế nữa rồi", ông Hoàng Dì Phát cho hay.
Không chỉ có cầu, có đường mà các công trình công cộng cũng được chính quyền và người dân quan tâm đầu tư, xây dựng. Ông Hoàng Văn Phin, Bí thư, trưởng thôn Bình Sơn chia sẻ: Nhà Văn hóa thôn vừa hoàn thành ít ngày trước Tết Nguyên đán sẽ là nơi bà con tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hát giao duyên.
"Bà con cũng đóng góp công, hiến đất. Nhà nước và nhân dân chung tay cùng nhau làm. Mới hơn 1 tháng đưa vào sử dụng, chúng tôi đang chuẩn bị trồng 1 tuyến đường hoa để đường đẹp hơn. Bây giờ cũng quán triệt bà con đi đúng trọng tải, để bảo vệ tài sản chung, lâu dài", ông Hoàng Văn Phin cho biết.
Đông Ngũ là xã vùng cao của huyện miền núi Tiên Yên. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và nỗ lực của chính những người dân nơi đây, nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây dựng và phát huy tác dụng. Chục năm trước, xã Đông Ngũ nghèo nhất huyện, trắng đường, trắng trạm nhưng giờ đây 100% đường thôn và đường liên thôn được cứng hóa, kinh tế phát triển với hàng trăm hộ dân có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng keo, trồng quế, chăn nuôi...
"Đối với xã Đông Ngũ, ngoài các công trình trên, trong năm 2023 còn được quan tâm đầu tư 1 Trường Tiểu học chất lượng cao, với tổng mức đầu tư hơn 148 tỷ đồng; đầu tư 2 dự án mương, 1 nhà văn hóa từ nguồn ngân sách và một số công trình nhỏ khác về văn hóa, thủy lợi. Đồng thời, đang triển khai thi công 2 tuyến giao thông trọng điểm với số vốn hàng năm tỷ đồng. Với xã vùng cao đây thực sự là các công trình hết sức ý nghĩa, là động lực để địa phương xây dựng các dự định cho 1 năm mới với nhiều thắng lợi mới”, ông Nguyễn Viết Thụy, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch xã Đông Ngũ phấn khởi nói.
Cầu Mả Phềnh và hơn 10 công trình động lực ở xã Đông Ngũ được xây dựng trong năm 2023 đã tô điểm cho huyện miền núi Tiên Yên thêm những nét hiện đại, năng động. Những cây cầu, những cung đường mới mở kéo dài tới tận thôn, bản đã giúp người dân tiêu thụ hàng hóa tốt hơn. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa - xã hội của người dân cũng từng bước được nâng cao... Và đây cũng là cách để Tiên Yên "viết" nên những Mùa Xuân mới, những cuộc đời mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ vững chắc vùng phên dậu phía Đông Bắc Tổ quốc.