Xuất bản điện tử vẫn trì trệ, chậm trễ sau 7 năm Luật Xuất bản ban hành
VOV.VN - Xuất bản điện tử được triển khai quá trì trệ và chậm trễ trong khi mọi ngành, mọi lĩnh vực đang đẩy nhanh chuyển đổi số.
Phát biểu tại buổi sơ kết 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, Luật Xuất bản có hiệu lực thực thi từ 1/7/2013, trong đó có đầy đủ các chính sách quy định về xuất bản điện tử, tuy nhiên đến nay việc triển khai xuất bản điện tử còn trì trệ và chậm trễ.
“Cơ chế, chính sách pháp luật hầu như đã có hết nhưng chưa thực thi được trong thực tế. Xuất bản điện tử đã đặt ra nhưng rất trì trệ, chậm trễ, nhất là trong điều kiện mọi ngành, mọi lĩnh vực đang đẩy nhanh chuyển đổi số như hiện nay thì buộc phải tìm ra giải pháp cụ thể để triển khai”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT, qua 7 năm thực hiện Luật Xuất bản, các nhà xuất bản đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống, xã hội.
Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quan 6-8%/năm, đưa tỉ lệ xuất bản phẩm bình quân (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 4,6 bản/người năm 2019, tăng 1,35 lần so với năm 2012. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, số lượng đầu sách và bản sách giảm khoảng 10%. Chất lượng xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên, năng lực của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế. Hiệu quả toàn ngành rất thấp, đạt 2.700 tỉ đồng, tính đến hết năm 2019, trong đó chỉ có 20 nhà xuất bản đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm (chiếm 33% tổng số các nhà xuất bản).
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, phạm vi và trình độ ứng dụng công nghệ còn yếu, nhiều hạn chế. Đến hết tháng 10/2020, mới có 9 nhà xuất bản tham gia đăng ký xuất bản điện tử (chiếm 15% tổng số các nhà xuất bản).
Bên cạnh đó, khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần không đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới, phức tạp. Tình trạng buông lỏng quản lý liên kết, để cho các đối tác liên kết thao túng diễn ra ở một số nhà xuất bản.
“Xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, không chú ý đúng mức chất lượng văn hóa của sản phẩm, đến đặc thù của hoạt động xuất bản gia tăng, tạo ra nhiều hệ lụy, trước hết là hiện tượng xuất bản sách sai phạm, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa đọc”, ông Nguyên cho biết thêm./.