Xuất hiện vết nứt núi ở Phước Sơn, Quảng Nam khẩn cấp di dời 18 hộ dân
VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện miền núi thực hiện các biện pháp cảnh báo, ứng phó đối với khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và thực hiện sơ tán dân.
Tại tỉnh Quảng Nam, đến tối 19/9 mưa đã ngớt, tuy nhiên nguy cơ xảy ra sạt lở vẫn rất lớn. Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện miền núi thực hiện các biện pháp cảnh báo, ứng phó đối với khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và thực hiện sơ tán dân.
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, tổng lượng mưa từ 13 giờ ngày 17/9 đến 13 giờ ngày 18/9 phổ biến 75mm đến 130mm, có nơi lượng mưa lên đến 164mm. Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
Tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, các tuyến đường lên vùng cao ách tắc vào đêm 18/9. Đến sáng 19/9 nước đã rút nhưng mưa lớn kéo dài đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nhỏ. Dọc Quốc lộ 14E đoạn qua thôn 5, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, xảy ra vết nứt ở giữa ngọn đồi. Dưới chân đồi có nhiều hộ dân sinh sống. Nguy cơ sạt lở đất tại khu vực này rất cao, đe doạ đến tính mạng và tài sản của người dân. Lực lượng công an cùng chính quyền địa phương đã vận động 18 hộ dân di dời đến nơi an toàn, tổ chức cảnh báo, chốt chặn bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, trong 3 ngày qua, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, có nơi lượng mưa lên đến 140mm. Mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại về nhà ở và gây ách tắc giao thông. Mưa lớn làm hàng chục ngôi nhà ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bị nứt nền, đất đá tràn vào nhà... Huyện này đã sơ tán 164 nhân khẩu ra khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại, sửa chữa lại nhà ở, trường học bị ảnh hưởng do mưa lớn gây ra; Tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục các điểm sạt lở để sớm ổn định việc đi lại của người dân.
“Khi xảy ra sạt lở, tắt đường thì chỉ có lực lượng tại chỗ xử lý. Chúng tôi đã đưa lương thực đến tất cả các xã, mỗi xã từ 5 tấn đến 10 tấn gạo dự trữ, thậm chí chúng tôi đã đưa gạo đến từng thôn nóc xa. Huyện phân công các doanh nghiệp bố trí nhân lực, phương tiện ứng trực ở tất các tuyến giao thông, các điểm nguy cơ sạt sở, nếu xả ra sạt lở thì khi tạnh mưa sẽ triển khai thông tuyến ngay”.
Chủ động ứng phó với mưa lớn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện miền núi tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân chủ động phòng, tránh, giảm thiệt hại.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Phải kiểm tra, rà soát chặt chẽ phương án 4 tại chỗ, kế hoạch phải chi tiết, rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ. Rút kinh nghiệm những nơi nào mà thực hiện không tốt phương châm 4 tại chỗ thì khi xảy ra thiên tai sẽ để lại thiệt hại nặng nề hơn, công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng chậm hơn, gây ra nhiều khó khăn cho người dân vùng thiên tai”.