Xuất khẩu lao động - Không chỉ giải bài toán thất nghiệp?
Lâu nay, việc đào tạo nghề và chọn thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa có sự liên kết chặt chẽ, gây lãng phí nguồn nhân lực.
Xuất khẩu lao động đang được ngành Lao động - Thương binh - Xã hội và chính quyền các địa phương xem như một trong những biện pháp giải quyết bài toán lao động dôi dư ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Qua chiến dịch sơ tán lao động tại Lybia về nước, mới vỡ lẽ ra rằng có đến 90% số lao động Việt Nam sang Lybia để làm công nhân phổ thông trong ngành xây dựng với mức lương không cao. Họ là nông dân, thanh niên nông thôn thiếu việc làm, đặc biệt là thanh niên các huỵên nghèo thuộc Chương trình 30a, trước khi ra nước ngoài được dạy nghề và ngoại ngữ cấp tốc. Số lao động có kỹ thuật được trả lương khoảng 500-600 USD/tháng trở lên rất khiêm tốn.
Nhiều người kể lại: sang bên ấy, ngày ra công trường làm việc, đêm về lán ngủ, các nhu cầu giải trí tối thiểu như truyền hình không phải ai cũng được xem. Nên khi về nước trước thời hạn, họ vẫn là những nông dân tay trắng. Dẫu biết rằng các Tổng công ty như Vinaconex, Cienco 5 hay Tập đoàn Khang Thông, Tập đoàn Hoà Phát muốn nhận lại số lao động này vào làm việc, nhưng cơ bản họ vẫn là những lao động không có tay nghề. Do đó thu nhập sẽ chỉ dừng lại ở mức dành cho lao động phổ thông.
Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tỏ ra khó hiểu tại sao những lao động được đào tạo trong các trường nghề lại không được các doanh nghiệp lớn đưa vào tầm ngắm. Ông Dương Đức Lân cho rằng, cần phải có một mối quan hệ, tức là để tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài người ta cần phải tuyển lao động ở các trường nghề. Thực tế, rất nhiều người được đào tạo ở các trường nghề cũng có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài.
Trong khi hơn 1,5 triệu lao động được đào tạo nghề mỗi năm lại chủ yếu tìm việc làm trong nước, hoặc đi xuất khẩu với số lượng hạn chế thì lao động phổ thông lại được đi xuất khẩu số lượng lớn. Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Tình trạng này diễn ra từ lâu và chủ yếu mới quan tâm đến mục tiêu giải quyết việc làm trước mắt, mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, hiệu quả nguồn lao động. Nếu vậy thì có thể thực hiện ngay ở trong nước, đặc biệt là với lao động ở 62 huyện nghèo. Ông Lợi khẳng định: “Thực tế ở trong nước, ở nhiều địa phương đang rất thiếu lao động. Bây giờ chỉ có tổ chức sinh hoạt cho anh em như thế nào, đảm bảo an ninh trật tự ra sao. Lao động đi sang nước ngoài thường là lao động chưa có tay nghề, sau đó bắt đầu đươc đào tạo trong thời gian ngắn trước khi đi. Đào tạo như vậy cũng chỉ là hoạt động của lao động phổ thông thôi chứ không phải người đã có tay nghề. Trong tổ chức lao động thì dây chuyền sản xuất không cần yêu cầu lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao, chỉ trong từng công đoạn mới yêu cầu kĩ thuật cao.”
Bằng chứng là nhiều công ty đã chủ động tiếp nhận lao động trở về làm việc với mức lương được hứa hẹn không thua kém so với lao động phổ thông ở Libya. Vậy, vì lý do gì mà người lao động và chủ sử dụng trong nước chưa gặp nhau? Phải chăng là các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên thường tìm đến đối tượng là thanh niên nông thôn thiếu việc làm, dễ dàng chấp nhận đi thị trường xa, miễn là thu nhập cao hơn làm nông. Còn doanh nghiệp xuất khẩu thì cũng ít bị ràng buộc hơn. Những người từ Libya về cho biết, họ phải làm một nửa thời gian hợp đồng mới trả hết chi phí đi xuất khẩu. Vì vậy, về nước sớm, với họ, đồng nghĩa với nợ nần.
Năm nay, Việt Nam có kế hoạch đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau sự cố Libya, chỉ tiêu này chắc chắn phải được điều chỉnh. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội quyết tâm tìm thị trường mới, đồng thời tăng cường quan hệ với những thị trường truyền thống. Ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết: Malaysia - thị trường truyền thống của Việt Nam vẫn có nhu cầu nhiều lao động phổ thông. Do đó, lao động từ Libya trở về có thể sang làm tại thị trường này. Tuy lương không bằng ở Libya nhưng tính ổn định cao; Nếu lao động có tay nghề cao thì có thể đưa đi làm việc ở những thị trường khó tính hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chẳng may có sự cố gì, người lao động có thể tìm được một việc làm thích hợp trong nước, đặc biệt là ở các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Vì vậy, nếu chỉ quan tâm đến số lượng mà không chú trọng chất lượng nguồn lao động, chúng ta sẽ mãi mãi là một thị trường lao động giá rẻ. Điều đó hoàn toàn ngược với xu thế hiện nay. Hãy tự nâng mình lên để được quyền lựa chọn việc làm với mức lương xứng đáng thay vì để cho người ta lựa chọn mình với mức lương vừa qua ngưỡng thu nhập thấp.
Điều đó cần sự quyết liệt của ngành Lao động - Thương binh và xã hội, cần những cái bắt tay chặt chẽ giữa chủ sử dụng lao động với các trường nghề, gắn đào tạo nghề với xuất khẩu lao động, đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch việc làm để người lao động được tiếp cận với chủ tuyển dụng.
Tuy nhiên, ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thừa nhận, những đề xuất này vẫn đang ở “thì tương lai”: “Trong những năm gần đây, nói chung, những lao động được đưa đi xuất khẩu chủ yếu là lao động không có nghề hoặc được đào tạo ngắn hạn, làm những nghề đơn giản. Vì vậy, chủ trương của ta giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 là tỷ lệ lao động xuất khẩu có nghề sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn”.
Thật vô lý khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, tỉnh thành nào cũng mở rộng các khu công nghiệp, khu chế xuất; nhưng sau tết, không ít địa phương khổ sở vì thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động phổ thông.
Vì vậy, chủ động nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, tích cực tìm thị trường mới đồng thời phải duy trì các thị trường truyền thống được xem là giải pháp hữu hiệu để hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đạt hiệu quả cao.
Mặt khác, cần khai thông thị trường việc làm để người lao động có thêm cơ hội lựa chọn; giám sát chặt chẽ hơn nữa để xuất khẩu lao động thực sự trở thành lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước chứ không chỉ đơn thuần là giải quyết tình trạng thất nghiệp như hiện nay./.