Xuất khẩu lao động - lẫn lộn "vàng thau"

Giữa hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước và tư nhân được cấp phép XKLĐ, người lao động không biết lựa chọn thế nào cho đúng

Hiện có khoảng 500.000 người Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng ở hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lao động góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo cho người dân, mở lối cho những vùng quê vươn lên khá giả. Nhưng cũng có không ít những gia đình chịu cảnh nợ nần, khốn khó khi gặp phải những chiêu lừa của các công ty xuất khẩu lao động.

Quản lý còn thiếu chặt chẽ

Điều tra của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, có đến 85 - 90% số người lao động cho rằng, xuất khẩu lao động (XKLĐ) là thành công, góp phần cải thiện cuộc sống; nhiều nơi có tới 60 - 70% nhà xây kiên cố, khang trang… từ nguồn thu nhập do đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động tổ chức XKLĐ của nước ta hiện cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Thông tin về những người dân lâm cảnh trắng tay, nợ nần do bị lừa XKLĐ liên tục xuất hiện trên báo chí. Không ít trường hợp, các công ty XKLĐ, “đem con bỏ chợ”, khiến người lao động bơ vơ ở nước ngoài, không việc làm, không người bảo vệ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do chủ quan của người lao động. Nhiều lao động thiếu thông tin, cộng với tâm lý cần việc làm nên dễ bị lừa. Một bộ phận muốn đi nhanh, đi ngang, không muốn đào tạo bài bản nên sẵn sàng mất tiền để được đi. Một nguyên nhân quan trọng khác là việc quản lý những đơn vị, cá nhân tham gia thị trường XKLĐ thiếu chặt chẽ, chưa hoàn thiện, chưa chú trọng thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp đã được cấp phép.

Cần xây dựng các trung tâm đào tạo người XKLĐ tại địa phương

Hiện có quá nhiều doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước và tư nhân được cấp phép XKLĐ (số lượng lên đến hàng trăm đơn vị). Vàng thau lẫn lộn, người lao động không biết lựa chọn thế nào cho đúng. Theo Bộ Công an, khoảng 5 năm qua, đã phát hiện và xử lý hàng trăm vụ lừa đảo XKLĐ, số người bị hại lên đến 6.000 người, với tổng số tiền bị lừa hàng chục tỷ đồng.

Để ngăn chặn tình trạng này, đầu tiên cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những tổ chức có chức năng XKLĐ.Việc cấp phép hoạt động XKLĐ cho các doanh nghiệp cũng cần được xem xét thận trọng. Có thể triển khai mô hình liên kết về XKLĐ giữa doanh nghiệp và địa phương để tuyển lao động. Doanh nghiệp công khai minh bạch với chính quyền địa phương và người lao động về các điều kiện của hợp đồng, đặc biệt là các khoản đóng góp của người lao động, qua đó giúp họ giảm các chi phí không cần thiết, tạo điều kiện cho người lao động vay vốn tại các ngân hàng địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng các trung tâm đào tạo người đi lao động nước ngoài ở các khu vực trên cả nước để nâng cao chất lượng lao động cũng như đảm bảo tính tập trung, chuyên nghiệp. Các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân để họ có sự lựa chọn đúng đắn, trước khi đem số tiền bằng cả cơ nghiệp của mình nộp làm lệ phí để đi XKLĐ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên