Xuất khẩu lao động: Lượng và Chất

Người lao động cần chủ động nâng cao trình độ, để hướng tới thị trường có thu nhập cao hơn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2012, mục tiêu của Việt Nam là đưa 90.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 5.000 so với mục tiêu của năm trước. Để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện đồng bộ ba giải pháp: củng cố các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản...; đẩy mạnh khai thác các thị trường mới và nâng cao chất lượng lao động, nhất là lao động làm việc tại các nước có thu nhập cao.

Đào tạo để nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Một thông tin vui đến với người lao động, đầu tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý và chỉ đạo việc thí điểm đưa lao động quay trở lại Libya sau khi tình hình nước này trở lại ổn định. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng lựa chọn đối tác tin cậy, ký kết hợp đồng lao động chặt chẽ, lường trước các trường hợp có rủi ro. Sau khi thực hiện thí điểm, căn cứ diễn biến thực tế, Thủ tướng sẽ xem xét mở rộng việc đưa lao động trở lại thị trường này.

Đầu năm 2011, khi tình hình chính trị tại Libya bất ổn, hơn 10.000 lao động đã phải về nước trước hạn khiến cả doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động phải chịu thiệt hại nặng nề.

Thông tin này không chỉ mở ra cơ hội cho 10.000 lao động phải trở về nước trước thời hạn năm 2011, mà còn mở ra tín hiệu lạc quan cho thị trường xuất khẩu lao động trong năm nay.

Như vậy, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài lại có thêm cơ hội việc làm và đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra, đã đến lúc chúng ta không chỉ nhìn “lượng”, mà còn cần nhìn nhận về “chất” của công tác xuất khẩu lao động.

Nhiều năm qua, chúng ta mới chỉ nhìn nhận XKLĐ như một biện pháp giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo. Tuy số tiền hằng năm người lao động gửi về nhà theo nhiều hình thức khá đáng kể, làm thay đổi cuộc sống của gia đình người lao động, và qua đó thay đổi bộ mặt đời sống của một số vùng, miền, song nhìn chung, thu nhập của người lao động vẫn là thấp so với mặt bằng XKLĐ ở các nước trong khu vực. Đa số lao động đi những thị trường “dễ tính”, không đòi hỏi cao về kỹ năng nghề và trình độ ngoại ngữ. Và như thế, lương cũng không thể cao, trung bình số tiền do lao động tích luỹ được sau chi phí là 300-600 USD.

Xét về “lượng”, mặc dù đã rất cố gắng, nhưng ngành lao động mỗi năm cũng chỉ đưa được 85.000-90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm một tỷ lệ không lớn trong số 1,6 triệu lao động đến độ tuổi làm việc hằng năm.

Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải đánh giá công tác lao động và việc làm với góc độ hiệu quả kinh tế. Người đi XKLĐ cần đáp ứng được và hướng tới những thị trường “kỹ tính”, với mức thu nhập cao hơn. Như thế, người lao động cũng phải chủ động rèn luyện kỹ năng nghề, nâng cao trình độ ngoại ngữ, để tận dụng cơ hội cho mình. 

Song song với đó, việc đầu tư cho thị trường lao động trong nước cần làm bài bản hơn để giải quyết những vấn đề căn cơ: Vừa giải quyết việc làm cho người lao động không phải “ly hương”, vừa phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên