Xuất khẩu lao động ở Đồng Tháp giúp đào tạo nhân lực chất lượng cao

VOV.VN -Đồng Tháp đang đẩy mạnh xuất khẩu lao động nhằm chuyển dịch từ lao động nông thôn sang lao động công nghiệp có kỹ thuật cao.

>> Xuất khẩu lao động: Đi làm thuê, về làm chủ

>> Phấn đấu xuất khẩu 100.000 lao động trong năm 2015 

Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Kinh tế chủ nhật, sáng 31/5, tại Đồng Tháp, Cơ quan thường trú Đài TNVN khu vực ĐBSCL phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đồng Tháp giải bài toán đưa lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Sau một thời gian chững lại, đến nay, công tác đưa lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở Đồng Tháp đang được các cấp, các ngành trong toàn tỉnh quan tâm đúng mức. Công tác này đã và đang có sự chuyển biến rõ nét do từng gia đình đã nắm bắt được những hiệu quả mang lại.

Riêng từ đầu năm đến nay, thống kê mới nhất của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có hơn 260 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, nhiều nhất là Nhật Bản 139 lao động, Malaysia 56 lao động, Hàn Quốc là 14 lao động ...

Nhiều lao động nộp đơn xin đi lao động ở nước ngoài. (Ảnh: Báo Đồng Tháp)

Ông Bùi Thành Nhơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đang thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó mục tiêu hướng đến là tăng thu nhập cho người dân, chuyển dịch từ lao động nông thôn sang lao động công nghiệp có kỹ thuật cao.

Do vậy, theo ông Nhơn, xuất khẩu lao động cần được xem là giải pháp trọng tâm không chỉ thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn là điều kiện để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công tác kêu gọi đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Ông Nhơn cho biết, các doanh nghiệp ở Đồng Tháp mỗi năm tiếp nhận khoảng 2.000 lao động. Trong khi người trong độ tuổi lao động ở Đồng Tháp là khoảng 30.000. Như vậy, đẩy mạnh đưa người lao động làm việc tại nước ngoài là hợp lý. Đây là cơ hội vì tỉnh có hợp tác với địa phương của Nhật Bản; đồng thời qua đó học hỏi tác phong công nghiệp. Khi lao động về nước có thể phát huy tác phong công nghiệp, và các doanh nghiệp đầu tư ở địa phương sẽ chọn được những tay nghề kỹ thuật cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên