Xúc động đọc thư gửi mẹ từ chiến trường Ngã ba Đồng Lộc
VOV.VN -Bức thư tuy ngắn ngủi nhưng có thể xem là những lời tâm sự đầy thương yêu cuối cùng của người con gái từ chiến trường gửi mẹ.
Cách đây 50 năm, ngày 19/7/1968, giữa những ngày địch đánh phá ác liệt nhất tại Ngã ba Đồng Lộc, thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 viết thư cho mẹ.
Bức thư của chị Võ Thị Tần được trang trọng khắc lên bia đá.
Bức thư tuy ngắn ngủi nhưng có thể xem là những lời tâm sự đầy thương yêu cuối cùng của người con gái từ chiến trường gửi mẹ. Bởi chỉ 5 ngày sau, ngày 24/7/1968 chị cùng 9 đồng đội đã hy sinh anh dũng sau loạt bom khốc liệt.
Ngày nay, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc bức thư được trang trọng khắc lên bia đá và bất kỳ người nào khi đọc đều không khỏi xúc động, khâm phục, tự hào về ý chí chiến đấu, lòng dũng cảm vượt lên hy sinh gian khổ, tinh thần lạc quan cách mạng của chị Võ Thị Tần cũng như của cả một thế hệ thanh niên xung phong trong những năm tháng hào hùng nhưng cũng nhiều mất mát, thương đau đó.
Trong dòng người thành kính về dâng hoa, dâng hương cho 10 chị những ngày tháng 7 này có ông Nguyễn Đông Tùng ở thành phố Vinh, Nghệ An. Dù cả cuộc đời trong quân ngũ, 42 năm gắn bó với biên phòng Hà Tĩnh, thuộc lòng từng câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong Đồng Lộc, nhưng lần nào nhớ về bức thư của chị Võ Thị Tần là lần đó ông Tùng lại không ngăn được niềm xúc động chực trào nơi khóe mắt. Trước hết đó là tình mẫu tử thiêng liêng, một tình cảm rất đời thường của người con nơi chiến trường nhớ về mẹ ở hậu phương quê nhà. Trong thư chị viết:“Mẹ! Mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá! Con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”. Giữa những trận bom khốc liệt, chị vẫn kiên cường, dũng cảm, không lo sợ cho sự sống chết của bản thân mà chỉ lo nghĩ về mẹ, một lòng thương nhớ người mẹ nơi miền quê.
Bức thư của Liệt sỹ TNXP Võ Thị Tần.
Ông Nguyễn Đông Tùng xúc động: “Với bức thư, chị đã tỏ rõ lòng mến yêu mẹ. Bức thư đó cũng truyền tải những ý tưởng của người con gái anh hùng với một người mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là một ý chí lớn, một cảm xúc lớn của người con gái ở chiến trường nhớ về người mẹ thân yêu, là ngọn lửa tiếp sức cho chị có những hành động dũng cảm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong khói lửa bom đạn chống Mỹ cứu nước”.
Qua đôi dòng thăm hỏi ngắn ngủi, chị Võ Thị Tần còn muốn tiếp thêm cho mẹ sức mạnh và sự lạc quan cách mạng, bởi thời điểm này là giai đoạn khốc liệt nhất tại ngã ba Đồng Lộc. Mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải vượt qua ngã ba này, đây được coi như cổ họng, vượt qua được sẽ toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam. Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm quan trọng chiến lược nên kẻ địch tập trung ném bom huỷ diệt nhằm chặn đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, lương thực...của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Trong thư chị viết: “Mẹ ơi! Chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa, con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc Mỹ kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc, với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa”.
Với ông Võ Công Tứ, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích Đồng Lộc thì bức thư còn thể hiện sự hồn nhiên, yêu đời mang khí thế hào hùng của lực lượng thanh niên xung phong hồi đó: “Thời điểm cao trào nhất ngã ba Đồng Lộc có 16 ngàn người tham gia chiến đấu để mạch máu giao thông thông suốt. Bức thư đã thể hiện sự dũng cảm sẵn sàng chiến đấu, lý tưởng cách mạng, không sợ hy sinh gian khổ, khó khăn vất vả, lạc quan giữa chiến trường, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp.”
Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. |
Chính sự dũng cảm, lạc quan, lý tưởng cách mạng cao đẹp đó của các chị đã đảm bảo cho mạch máu giao thông thông suốt. Ở Ngã ba Đồng Lộc, mỗi một chuyến xe qua là một lần các cô gái thanh niên xung phong vui mừng, mỗi chuyến xe không chỉ là vũ khí, quân lương mà còn là tình cảm của hậu phương miền Bắc, góp phần vào chiến thắng của tiền tuyến miền Nam.
Chị Võ Thị Tần viết: “Trời sẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến. Chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sỹ lái xe anh dũng. Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, chắc là mẹ lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”.
Chị Nguyễn Ngọc Lan, nhân viên ở Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, cho biết: mỗi du khách hay bản thân các chị làm việc ở đây hàng ngày đọc lại đều xúc động, khâm phục, tự hào về sự anh dũng của các chị: “Bức thư đó không chỉ là của chị Tần gửi cho mẹ mà còn là đại diện cho tất cả lực lượng thanh niên xung phong ngày xưa đã tham gia kháng chiến tại đây. Tâm trạng trong bức thư cũng là tâm trạng chung của các cô, các anh đã tham gia chiến đấu tại đây. Mười chị đã trở thành biểu tượng cho thế hệ trẻ ngày hôm nay khi nhìn vào tấm gương của các chị và sự hy sinh của các chị. Chúng ta được sống trong hòa bình, cuộc sống no đủ hãy nhớ đến và ghi tạc những anh hùng liệt sỹ đã đổ xương máu để có cuộc sống hôm nay.”
Du khách thành kính dâng hương tại mộ phần 10 cô gái thanh niên xung phong Đồng Lộc. |
Vượt lên ý nghĩa thông thường của một bức thư gửi mẹ, những tâm sự của chị Võ Thị Tần đã nói lên lý tưởng cao đẹp, những cống hiến, hy sinh của cả một thế hệ thanh niên xung phong trong những năm tháng hào hùng nhưng cũng nhiều mất mát, thương đau đó. Những ngày tháng 7 này, đến Đồng Lộc ai ai cũng cảm nhận được một điều giản dị, đó là ở những nơi cuộc chiến càng khốc liệt thì người chiến sỹ càng can đảm, coi nhẹ sự sống của bản thân vì chiến thắng chung của cả dân tộc. Suy nghĩ, việc làm và sự hy sinh của 10 cô gái Đồng Lộc cũng như vậy. Các chị đã làm nên huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc./. Hà Tĩnh chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc