Xuyên đêm, xuyên Tết đảm bảo ATGT, chống ùn tắc và kiên quyết xử lý “ma men”
VOV.VN - Để bảo đảm TTATGT, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội sẽ bố trí lực lượng, phương tiện hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao tại gần 300 vị trí có nguy cơ ùn tắc cao như thế nào? Công tác đấu tranh với các vi phạm về nồng độ cồn dịp này tập trung vào những giải pháp gì?
Hà Nội với dân số hơn 10 triệu người và là Thủ đô của cả nước nên áp lực giao thông, ùn tắc giao thông không chỉ diễn ra trong ngày thường mà trong dịp cao điểm tết Nguyên đán Giáp Thìn lại càng lớn. Để bảo đảm TTATGT, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội sẽ bố trí lực lượng, phương tiện hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao tại gần 300 vị trí có nguy cơ ùn tắc cao như thế nào?
Công tác đấu tranh với các vi phạm về nồng độ cồn dịp này tập trung vào những giải pháp gì để đảm bảo hiệu quả bền vững? PV VOV Giao thông có cuộc đối thoại với Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội xung quanh nội dung này.
PV: Xin đồng chí cho biết kế hoạch của Phòng CSGT – Công an Hà Nội trong việc đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn?
Đại tá Trần Đình Nghĩa: Mỗi dịp tết đến xuân về, Công an TP Hà Nội đều xây dựng và triển khai Kế hoạch cao điểm tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm, đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô, phục vụ nhân dân vui xuân đón tết và lễ hội đầu xuân được an toàn.
Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện kế hoạch số 399 ngày 31/12/2023 của Công an Thành phố với phương châm “Thượng tôn pháp luật”, đảm bảo bình yên cho nhân dân và đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm việc trên địa bàn Thủ đô.
Hiện chúng tôi đang triển khai 2 tổ công tác làm nhiệm vụ 24h/24h trên QL1A, mỗi tổ có 10 đồng chí, trong đó có 6 CSGT, 2 đồng chí công an quận/huyện và 2 cảnh sát cơ động, kiểm soát các phương tiện trên QL1A.
Đồng thời phát hiện ra những người điều khiển phương tiện giam gia giao thông không chấp hành luật lệ ATGT như: Trong cơ thể có sử dụng chất ma túy, chất kích thích và rượu bia; hoặc là chở hàng lậu, hàng cấm, hàng giả hay dừng đỗ đón trả khách sai quy định.
Tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô, chúng tôi đang thành lập các tổ kiểm soát như: QL6, QL2, QL3 đi Thái Nguyên. Mặt khác, trong nội thành, chúng tôi đang thực hiện Phương án số 04 ngày 11/1/2024 của Công an TP, xác định trên toàn địa bàn thành phố có 299 ngã ba, ngã tư, ngã năm thường xuyên có lưu lượng tham gia giao thông đông, chúng tôi bố trí lực lượng của Phòng CSGT, cùng Công an các quận/huyện/thị xã và lực lượng tự quản, lực lượng sinh viên tình nguyện cùng vào cuộc để tổ chức, hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo thông suốt, tránh ùn tắc.
PV: Trong đợt cao điểm này cùng với công tác đảm bảo TTATGT, chống ùn tắc thì việc xử lý các vi phạm về nồng độ cồn sẽ được lực lượng CSGT Hà Nội triển khai thế nào?
Đại tá Trần Đình Nghĩa: Thực hiện Công điện số 05 và Công điện 76 của Bộ trưởng Bộ Công an (ngày 31/8/2023) riêng về kiểm tra xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ, chúng tôi đang triển khai rốt ráo, quyết liệt và không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm xuyên đêm, xuyên tết.
Hiện nay, chúng tôi có 14 tổ công tác 141 và 22 đội công tác thành lập các tổ kiểm tra, cùng với công an các quận/huyện vào cuộc kiểm tra các vi phạm nồng độ cồn.
PV: Thời gian qua, lực lượng CSGT CA Hà Nội đã mạnh tay trong xử lý các vi phạm về nồng độ cồn và đã tạo sự chuyển biến rõ rệt. Thế nhưng, công tác đấu tranh với các hành vi này cũng còn nhiều khó khăn, vẫn còn hiện tượng chống đối người thi hành công vụ. Để công tác đấu tranh với các vi phạm này đạt hiệu quả bền vững cần tập trung vào những giải pháp gì?
Đại tá Trần Đình Nghĩa: Để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không uống rượu bia, theo tôi thứ nhất, các cơ quan thông tấn báo chí cả trung ương và địa phương phải tăng cường thời gian, thời lượng tuyên truyền để nhân dân thay đổi thói quen, nếp nghĩ rồi trở thành văn hóa, đó là khi tham gia giao thông không uống rượu bia.
Thứ hai, đối với các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Thanh tra giao thông và các lực lượng khác phải kiểm tra, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thứ ba là phải làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác định tuyến đường, tuyến phố nơi tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn để bố trí lực lượng cho đúng, cho trúng, tránh lãng phí thời gian mà hiệu quả không cao.
Thứ tư, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an và Công an TP là gửi thông báo của người vi phạm là Đảng viên đến các cơ quan, đơn vị công tác để tăng ý thức chấp hành và tăng sự vào cuộc, chỉ đạo và xử lý kỉ luật đối với đảng viên không chấp hành, không nêu gương…để nhân dân học tập và noi theo.
PV: Xin cảm ơn Đại tá!