Yên Bái chủ động ứng phó với dông lốc, mưa đá
VOV.VN - Ngay sau khi Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai phát đi Công văn về việc ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh thì tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 24/4-3/5, khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan, chiều 24/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 15 yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp tích cực.
Tại huyện vùng cao Trạm Tấu, với đặc thù địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, dân cư sống phân tán theo các khe suối, triền đồi nên việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động phòng tránh mưa lũ được ưu tiên thực hiện. Ông Giàng A Gư, trưởng thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu nói: "Mỗi khi có dự báo mưa lũ, chúng tôi lực lượng thuộc đội phòng chống thiên tai của thôn, bản đi thông báo hoặc tuyên truyền trên loa phóng, loa cầm tay để bà con nhận biết không đi nương rẫy, không ngủ lại ở nương rẫy, hoặc sắp có mưa lớn thì không được đi xa nhà".
Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra 22 đợt thiên tai làm 3 người chết, 1 người mất tích, hư hỏng hơn 600 căn nhà; thiệt hại về nông nghiệp gần 850ha; nhiều công trình, cầu cống bị hư hỏng... Ước tính thiệt hại hơn 160 tỷ đồng.
Trong số khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông trong năm 2023 có 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới được dự báo có ảnh hưởng đến Yên Bái và có khả năng cao xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Để chủ động ứng phó, các địa phương trong tỉnh đã, đang chủ động triển khai các phương án phù hợp.
Bà Nông Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Huyện đã kiện toàn và xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn. Chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn, xây dựng đội xung kích phòng chống thiên tai. Rà soát các điểm xung yếu, nguy cơ sạt lở cao để người dân biết chủ động phòng tránh; vận động người dân di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, có phương án sơ tán để đảm bảo không thiệt hại về người./.