Yên Bái tái diễn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông
VOV.VN - Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông vẫn tái diễn là do một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ hoặc quá nuông chiều để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích...
Mặc dù các nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ đến học sinh, sinh viên, tuy nhiên, thời gian gần đây, tái diễn tình trạng học sinh ở các địa phương của tỉnh Yên Bái vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi đường và cho chính bản thân các em.
Đầu giờ sáng hay mỗi giờ tan học, dọc trên các tuyến đường chính ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái không hiếm thấy tình trạng học sinh đi xe máy, xe đạp điện dàn hàng phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Anh Trần Đức Văn, ở TP. Yên Bái, người thường xuyên tham gia giao thông vào thời điểm học sinh tan học nói: "Tôi thực sự rất lo lắng khi nhiều cháu nhỏ mới cấp 2, cấp 3 thôi đi đường phóng rất nhanh, vượt ẩu. Nhất là buổi sáng sớm hay giờ tan tầm các cháu cứ dàn hàng 3, hàng bốn, thậm chí đi lạng lách đánh võng, rất nguy hiểm với người tham gia giao thông và cũng như chính tính mạng của các cháu".
Chứng kiến tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông diễn ra khá phổ biến, nhiều người dân tỏ ra ngao ngán và đã quay clip đưa lên mạng xã hội.
Mới đây nhất, dư luận một lần nữa bức xúc khi trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ngắn về một nhóm học sinh không đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang không đúng cách, đi xe máy dàn hàng trên đại lộ Nguyễn Thái Học ở thành phố Yên Bái. Được biết, sau khi xác định nhóm học sinh trong đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội là của trường mình, Ban giám hiệu Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái đã triển khai những biện pháp chấn chỉnh.
Thầy Nguyễn Đức Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức cho học sinh ký cam kết về an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng, chống COVID-19 Tuy nhiên, còn một số em chưa thực hiện nghiêm các quy định, chúng tôi đã mời phụ huynh, học sinh lên ký cam kết và đề nghị phụ huynh, cũng như tổ chức, đoàn thể nơi học sinh cư trú phối hợp giáo dục các em".
Nếu các em học sinh ở vùng thấp thường vi phạm các quy định về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm hay vượt đèn đỏ... thì các em học sinh tại các Trường THPT ở vùng cao Yên Bái lại thường vi phạm về sử dụng phương tiện trên 50 phân khối (Cm3) tới trường. Lý do mà các em đưa ra khi vi phạm cũng "muôn hình muôn vẻ".
Em H.T.T.H ở Nà Hẩu - một trong những xã khó khăn nhất của huyện Văn Yên, hiện đang học cấp III tại một trường học trên địa bàn huyện nói: "Chặng đường từ Nà Hẩu về trường em đi mất khoảng 1 tiếng, đường đi phải vượt dốc, vượt đèo và qua suối nữa nên đi xe dưới 50 phân khối rất khó khăn, do đó em phải đi xe trên 50 phân khối của bố mẹ để đi học".
Ngoài những lý do có vẻ "chính đáng" như trên, thì nhiều vi phạm lại xuất phát từ nguyên nhân "muốn thể hiện mình". Em Nguyễn Đức Mạnh, một học sinh cấp III ở tỉnh Yên Bái từng vi phạm luật giao thông cho biết: "Phong cách của giới trẻ bọn em hiện nay mọi người hay thích đi nhanh, không đội mũ bảo hiểm... Về tốc độ thì xe phân khối lớn sẽ đi được khỏe hơn và nhanh hơn, trong trường hợp di chuyển tốc độ thì tất nhiên không tuân thủ được theo quy định về an toàn giao thông".
Để hạn chế tối đa tình trạng học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đã triển khai nhiều biện pháp tích cực.
Điển hình như trường THPT Nguyễn Lương Bằng tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên - ngôi trường hội tụ nhiều con em là đồng bào dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng... chuẩn bị bước vào năm học mới năm nay, nhà trường đã rà soát lại toàn bộ điều kiện, phương tiện của các em học sinh khi đến trường. Qua đó, phát hiện có trên 100 em học sinh sử dụng xe trên 50 phân khối đến lớp, vì vậy đã khẩn trương tìm giải pháp khắc phục.
Thầy Hoàng Văn Chinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên cho biết: "Nhà trường đã cử giáo viên đi đến từng xã phối hợp với chính quyền địa phương gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền trực tiếp với cha mẹ học sinh để các bậc phụ huynh nắm được quy định của pháp luật, của trường, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho các con có được phương tiện đến trường đảm bảo đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông. Sau đợt tuyên truyền trực tiếp như thế, tôi tin là biện pháp này sẽ tác động nhanh và bền vững".
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông vẫn tái diễn là do một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm giáo dục con đúng mức, hoặc quá nuông chiều để con em mình tự do sử dụng phương tiện theo ý thích; một số học sinh thì ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Thêm nữa, do mới vào đầu năm học, một số trường học chưa quản lý chặt chẽ nền nếp của học sinh…
Do đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh khi tham gia giao thông. Cùng với đó, cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những học sinh ý thức kém, cố tình vi phạm các quy định của luật./.