Truy xuất nguồn gốc rau, củ quả trên thị trường Đà Nẵng
VOV.VN - Nhu cầu tiêu thụ rau, củ quả ở Đà Nẵng rất lớn, trong khi đó TP chỉ sản xuất được khoảng 10%, còn lại phải nhập từ các nơi khác, khó kiểm soát.
Để đảm bảo cung cấp nguồn rau sạch cho người dân, cùng với hình thành qui hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng tăng cường giải pháp kiểm soát nguồn gốc rau, củ quả nhập về thành phố.
Kiểm soát nguồn gốc rau, củ, quả bán tại các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng |
Công ty TNHH một thành viên Khoa Hưng Thịnh là doanh nghiệp đầu tiên ở thành phố Đà Nẵng cung ứng rau sạch theo chuỗi khép kín được cơ quan chức năng thành phố xác nhận. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty cho biết, mỗi ngày Công ty cung cấp cho thị trường thành phố khoảng 1 tấn rau củ quả các loại. Sản phẩm của công ty chủ yếu cung ứng cho một số trường mầm non bán trú trên địa bàn theo hợp đồng và bán tại cửa hàng.
Để đảm bảo an toàn, Công ty xây dựng một trang trại sản xuất hơn 3 héc ta tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang với 30 loại rau củ quả các loại. Quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp, được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm soát, chứng nhận; cấp giấy chứng nhận kinh doanh rau, củ, quả có nguồn gốc sản xuất rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khoa Hưng Thịnh cho biết: “Phải ghi tất cả các thông tin cho người tiêu dùng biết là rau lấy ở đâu, nguồn gốc như thế nào. Phải khép kín giữa đầu vào bao nhiêu, đầu ra số lượng ra sao. Chi cục kiểm tra rất bất thường, nếu kiểm tra đầu vào đầu ra không khớp là không phải rau của nguồn đó. Công ty cam kết bảo đảm an toàn với Chi cục”.
Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất rau, củ, quả theo qui trình sản xuất an toàn tại huyện Hòa Vang với tổng diện tích hơn 87 héc ta. Tuy nhiên, vùng sản xuất rau vẫn còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông dân bị động trong tiêu thụ nông sản. Thời tiết không thuận lợi, mùa khô thiếu nước tưới, mùa mưa ngập úng, hư hại, ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng rau. Vì vậy, người nông dân thiếu mặn mà với nghề trồng rau.
Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, cần có sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là khâu bao tiêu sản phẩm: “Chủ trương lớn của huyện năm 2017 là xin thành phố về chủ trương quy hoạch 250 héc ta trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Huyện có một cơ chế kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư và đào tạo, tập huấn cho nông dân sản xuất tại khu vực này thật chuyên nghiệp. Nếu không tiến lên sản xuất lớn sẽ không bao giờ kiểm soát được”.
Rau, củ,quả buôn bán tại vỉa hè, chợ cóc rất khó kiểm soát. |
Mỗi năm, thành phố Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140.000 tấn nông sản rau, củ, quả các loại. Tuy nhiên, số rau củ quả được sản xuất tại địa phương chỉ cung ứng được từ 5% đến 10% nhu cầu tiêu thụ, còn lại phải nhập từ các nơi khác, khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương quy hoạch vùng chuyên canh rau qui mô 330 héc ta tại 5 xã của huyện Hòa Vang và một số vùng ven đô thành phố. Để kiểm soát rau củ quả nhập về, thành phố triển khai cấp giấy chứng nhận cung ứng sản phẩm theo chuỗi an toàn. Theo đó, yêu cầu bắt buộc rau, củ, quả được bày bán tại các siêu thị, chợ phải có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, được chính quyền và cơ quan chức năng sở tại kiểm soát chứng nhận.
Trước mắt thành phố thực hiện thí điểm chợ đầu mối Hòa Cường làm nơi tập kết sản phẩm rau củ quả nhập nơi khác về, sau đó phân phối lại cho các nơi khác tiêu thụ, ông Nguyễn Phú Ban cho biết: “Nơi đây có một kho để lưu trữ. Sản phẩm tất cả các tỉnh đưa vào đó được kiểm soát chặt chẽ. Đưa sản phẩm vô Đà Nẵng phải được đăng ký, kết nối với một số doanh nghiệp cung ứng và tìm truy xuất nguồn gốc”.
Dân đô thị đầu tư gần chục triệu để trồng rau sạch từ xơ dừa
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc rau củ quả trên thị trường thành phố Đà Nẵng cũng chỉ giải quyết phần ngọn. Vì vậy, muốn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải lấy mẫu kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và có biện pháp xử lý kịp thời./.