Sau 1.000 năm là 100 năm

Sau 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là chẵn 100 năm chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành từ bến nhà rồng xuất dương tìm đường cứu nước…

Nếu năm 2010 đã đến với dân tộc chúng ta trong hào hứng dồn tụ và tuôn trào về một điểm tựa vững chãi của 1.000 năm lịch sử thì năm 2011 này lại gợi nhớ thời điểm xuất hành cho một hành trình cứu nước của người thanh niên xứ Nghệ, đúng vào tuổi 21 của đời mình. Một cuộc hành trình sang phương Tây, chứ không phải sang phương Đông như bậc tiền bối Phan Bội Châu. Phải cần đến 30 năm, Người mới có thể trở về Tổ Quốc, ở địa đầu Pắc Bó, để từ địa chỉ này mà tổ chức một cuộc tổng khởi nghĩa vĩ đại nhất trong lịch sử, làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc ra khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân sau 80 năm.

Người có sứ mệnh giải phóng dân tộc sau 80 năm mất nước đã chọn Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng và tạo nên một thời đại mang tên Hồ Chí Minh. Nếu tính từ khởi động quyết định đầu tiên hoặc đốm lửa đầu tiên cho sự kiện vĩ đại nhất ấy của lịch sử dân tộc thì phải tính từ năm 1911, cách đây chẵn 100 năm.

Vậy là phải trừ đi 80 năm - thuộc Pháp (để có con số tròn) trong 1.000 năm - kể từ ngày Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô. Và nếu ngược thời gian thì còn phải trừ đi 20 năm Minh thuộc (tính từ năm 1407 đến 1427). Vậy là trong 1.000 năm lịch sử Đại Việt có lịch sử 100 năm nước mất; 100 năm dân tộc phải đồng tâm nhất trí, không quản hy sinh gian khổ để giành lại chủ quyền - lần thứ nhất là 20 năm dưới ngọn cờ đại nghĩa của Lê Lợi - Nguyễn Trãi và lần thứ hai là 80 năm, để đến với Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh.

Con tàu Latouche-Tréville đưa Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước

Những gặp gỡ giữa 1000 năm và 100 năm là thế!

Trở lại hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, bắt đầu từ năm 1911 cho đến năm 1941 – đó là một hành trình xa nhất (sang phương Tây, ghé qua tất cả các lục địa) và lâu nhất (những 30 năm). Phải xa và lâu như thế, bởi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây nặng nề và kiên cố hơn bất cứ kẻ thù nào đến từ Phương Bắc; cũng bởi Nguyễn Ái Quốc phải vượt qua rất nhiều cửa ải lớn mà các thế hệ tiền bối của mình, lớp này qua lớp khác, kể từ Hoàng Diệu, rồi Phan Đình Phùng, đến Phan Bội Châu đều không vượt được.

Một trí tuệ lớn – đó là yêu cầu đặt ra cho Nguyễn Ái Quốc, cùng với một trái tim lớn – không một thế hệ người Việt Nam yêu nước nào không mang nặng.

Trở về với Pắc Bó, vào đầu năm 1941 cách đây chẵn 70 năm, những vần thơ đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là viết cho đồng bào: Ca dân cày, Ca phụ nữ, Ca công nhân, ca binh lính…, những vần thơ cực kỳ mộc mạc, dễ hiểu để đưa quần chúng vào trường cách mạng. Nhưng “lịch sử nước ta” cũng là đối tượng Nguyễn mong muốn đồng bào ai ai cũng thuộc: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”…

Và áng thơ Lịch sử nước ta (từ năm 2979 trước Công nguyên đến năm 1942), 208 câu đã được Nguyễn Ái Quốc soạn xong vào đầu năm 1942. Một áng thơ lục bát kể hành trình lịch sử, từ “Hồng Bàng là Tổ nước ta”, qua tất cả các triều đại phong kiến, trong đó triều Lý chiếm 10 câu, với mở đầu:

Công Uẩn là kẻ phi thường

Dựng nên nhà Lý cầm quyền nước ta

Mở mang văn hoá nước nhà

Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân.

Tiếp đó là các triều Trần (28 câu), triều Lê (12 câu), Nguyễn Tây Sơn (16 câu), Nguyễn Gia Long (22 câu về tội để nước mất) cùng một lịch sử oanh liệt chống Pháp với các tên tuổi lớn như: Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… qua Phan Đình Phùng, Tán Thuật, Hoàng Hoa Thám… cho đến Bắc Sơn, Đô Lương khởi nghĩa (22 câu). Để cuối cùng là bài học:

Dân ta xin nhớ chữ đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.

Với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, bài học đoàn kết toàn dân luôn luôn là bài học quan trọng nhất, lớn nhất cho mọi sự nghiệp.

Thế kỷ XX đã vận hành theo những mục tiêu mà Hồ Chí Minh đã xác định nhằm phục hưng dân tộc sau 80 năm đô hộ của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Đó là độc lập, tự do, hạnh phúc trên nền tảng dân chủ, cộng hoà. Kết thúc năm 2010 sau 1.000 năm Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô là đến với 100 năm Hồ Chí Minh khởi động một hành trình mới của dân tộc nhằm vượt nốt những cửa ải cuối cùng, để cho con đường Đại Việt mà Lý Công Uẩn tạo dựng hoá thân thành đại lộ Việt Nam - Hồ Chí Minh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên