Tết này, nhà lại vắng anh
Với một đất nước hơn 3.000 km đường bờ biển, hơn 2.000 km đường biên giới trên đất liền cũng đủ để ta hình dung khó khăn, thách thức với người lính biên phòng.
Đồn biên phòng Ngư Thuỷ nằm khuất nẻo giữa những trảng cát trắng đặc trưng của Quảng Bình, trước mặt là con đường đất đỏ, sau lưng là biển với những hàng phi lao vi vu gió.
Đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến vùng đất này. Nhưng chẳng cần phải chờ đến tác động kinh hoàng của bão lũ thì Ngư Thuỷ cũng đã nghèo lắm rồi.
Với 32 km biên giới bờ biển, Đồn quản lý 3 xã Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thuỷ Nam.
Dân nghèo nên phiêu bạt tứ tán khắp nơi, cũng chẳng phức tạp về tình hình an ninh trật tự nên người lính cũng đỡ vất vả nhưng khó khăn quá cũng khiến người chiến sỹ trăn trở cùng chính quyền làm thế nào để dân thoát nghèo.
Ngư Thuỷ nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ với tiểu đội nữ pháo binh đã được phong Anh hùng nhưng cũng nổi tiếng cả tỉnh trong thời đại mới vì sự nghèo.
Những người lính biên phòng ngày đêm tuần tra bảo vệ chủ quyền đất nước |
Ai đó đi ngang qua miền Trung đều thốt lên vì những trảng cát đẹp, đã đi vào thơ ca như những cảnh đẹp của đất nước. Nhưng có sống ở đây mới thấy, đó thực sự là lý do khiến “eo cong thon hình chữ S” nghèo đến vậy.
Cả Ngư Thuỷ bói không ra một khu công nghiệp. Rất khó khăn để phát triển kinh tế xã hội nơi đây. Và chưa nhìn thấy Ngư Thuỷ như một điểm có thể hy vọng, huyện, tỉnh cũng chưa hề đầu tư vào đây để phát triển làng nghề, nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt tôm cá gần bờ.
Nghèo khó vậy nhưng những người lính đứng chân trên mảnh đất này năm nào cũng có những cái Tết tràn dầy tình cảm của đồng đội, nguời thân và nhân dân nơi các anh đóng quân. Và tôi biết, không chỉ ở Ngư Thuỷ mà trên khắp dải đất hình chữ S này nơi nào có các anh, nơi ấy Tết vẫn ấm áp như giữa gia đình.
Những cái Tết ấm lòng
Đại uý Phan Anh Ngọc – Chính trị viên Đồn Biên phòng Ngư Thuỷ, Quảng Bình chia sẻ, đồn anh đa số cán bộ chiến sỹ đều là người địa phương, nên gần như năm nào, đêm Giao thừa, chỉ huy cũng bố trí cho gia đình cán bộ chiến sỹ của đồn vào chung vui, mọi người cùng nhau chúc mừng năm mới, uống với nhau ly rượu xuân, giao lưu văn nghệ rồi mới chia tay để về lo cho đêm Giao thừa tại gia đình.
Miền Trung nơi anh đóng quân, bên này đèo Hải Vân, Tết khi nắng khi mưa, khi lạnh khi nóng, nhưng đêm Giao thừa năm nào cũng tràn tình cảm đồng đội, người thân.
Đón Tết ở đồn xong chả mấy ai được về nhưng người lính biên phòng không thấy buồn. Thiếu tá Đào Văn Hưng, y sĩ của đồn tâm sự: Bộ đội biên phòng chẳng khi nào khổ, chỉ có vợ bộ đội biên phòng mới khổ thôi.
Câu nói đã trở thành cửa miệng của các chị có chồng là lính biên phòng: “Lấy vợ bộ đội nằm không bốn mùa”. Dù nhà rất gần đồn nhưng 5 năm nay, chưa đêm Giao thừa nào anh ở bên gia đình, chỉ có chị và các cháu vào đồn với anh.
Và sự “ngược đường” về đồn đón Tết này còn được bắt gặp tại Tết ở Đồn Biên phòng Lóng Sập, cao nguyên Mộc Châu, Sơn La. Bắt đầu từ mùa xuân năm 2010, Tết ở dây không chỉ có hoa đào, bánh chưng xanh, có kẹo có mứt, mà bên cạnh những chiến sĩ biên phòng còn có cả “hậu phương” cùng chung vui đón Tết.
Đại uý Phan Anh Ngọc đoán tuổi có lẽ cũng đã ngoài 30 nhưng vì đã chọn cho mình màu áo xanh mà tình duyên của anh hơi muộn mằn.
Gia đình anh hơi xa đồn và anh dừng chân ở Ngư Thuỷ tính đến Tết này mới được 4 tháng, nên chưa được đón một năm mới nào ở đây.
Những năm trước, anh đón Tết ở Ròn, một đồn sát bãi biển. Ngoài ấy cuộc sống có vẻ khấm khá hơn ở Ngư Thuỷ nhưng cũng phức tạp hơn nhiều. Năm nào giáp Tết, trộm cắp nhiều, công an, biên phòng cứ gọi là xoay mệt nghỉ.
Với lính biên phòng thì Tết là một khái niệm thiêng liêng nhưng không được xếp vào quãng thời gian nghỉ ngơi. Ấy vậy mà vẫn phải đủ, cũng mổ lợn, rửa lá dong, gói cánh chưng, để trên chiếc bàn sinh hoạt tại hội trường đơn vị cũng chẳng khác chiếc bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình, tạo cho mình một cái Tết đầy đủ phong vị cổ truyền dân tộc.
Đại úy Ngọc nói: “Tết trong đồn có bánh chưng, có ly rượu ấm tình đồng chí và có rất nhiều nỗi nhớ…”.
Hành quân giữa mùa xuân
Ăn Tết trong đơn vị đã trở thành truyền thống của lính biên phòng. Đi dọc miền Trung, đến Đồn Biên phòng 585, Hương Khê, Hà Tĩnh, hỏi chuyện Tết mới hay có đến 80% anh em trong đồn phải ở lại đơn vị trong những ngày Tết.
Trong đi, ăn Tết tại nhà dân để đảm bảo đồng bào vùng biên giới đón Tết mà vẫn an toàn. Ngày cuối năm, anh em đã mổ lợn và chuẩn bị lương thực thực phẩm, thuốc men… đóng gùi để những chiến sĩ phải túc trực ở các địa bàn xa xôi, hẻo lánh mang đi. Miền biên giới heo hút, gió, rét, vắt rừng, nhưng đã khi nào cản được bước chân người chiến sĩ.
Chiều chiều biên giới ngày cuối năm trong cái gió rét lịm ngọt ở miền Bắc, cái nắng hanh hao và cơn gió Lào miền Trung, hay nắng ngập đường miền Nam, chạm tay vào cột mốc thân yêu, chợt thấy Tổ quốc hiện lên thật gần gũi, thiêng liêng đến lạ kỳ. Các anh là thế. Những người lính biên phòng mộc mạc, giản dị, không ngại gian khó.
Chia tay các anh, chúng tôi trở về trên con đường mà các anh vẫn đi. Mưa rừng, gió buốt, người thành phố có lẽ thật khó làm quen và càng không muốn thân với những cung đường như thế. Cuộc đời người phóng viên, chỉ qua lại nơi ấy, nhiều nhất là vài lần nữa, còn các anh có thể 5 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Những điều chúng tôi trải qua đã thấm tháp gì so với công việc của những người lính biên phòng.
Xuân đã về, tràn ngập niềm vui hân hoan của mỗi người dân đất Việt, ngồi quây quần bên nhau hàn huyên câu chuyện, nhấp chén rượu nồng xin mỗi người hãy dành một phút thôi để nhớ về nơi biên cương của Tổ Quốc, nhớ về những người chiến sĩ áo xanh, lại thêm một cái Tết nữa không được bên gia đình, chỉ có họ với nhau./.