Việt Nam tiếp tục là điểm đến tin cậy và hấp dẫn

Nhìn lại chặng đường đã qua, giới phân tích nhận định, Việt Nam đang thành công trên con đường phát triển

Sự chủ động, tích cực của Việt Nam

Đó là nhận xét chung của bạn bè quốc tế khi nhìn lại chặng đường năm 2010 vừa qua.

Theo đánh giá, với cương vị là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước đưa Hiến chương ASEAN đi vào hoạt động, hướng tới hình thành một cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá – xã hội.

Những đóng góp của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tổng thư ký ASEAN nhận định: “Việt Nam có mạng lưới bạn bè và những liên minh ủng hộ trên khắp thế giới. Chắc chắn ASEAN sẽ được lợi từ mạng lưới này của Việt Nam”.

Ông Surin Pitsuwan cũng cho rằng, mỗi khi nhắc tới khu vực Đông Nam Á, các nước đều hướng tập trung chú ý vào Việt Nam. Việt Nam là điển hình của một quốc gia phát triển nhanh và có những chính sách đổi mới hiệu quả. Hiện Việt Nam đang thu hút sự đầu tư rất lớn trên khắp thế giới. Một Chủ tịch năng động như Việt Nam sẽ khiến cả thế giới chú ý tới ASEAN.

Thực tế cho thấy niềm tin của bạn bè quốc tế là có cơ sở, khi năm 2010 đã trôi qua với việc Việt Nam đảm nhiệm thành công các sự kiện chính của ASEAN, trong đó có các hội nghị Bộ trưởng, các hội nghị cấp cao ASEAN trong năm.

Theo đánh giá, đây là cơ sở thuận lợi để Việt Nam mở rộng quan hệ với các đối tác lớn gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, EU…

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Việt Nam, quan hệ ASEAN - thế giới đã tạo được những “điểm nhấn”, tạo được sự liên kết giữa ASEAN và thế giới. Điều này đã được ông Janos Martony- Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Hungari tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan khẳng định, kết quả quan trọng nhất đạt được là sự nhất trí cao trong việc thúc đẩy quan hệ hai bên, làm sâu sắc hơn cũng như đẩy mạnh sự hoà hợp trong mối quan hệ EU – ASEAN trên nhiều lĩnh vực.

Ông Janos Martony nhận xét: “Thực tế, mối quan hệ EU – ASEAN đã hình thành từ rất lâu, mà những năm gần đây ngày càng phát triển. Tại hội nghị, chúng tôi đã bàn về mối quan hệ hai nước, về những ưu tiên hợp tác giữa hai khu vực, về những kế hoạch đầu tư của các thành viên EU với các nước ASEAN”.

Ông Martony nhấn mạnh: “Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn vai trò của nước chủ nhà Việt Nam đã đóng góp vào kết quả quan trọng này. Việt Nam đã rất nỗ lực đóng góp vào quá trình phát triển của ASEAN cũng như quan hệ đối ngoại của ASEAN với các nước trên thế giới”.

Trong các mối quan hệ quốc tế khác, Việt Nam được ví như một mô hình điểm để nhiều quốc gia đang phát triển học tập. Theo Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Cheick Sidi Diarra- Cố vấn Đặc biệt của LHQ về châu Phi, vai trò và những nỗ lực của Việt Nam trên toàn cầu vì sự ổn định, phát triển, hoà bình và thịnh vượng trên thế giới được thể hiện rất rõ.

Ông Cheick Sidi Diarra nói: “Hợp tác Việt Nam – châu Phi không chỉ đem lại lợi ích song phương, mà còn là tấm gương về tình đoàn kết, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước đang phát triển”.

Tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Trong một báo cáo công bố cuối tháng 11 mới đây, mạng tin “Eurasia Review” (EU) nhận định “Kinh tế Việt Nam là hiện tượng thần kỳ ở châu Á”.

Dẫn nguồn từ các nhà nghiên cứu Pháp, bài báo cho biết ngay từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tình trạng nghèo đói ở Việt Nam đã giảm bớt. Số dân sống dưới mức nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 14,5% trong năm 2008. Chỉ trong vòng 15 năm, đã có 25 triệu người dân Việt Nam thoát nghèo.

Đài quốc tế Pháp ngữ dẫn một báo cáo khác (Ngân hàng Phát triển châu Á) cho biết, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân vượt mức 7,1% từ năm 1990 đến năm 2009 trong gần 20 năm qua, Việt Nam nằm trong danh sách các nước châu Á phát triển nhanh nhất. Ngoài ra, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 USD hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có “thu nhập trung bình”, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới.

Còn trong báo cáo về sức cạnh tranh của Việt Nam công bố ngày 30/11, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tiến được một chặng đường dài. Từ một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung khép kín, Việt Nam đã trở thành một bộ phận năng động của nền kinh tế toàn cầu. Quá trình này đem lại những lợi ích to lớn cho đời sống của người dân, mức sống được nâng cao và tỷ lệ đói nghèo giảm đi đáng kể.

Lý giải những bước tiến của Việt Nam, các chuyên gia nhận định Việt Nam đạt được thành công kinh tế như vậy là do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là công cuộc đổi mới năm 1986 của Việt Nam với việc xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam đã xác định động lực phát triển kinh tế trên cơ sở xuất khẩu và nhanh chóng tham gia nền kinh tế quốc tế. Đánh giá về thị trường Việt Nam bên lề khuôn khổ Tuần lễ Pháp tại Việt Nam mới đây, Quốc vụ khanh Pháp ông Pierre Lellouche nhận định: “Chúng tôi rất lạc quan về thị trường Việt Nam. Việt Nam có dân số trẻ, môi trường kinh tế ổn định và một chính sách kinh tế đúng đắn. Đây là những yếu tố thuận lợi đối với các doanh nghiệp Pháp khi đầu tư vào thị trường Việt Nam”.

Việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại cũng đã mở ra những cơ hội mới thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và thế giới trên nhiều lĩnh vực khác. Rõ ràng, những nhận thức trên đây cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với thế giới. Thế nhưng làm thế nào để duy trì được lợi thế này, đòi hỏi Việt Nam phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa. Đó không chỉ là việc tiếp tục thực hiện chủ trương “Việt Nam làm bạn với thế giới”, mà Việt Nam còn cần sự thay đổi về tư duy, sự đổi mới chính sách kinh tế, không chỉ khẳng định vai trò - vị thế quốc tế, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên