Hiểu rõ để khai thác bền vững tài nguyên biển
VOV.VN - Hiểu biết của xã hội về tài nguyên môi trường biển còn hạn chế dẫn tới khai thác, sử dụng chưa phù hợp
Lễ công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Ảnh: chinhphu.vn) |
Để nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của Chiến lược này, phóng viên VOV online trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường).
PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng tài nguyên môi trường biển Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài: Trước hết phải nói rằng hiểu biết của xã hội về tài nguyên môi trường biển còn hạn chế, kể cả về tiềm năng, lợi thế cũng như điều kiện để làm sao phát triển kinh tế biển.
Thứ hai, những tác động bất lợi từ biển kể cả từ góc độ biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải có hiểu biết về tài nguyên môi trường biển kể cả về địa chất, địa hình, khí tượng thủy văn, chất lượng môi trường nước biển, đa dạng sinh học biển và những tiềm năng, vị thế, điều kiện khác của biển, chúng ta phải đầu tư tập trung để làm sao hiểu rõ hơn về biển mới có thể quản lý, khai thác một cách bền vững, bảo vệ môi trường biển.
Thứ ba, vấn đề khai thác sử dụng tài nguyên biển hiện nay chưa bền vững, khai thác quá mức, khai thác chưa đúng trọng tâm trọng điểm, chưa phù hợp với điều kiện của biển.
Thứ tư, môi trường biển hiện nay đang bị suy thoái, ô nhiễm: ô nhiễm từ đất liền, từ hoạt động trên biển và ô nhiễm từ các nguồn quốc tế, xuyên biên giới; các hệ sinh thái biển suy giảm mạnh, đặc biệt hình thái đất ngập nước, rừng ngập mặn ven biển, hình thái san hô, tảo biển, các hệ sinh thái khác rất quan trọng với biển.
Từ những vấn đề trên đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược để khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên từ biển, để thực hiện thành công chủ trương hướng ra biển, phát triển mạnh kinh tế biển để làm giàu từ biển và trở thành quốc gia mạnh về biển của Nghị quyết Hội nghị TW 4 về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030.
PV: Theo ông, Chiến lược biển có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu phát triển kinh tế từ biển và vươn ra biển?
Ngày 6/9/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Ảnh: vinamarine.gov.vn) |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài: Chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra vấn đề chúng ta hướng ra biển để khai thác biển, phát triển kinh tế biển và làm giàu từ biển, trở thành quốc gia mạnh về biển. Điều kiện để chúng ta thực hiện những mục tiêu trên là tài nguyên môi trường biển, vì vậy chúng ta phải có một chiến lược song hành với chiến lược đó để phát triển kinh tế biển bền vững nhìn từ góc độ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Cả hai chiến lược này cùng phối hợp với nhau. Bên cạnh đó, chúng ta cần có định hướng chiến lược bền vững đặc biệt cho giai đoạn 2011-2020 để thực hiện định hướng này trên khu vực biển đảo. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có chiến lược bảo vệ môi trường, để cụ thể hóa nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo đặc thù của biển để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
PV: Trong rất nhiều mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược, theo ông mục tiêu nào là cấp bách nhất trong thời điểm hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài: Thứ nhất, để chúng ta khai thác biển cả tiềm năng, lợi thế và hạn chế được những bất lợi từ biển, đồng thời bảo vệ được môi trường biển, yếu tố tập trung nhất là phải làm sao hiểu rõ hơn về biển. Theo tôi, công tác điều tra cơ bản về địa chất để tìm hiểu địa chất khoáng sản, tiềm năng, đánh giá được tiềm năng, vị thế của biển; nắm được số liệu về khí tượng thủy văn để có được dự báo về thiên tai từ biển (ở Việt Nam, thiên tai xuất phát từ biển là chính) kể cả vấn đề nước biển dâng, từ đó chúng ta mới có chiến lược ứng phó thích hợp và hiệu quả.
PV: Chiến lược biển này sẽ gắn kết, hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam ra sao, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã đặt ra chủ trương phát triển kinh tế biển trong đó đặt ra vấn đề chúng ta sẽ khai thác gì, khai thác như thế nào và giải quyết những hậu quả (từ góc độ môi trường). Để làm điều đó, đầu tiên chúng ta phải điều tra để nắm rõ tình hình tài nguyên biển và có được cách điều chỉnh về phương pháp, cách thức, vị trí khai thác tài nguyên để đảm bảo bền vững; Có cách tiếp cận để hạn chế tác động đến môi trường, đặc biệt là các hệ sinh thái biển từ hoạt động kinh tế biển.
PV: Xin cảm ơn ông!./.