Trung Quốc phải bỏ yêu sách đường lưỡi bò, chọn đường thương lượng hoà bình

(VOV) - Biển Đông nổi sóng hay yên bình phụ thuộc vào thiện chí và trách nhiệm chính trị của các bên liên quan.

>> Bài 1: “Đường lưỡi bò”-một yêu sách mập mờ
>> Bài 2: 
Yêu sách dựa trên lịch sử hay theo kiểu tự hành xử?
>> Bài 3: Quốc tế chưa bao giờ công nhận “đường lưỡi bò”
>> Bài 4: “Đường lưỡi bò” vận dụng sai luật quốc tế



Nghe bài: Thương lượng hòa bình là con đường duy nhất

Các tranh chấp trên Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước có liên quan mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác, đến hoà bình, ổn định và sự hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.

Việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông là một yêu cầu khách quan, tất yếu, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông cũng như các quốc gia khác.

Rõ ràng, thương lượng hoà bình là con đường duy nhất để giải quyết các tranh chấp hiện nay. Đây cũng là nội dung của bài cuối trong loạt bài này.

Mọi giải pháp cho vấn đề Biển Đông đều được các nước trên thế giới quan tâm. Việc các cường quốc tự vạch vùng ảnh hưởng bất lợi cho các nước láng giềng nhỏ hơn sẽ thúc đẩy xu hướng tìm kiếm sự cân bằng cần thiết vì lợi ích của các nước nhỏ này.

Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hoà cho biết, những căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các nước khác cho thấy, Mỹ cần phải gia tăng sự hiện diện trong khu vực này.

Ông John McCain:

Ông John McCain nói: “Thời gian gần đây, căng thẳng đã tăng lên trong khu vực. Những căng thẳng đó cần phải được loại bỏ và đàm phán chính là câu trả lời cho vấn đề này. Trung Quốc cần ngồi vào bàn đàm phán với các nước có tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông để đi đến một Hiệp định chia sẽ những nguồn tài nguyên lớn đó và như thế sẽ giúp giảm căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi hiện có các đồng minh mạnh trong khu vực, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Hiện Mỹ có căn cứ quân sự tại Australia. Tôi mong muốn được chứng kiến những hợp tác quân sự theo kiểu đó với các nước khác trong khu vực châu Á, có thể là giữa Mỹ và Việt Nam.”

Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không dựa vào nước này để chống lại hoặc làm đối trọng với nước kia. Việt Nam quan tâm và sẵn sàng tham gia vào mọi cố gắng song phương và đa phương nhằm duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các bên liên quan.

Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam năm 2011 đã nêu rõ: “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai Nước; xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai Nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Ngày 7/9 vừa qua, tại Vladivostok, Liên bang Nga, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào.

Về vấn đề trên biển, hai bên cho rằng cần kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước. 

Tại cuộc gặp ở Vladivostok, Liên bang Nga, Lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung được các thế hệ lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước dày công vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước và cả hai bên đều phải có trách nhiệm kế thừa, giữ gìn và phát huy.

Sau đó, ngày 20/9, trong chuyến tham dự Hội chợ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Trung Quốc và Hội nghị thượng đỉnh đầu tư, thương mại ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình nhằm trao đổi những phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới. Hai bên nhất trí cho rằng, cần kiên trì giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông, giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hòa bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 

Trước đó, tháng 12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, đã nêu rõ chủ trương giải quyết tranh chấp trên Biển Đông của Việt Nam: “Phải nghiêm túc thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mà Việt Nam và Trung Quốc vừa ký kết. Cụ thể là, chúng ta yêu cầu các bên không có những hành động làm phức tạp thêm, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực này. Các tranh chấp phải giải quyết bằng đàm phán hoà bình, không dùng vũ lực và phải cùng đàm phán với tất cả các bên liên quan. Đây là mong muốn và là lợi ích của tất cả các nước, các bên liên quan, không chỉ của Việt Nam.”

Vừa qua, tại Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com đã tổ chức Hội thảo mang tên “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế”. Tại cuộc hội thảo này, ông Thịnh Hồng, Viện trưởng Viện Kinh tế Thiên Tắc, Trung Quốc cho rằng, nhân dân các nước ven bờ Biển Đông, trong đó có cả người Trung Quốc, đều có vùng biển 200 hải lý rộng rãi, có đủ không gian để phát triển nghề cá, khai thác tài nguyên biển nếu thực hiện đúng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển: “Khi hoạch định biên giới biển, Trung Quốc cần phải làm theo tinh thần Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, chứ không thể nói là căn cứ theo cái gọi là nhân tố lịch sử. Theo tôi, căn cứ vào Luật Biển mà làm thì nhân dân các nước ven bờ Nam Hải, nhân dân Trung Quốc đều có vùng biển 200 hải lý rộng rãi, có đủ không gian để phát triển nghề cá, khai thác tài nguyên đáy biển.”

Còn theo ông Trương Thử Quang, Giáo sư Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, “nội hàm của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là phân định, bố cục lại vùng biển, để mỗi quốc gia ven biển đều có thể có 200 hải lý, thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển, để toàn nhân loại đều hướng tới con đường cùng nhau giàu có. Đó cần là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước chung quanh giải quyết tranh chấp Nam Hải. Nước ta là quốc gia đã ký Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 thì chúng ta cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần Công ước, tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình.”

Rõ ràng, giải quyết hoà bình những tranh chấp trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa trong Biển Đông bằng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, phù hợp với lợi ích của hoà bình, ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Đó là con đường đúng đắn nhất.

Vậy giải pháp nào có thể giải quyết cơ bản các tranh chấp này?

Trước hết, các bên phải thống nhất được cách giải thích và vận dụng các tiêu chuẩn để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển ở xung quanh Biển Đông như việc xác định hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa, ven bờ các hải đảo xa bờ, hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo, thống nhất các tiêu chuẩn để tính hiệu lực của các đảo trong việc hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa.

Thống nhất được phạm vi biển, thềm lục địa chồng lấn được hình thành từ các yêu sách của các quốc gia ven biển theo đúng các tiêu chuẩn trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Thống nhất các tiêu chuẩn xác định phạm vi biển và thềm lục địa của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, với tư cách là những quần đảo xa bờ, không phải là quốc gia quần đảo vì các đảo ở đây có diện tích rất nhỏ, không thích hợp với đời sống con người, không có đời sống kinh tế riêng.

Thống nhất nguyên tắc pháp lý và thực tiễn quốc tế áp dụng cho việc xác định quyền thụ đắc lãnh thổ quốc gia đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo này.

Nếu yêu sách nào đã đưa ra không phù hợp với những tiêu chuẩn đã được thống nhất thì phải bị coi là vô giá trị. Quốc gia nào đã đưa ra yêu sách đó phải từ bỏ nó với một tình thần thật sự cầu thị, tôn trọng luật pháp và thực tiễn quốc tế, vì lợi ích, hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và quốc tế.

Trong thực tiễn quốc tế, có không ít những tấm gương về trách nhiệm và tinh thần cầu thị của một số quốc gia khi tham gia đàm phán xác định ranh giới biển. Đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một vị dụ điển hình.

Theo đó, Việt Nam đã đồng ý với Trung Quốc đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ bằng con đường thoả thuận thông qua thương lượng hữu nghị, trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, có tính đến các hoàn cảnh hữu quan trong vịnh, nhằm đi đến một giải pháp công bằng mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Kết quả là ngày 25/12/2000 tại Bắc Kinh, hai nước đã chính thức ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, kết thúc một quá trình đàm phán dài 27 năm.

Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc ngày 25/12/2000 đã nhấn mạnh: Việc hai nước ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” và “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa Cộng hoà XHCN Việt Nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”, “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ Cộng hoà XHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa” có ý nghĩa lịch sử sâu rộng, sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa trong thế kỷ XXI. Có thể nói rằng, cùng với việc đã và đang giải quyết các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng có liên quan, việc ký kết Hiệp định này là bước tiến mới trong việc xây dựng môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào việc củng cố hoà bình, ổn định ở khu vực và thế giới.

Vì một Biển Đông hoà bình và phát triển, các bên liên quan trong Biển Đông cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua để trước hết từ bỏ yêu sách đơn phương về biên giới biển với “đường đứt khúc 9 đoạn”. Trên cơ sở đó, cùng nhau tìm được một mẫu số chung, làm cơ sở pháp lý cho mọi diễn đàn giải quyết các tranh chấp có thể có trong thời gian tới.

Thực hiện được những nội dung này là điều không dễ dàng, thiết nghĩ cần có biện pháp và lộ trình một cách thiết thực.

Ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam:

Theo ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, phương châm có thể áp dụng trong bối cảnh hiện nay là: “Dễ giải quyết trước, khó giải quyết sau”: “Trong thời gian mà đi tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông thì phải duy trì được hòa bình và ổn định. Chúng tôi cho rằng, biện pháp cần thực hiện là những cam kết trong DOC, không làm phức tạp tình hình. Chúng ta sẽ nghiêm túc thực hiện và vận động các nước nghiêm chỉnh thực hiện cam kết này. Tranh chấp lãnh thổ là vấn đề phức tạp, đòi hỏi thời gian dài, chúng ta sẽ giải quyết từng bước, từ đơn giản đến phức tạp.”

Biển Đông nổi sóng hay yên bình đang là một vấn đề được tất cả các quốc gia trong khu vực và thế giới quan tâm. Nó phụ thuộc vào thiện chí và trách nhiệm chính trị của các bên liên quan, kể cả ở trong khu vực và ngoài khu vực./.

Trần Công Trục - Lê Phúc - Minh Hiển - Lê Bình - Thu Lan
Ông John McCain
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Biển Đông: Đường lưỡi bò - một yêu sách mập mờ
Biển Đông: Đường lưỡi bò - một yêu sách mập mờ

VOV.VN-Việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông là một yêu cầu khách quan, tất yếu, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung.

Biển Đông: Đường lưỡi bò - một yêu sách mập mờ

Biển Đông: Đường lưỡi bò - một yêu sách mập mờ

VOV.VN-Việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông là một yêu cầu khách quan, tất yếu, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung.

Chủ quyền  Hoàng Sa và Trường Sa  nhìn từ công pháp quốc tế
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế

VOV.VN - Việc xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế là một yêu cầu cần thiết

Chủ quyền  Hoàng Sa và Trường Sa  nhìn từ công pháp quốc tế

Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa nhìn từ công pháp quốc tế

VOV.VN - Việc xác định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế là một yêu cầu cần thiết

Quốc tế chưa bao giờ công nhận “đường lưỡi bò”
Quốc tế chưa bao giờ công nhận “đường lưỡi bò”

(VOV)_ Các quốc gia chỉ có thể phản đối một khi quốc gia kia nêu yêu sách chính thức và rõ ràng.

Quốc tế chưa bao giờ công nhận “đường lưỡi bò”

Quốc tế chưa bao giờ công nhận “đường lưỡi bò”

(VOV)_ Các quốc gia chỉ có thể phản đối một khi quốc gia kia nêu yêu sách chính thức và rõ ràng.

“Đường lưỡi bò”  vận dụng sai luật quốc tế
“Đường lưỡi bò” vận dụng sai luật quốc tế

(VOV) - Rất nhiều ý kiến khẳng định “đường lưỡi bò” không phù hợp với phương thức xác định và thể hiện theo quy định của quốc tế.

“Đường lưỡi bò”  vận dụng sai luật quốc tế

“Đường lưỡi bò” vận dụng sai luật quốc tế

(VOV) - Rất nhiều ý kiến khẳng định “đường lưỡi bò” không phù hợp với phương thức xác định và thể hiện theo quy định của quốc tế.