Anh hùng chuyên nghiệp !

(VOV) -Càng dịp Tết, tệ xả rác ra nơi công cộng càng tăng

Sáng 23 cận Tết Quý Tỵ, có một đoàn thanh niên đi men hồ Thiền Quang vác theo 2 tấm pa nô. Trong đoàn có một vị mũ cao áo dài, vẻ tượng trưng cho ông Táo. Nhóm thanh niên này thu gom rác và trút vào thùng rác công cộng.

Ngắm kỹ 2 tấm pa nô thì thấy trang trí sặc sỡ, nổi bật với khẩu hiệu lớn “Bỏ rác vào thùng- anh hùng đất Việt”. Một định nghĩa mới giật mình!. Những người quăng rác bừa bãi chỉ là những kẻ hèn nhát. (Nhưng e rằng số lượng những kẻ hèn nhát hơi bị đông!).

Phóng sinh hay hành quyết ?
Sáng 23 âm lịch, các báo điện tử nhất loạt kêu ca là ngày Tết ông Công ông Táo, Hà Nội tràn ngập rác. Khắp nơi người ta nô nức phóng sinh. Những tay bán chim lồng cá chậu tha hồ kiếm lời. Người ta cúng kiếng xong thì thả cá khắp ao ngòi cống rãnh, hồ và cả sông nữa.

Cùng ngày, một nhóm thanh niên khác xuất hiện bên hồ Thành Công, cũng có một vị Táo Quân đạp xe mang theo hai khẩu hiệu hai bên. Một bên là: “Ông Táo ghét túi nilon", bên kia là "Thả cá, đừng thả nilon!". Không phải tự nhiên mà ông Táo lại đem theo khẩu hiệu như thế.

Đường đi của phóng sinh cũng không đơn giản. Ngoài việc mở lồng, tháo cũi, xé nilon cho cá nhẹ nhàng trườn xuống nước thì có những mô hình khác thực sự là phóng, phóng thật lực!.

Rất nhiều công dân Thủ đô đứng trên cầu Chương Dương, Long Biên và những cây cầu khác, xé bọc nilon ra cho cá rơi tự do và bay như chim. Với độ cao hai chục thước thì cá sẽ xé gió lao đi như màn trình diễn nhảy dù trên không. Tất nhiên là không có dù nên cá sẽ tiếp nước như một cái tát nảy lửa. Màn phóng sinh này thực chất là một màn hành quyết. Sau đó thì bọc nilon cũng được quăng ngay xuống “dòng sông lơ đãng”.

Thậm chí có một số người không cần mở bọc nilon mà liệng cả gói buộc kín miệng xuống sông. Đàn cá con trong đó sẽ bị cầm tù trong đó cho đến lúc đói mà chết. Như vậy chính là hành quyết  chứ phóng sinh gì ?

Một việc nữa cũng đông người làm, là mang bàn thờ cũ thả xuống sông “cho mát mẻ”. Nói dại, nếu chẳng may có ai đang đứng trên xà lan tình cờ chui qua cầu lúc đó thì khó lòng mà bảo toàn tính mạng.

Mình đã hỏi nhiều người am hiểu phong tục xem cái lệ quăng bàn thờ này có từ bao giờ thì các câu trả lời đều là: Ngày xưa ông bà ta dùng bàn thờ hết đời nọ sang đời kia không phải thay. Nay do các thầy phong thủy hướng dẫn để gia đình phát lộc thì mỗi năm phải thay bàn thờ một lần, nên các tổ hợp đồ mộc, bát hương thờ bán chạy lắm.

“Không đối đất”
Nhớ thời những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, báo chí có những nội dung phê phán lối sống người Thủ đô trên nhà cao tầng là hay ném rác và đổ nước xuống đường. Bây giờ, nhiều người thủ đô vẫn giữ được nét “văn hóa không đối đất” đó.

Vào nhà mình phải đi qua một đường độc đạo của hai khu tập thể. Đó là phía sau nhà 4 tầng của khu bên cạnh, phía ngoài có cái biển hoành tráng: "Khu dân cư văn hóa". Vì là phía sau nên người ta hay vứt rác và đồ vật sang, bất chấp đó là nơi đi lại của xóm bạn. Ai quen đi đường này phải đội mũ bảo hiểm cho chắc.

Cách đây 2 tháng, bác trưởng xóm nhà mình đang đi dạo thì "choang...", một viên gạch lát hoa cỡ 30x30 cm rơi ngay trước mặt, tan từng mảnh. Nếu nó rơi trúng đầu ông già bát tuần này thì đã có một tang lễ rồi.

Họp khu vực thì trưởng xóm bên cũng hứa sẽ chấn chỉnh nhưng cũng chỉ giảm được đôi chút. Vỏ chuối, túi rác thức ăn vẫn luôn bay xuống xóm bên cạnh.

Mình cũng đã lĩnh một phần của chậu nước vặt lông gà hay vịt gì đó vào đầu. May là nước đã nguội rồi, chỉ còn âm ấm. Nhưng mùi thì phát ọe. Truy lùng không được vì họ đã giấu kỹ tang chứng.  Các tầng nhà, ai cũng ngơ ngáo bảo không phải tôi đâu nhé. Tẽn tò chưa?

Bây giờ các bậc cha mẹ dạy con cũng phải dạy các kỹ năng đi đứng, nép vào đến đâu thì các vật thể kia sẽ khó rơi vào đầu, không “phát huy được hiệu quả” sát thương!.

Ra đường thì thấy nhiều quan chức, trí thức cũng rất ưa chuộng môn “không đối đất” này. Nhiều vị sẵn sàng hạ kính ô tô xịn ném rác ra đường. Có người được nhắc thì bối rối nhận lỗi. Cũng có người chỉ cười cười như với ý rằng: Đường nhà mày à mà mày giữ? Đây là ở ta chứ Tây đâu mà ý kiến? Rách việc!.

May mà số lượng “anh hùng” còn tăng, dù chậm
Có vài người theo ông người Nhật tên là Ninomiya ngày nào cũng đi nhặt rác quanh hồ Gươm suốt hơn 1 năm qua. Ông Ninomiya thừa hiểu rằng chỉ một mình ông ấy đơn thương độc mã chẳng giảm được bao nhiêu rác. Nhưng ông Ninomiya muốn đánh thức ý thức công cộng cho người Việt Nam. Điều đó là đáng giá. Như vậy đã phát hiện ra ông Ninomiya chính là anh hùng đất Việt. Số lượng anh hùng này đang tăng lên rất chậm, nhưng mà đang lên chứ không đứng im.

Những người hèn nhát thì đông, một phần trong họ cũng hơi hơi anh hùng dần, nhất là có một mẫu anh hùng làm trước. Làm một mình, họ sợ mang tiếng “dở hơi”!.

Số hèn nhác khác thì cười vào mũi những tay nhặt rác. Với họ việc ném rác ra đường, xả rác xuống bàn ăn (bên ngoài sọt rác) là bình thường. “Việc thu gom rác do cơ quan môi trường đô thị lo, sao phải xoắn?”. Chuyên nghiệp hóa. Người xả rác chuyên nghiệp xả rác; người gom rác chuyên gom rác (họ được hưởng lương để làm việc đó. Lương đó do thuế của người xả rác đóng góp). Thế mới là môi trường chuyên nghiệp (!). Về mặt làm việc theo nhóm thì nó cũng không chồng chéo. Lợi ích nhóm tách bạch !

Tương tự như vậy là anh đái bậy. Cứ chỗ nào có biển cấm đái là người ta đái. Bất kể là gốc cây, cột điện hay con đường gốm sứ rực rỡ đáng tự hào. Sau đó công nhân môi trường lại đi xịt nước. Có cột điện trơ cốt thép, gỉ ra đến gần đổ vì hứng nước đái.

Ven hồ Thiền Quang có một cái WC công cộng nhưng không hiểu sao nhiều đấng nam nhi lại ra đứng hồ, quay lưng ra đường mà chẳng thèm lưu ý phía trước là một nhà hàng (tọa lạc ở bán đảo  trên hồ). Chỉ khổ cho thực khách nhà hàng, vừa ăn uống vừa ngắm hồ vừa phải chứng kiến cảnh tượng đáng xấu hổ ấy.

Ở nơi khác, có bức tường, người dân viết mỉa mai to tướng: “Chỗ dành cho chó đái”, thì có kẻ vẫn đứng đái vô tư như thiên chức của mình.

Đến Đà Nẵng hay Hội An, đường phố rất sạch. Hỏi ra biết chính quyền nghiêm khắc. Hay khu ăn vỉa hè ở Phú Quốc cũng không một cọng rác. Vài thứ bẩn du khách xả ra liền được cô chủ quán "sâm bổ lượng" ra nhặt bỏ vào thùng của mình. Hỏi thì cô chủ quán bảo "không sạch sẽ thì mấy ổng bên Môi trường la dữ lắm".

Ở các nước phát triển, người ta tôn trọng các quy định công cộng nên có phần... tẻ nhạt!. Khi sang Hà Nội, có những anh chị tóc vàng mắt xanh cũng học nhanh chóng việc ném mọi phần thừa ra đường.

Ở bên Tây, mỗi người đều phải kiêm nhiệm rất là lôi thôi, vừa là người phân loại rác, vừa phải bỏ rác đúng chỗ. Như vậy là một người lao động trí óc cũng phải làm công việc của người lao động phổ thông à?. Hơi bị cào bằng. Thủ đô ta khác. "Đẳng cấp" là mãi mãi. Người xả rác cứ xả "chuyên nghiệp". Phần còn lại có người lo. Tách bạch. Hèn nhát là hèn nhát chuyên nghiệp. Anh hùng cũng chuyên nghiệp anh hùng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Thả cá phong cách – Ông Táo ghét nilon”
“Thả cá phong cách – Ông Táo ghét nilon”

(VOV) -  Các nghệ sĩ và các bạn trẻ tham gia sẽ “ thả cá phong cách” bằng việc sử dụng chậu nhựa để đựng cá thay vì sử dụng túi nilon.

“Thả cá phong cách – Ông Táo ghét nilon”

“Thả cá phong cách – Ông Táo ghét nilon”

(VOV) -  Các nghệ sĩ và các bạn trẻ tham gia sẽ “ thả cá phong cách” bằng việc sử dụng chậu nhựa để đựng cá thay vì sử dụng túi nilon.

Sông, hồ ngập rác sau lễ ông Công, ông Táo
Sông, hồ ngập rác sau lễ ông Công, ông Táo

(VOV) -Tiễn ông Công, ông Táo về trời, nhiều người không chỉ thả cá mà còn tiện tay vứt luôn cả túi nilon ngay bên đường. 

Sông, hồ ngập rác sau lễ ông Công, ông Táo

Sông, hồ ngập rác sau lễ ông Công, ông Táo

(VOV) -Tiễn ông Công, ông Táo về trời, nhiều người không chỉ thả cá mà còn tiện tay vứt luôn cả túi nilon ngay bên đường. 

Ca sỹ Ngọc Khuê “thả cá phong cách” tiễn Ông Táo
Ca sỹ Ngọc Khuê “thả cá phong cách” tiễn Ông Táo

(VOV) -Các nghệ sĩ và các bạn trẻ sẽ “thả các phong cách” bằng việc sử dụng bát thủy tinh, chậu nhựa để đựng cá.

Ca sỹ Ngọc Khuê “thả cá phong cách” tiễn Ông Táo

Ca sỹ Ngọc Khuê “thả cá phong cách” tiễn Ông Táo

(VOV) -Các nghệ sĩ và các bạn trẻ sẽ “thả các phong cách” bằng việc sử dụng bát thủy tinh, chậu nhựa để đựng cá.