Bài viết xúc động về “thời của mẹ” nhân ngày Độc lập

(VOV) - “Mẹ luôn nhắc, thời đó thiếu thốn nhưng không mấy ai tham lam, tất cả đều làm việc hết mình với mong ước sớm đến ngày thắng lợi”.

Cách đây 2 ngày, nhân sinh nhật anh trai mình đã in lại để tặng anh ấy bức ảnh mẹ mình năm 1963 khi mới 24 tuổi, đang bế anh mình lúc đó mới có 9 tháng tuổi, chụp để gửi cho ba mình lúc đó là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Qua gần nửa thế kỷ chiến tranh và khốn khó, bức ảnh đã bao nhiêu lần vào sinh ra tử cùng mẹ. Anh em mình nói chuyện với nhau, thấy hổ thẹn khi mình chỉ vài lần chuyển nhà loanh quanh trong Hà Nội thôi mà cũng thất lạc nhiều thứ quý giá!!! 

Mình sinh ra và lớn lên ở Thị xã Hà Tĩnh (nay được gọi là TP Hà Tĩnh). Thời thơ ấu của anh em mình, ở với mẹ, sống ở Thị xã không nhiều mà lại gắn liền với những cái tên nơi sơ tán như Thạch Thắng, Thạch Lâm, là những năm tháng phải nằm hầm tránh bom và chứng kiến nhiều cảnh chết chóc, đau thương.

Những năm dài kháng chiến chống Mỹ, mẹ mình từ “cô mậu dịch viên” trở thành Cửa hàng trưởng Cửa hàng Thương nghiệp Thị xã Hà Tĩnh (nay người ta gọi là Giám đốc Công ty đấy!). Dù không cầm súng nhưng mẹ mình phải lăn lộn cùng hàng hóa đến những miền quê phục vụ bà con và các chiến sĩ. Những nơi bom đạn đánh phá ác liệt nhất như vùng biển Thạch Kim, Thạch Hải… chính là nơi mẹ mình phải có mặt nhiều nhất.  

Mình còn nhớ như in một buổi chiều chạng vạng, mẹ nắm tay mình dắt qua sân phơi hợp tác xã, nơi mẹ cùng các cô chú ghi và đếm la liệt những thi thể các chú bộ đội đã hy sinh do máy bay Mỹ ném bom. Nghe mẹ nói với cô nhân viên bên cạnh: “Vải đỏ không còn, vậy bộ đội thì em xé vải trắng, bà con thì em xé vải sô nhé”. Lúc đó mình chỉ khoảng 8 - 9 tuổi.

Thời chiến tranh và bao cấp, hàng hóa khan hiếm, cái gì cũng phải “tem phiếu” và thương nghiệp phải phân phối sao cho đủ mức tối thiểu để bà con có cái mà dùng, đồng thời luôn phải sẵn sàng trong những tình huống nguy cấp do thiên tai, địch họa.

Thương nghiệp thời chiến lưu động, hàng nhập hàng xuất rất nhiều. Hàng hóa chủ yếu để phục vụ chiến trường. Có khi cả chục tấn hàng nhập trong đêm để đêm hôm sau lại tiếp tục lên xe chở ra mặt trận. Hàng phục vụ quân đội hồi đó chủ yếu là vải mưa, vải bạt, chứ hàng nhu yếu phẩm cho sinh hoạt không nhiều.

Hàng nhập, hàng xuất đều có lệnh của nhiều cấp, đầu tiên là của Bộ Nội Thương, tiếp đến là Ty Thương Nghiệp, rồi đến Phòng Thương Nghiệp. Chuyên chở và áp tải đều là xe của quân đội.

Mẹ nói hàng hóa thời chiến thất thoát cũng có, nhưng là do bom Mỹ đánh phá mà thôi, chứ không biến mất do chủ ý.

Mẹ kể các giao dịch hàng hóa trước đây giữa cơ quan thương nghiệp với với các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức đều bắng séc, không dùng tiền mặt. Tiền mặt chỉ là thu từ hàng bán lẻ và phải nộp về ngân hàng hàng tuần.

Anh em mình đã nhiều đêm thức trắng đợi mẹ đi “công tác” về, đó là những đêm mẹ phải chở trên xe đạp một bao tải tiền để đến ngân hàng nộp. Hồi chiến tranh thương nghiệp lưu động và ngân hàng cũng lưu động. Mẹ thường phải đi về đêm để tránh máy bay Mỹ phát hiện và đến đêm hôm sau mới quay về. Có nhiều đêm mẹ phải vứt xe ở vệ đường mà ôm bao tiền trú ẩn, nhiều khi vấp ngã tiền rơi tung từng tập, bà con qua đường cùng giúp gom lại không thiếu một xu. Rồi những lần cơ quan chuyển địa điểm phục vụ, hàng hóa phải phân tán ở nhiều nhà dân, khi chuyển đi chưa kịp lấy hết hàng, bà con lặn lội đi kiếm cơ quan thương nghiệp để trả lại không thiếu một cây kim sợi chỉ.  

Tuổi thanh xuân của mẹ trôi qua theo chiều dài của cuộc chiến. Chồng đi bộ đội rồi hy sinh, mẹ một nách hai con thơ, vừa lo việc nước vừa lo chu toàn cho gia đình nhà chồng. Có lúc ông nội mình bị thương, mẹ phải để ông ngồi trên thúng gánh đưa ông đi sơ tán. Anh em mình vẫn luôn tự hào về mẹ, hiện thân của hy sinh, chịu đựng và tiết hạnh. Bây giờ về lại Hà Tĩnh, các bác các cô thế hệ trước dường như ai cũng biết mẹ mình và đều nhắc đến bà với thái độ thật kính trọng.

Nhiều cuộc chiến tranh đã qua, nhiều thế hệ đã anh dũng hy sinh. Lại nói về thương nghiệp thời chống Mỹ, mẹ mình luôn nhắc, thời đó dù thiếu thốn nhưng không mấy ai tham lam, tất cả đều làm việc hết mình với mong ước sớm đến ngày thắng lợi. Những Đảng viên như mẹ lại càng gương mẫu, hy sinh hơn ai hết.  

Sáng nay, trước lúc viết những điều này mình gọi điện nói chuyện với mẹ (hiện mẹ mình đã 72 tuổi, đang sống cùng gia đình anh trai ở phố Linh Lang, Ba Đình, Hà Nội), câu nói của mẹ khiến mình thấy thấm thía: “Thời của mẹ, nắm kinh tế trong tay nếu ai cũng nghĩ đến chuyện ăn cắp, tham ô thì chiến tranh làm sao kết thúc được hả con”!./.

 Hoài Thu

(Ngày Độc lập 2012)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Tết Độc lập bàn chuyện chống tiêu cực
Trần Đăng Khoa: Tết Độc lập bàn chuyện chống tiêu cực

Nếu làm việc vì lợi ích của người dân thì sẽ được dân ủng hộ, dân tin tưởng.

Trần Đăng Khoa: Tết Độc lập bàn chuyện chống tiêu cực

Trần Đăng Khoa: Tết Độc lập bàn chuyện chống tiêu cực

Nếu làm việc vì lợi ích của người dân thì sẽ được dân ủng hộ, dân tin tưởng.

Blog Thóc: Dự cảm từ việc bắt “Bầu” Kiên
Blog Thóc: Dự cảm từ việc bắt “Bầu” Kiên

Tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt là tin quan trọng. Việc dư luận xã hội rúng động, có sự bàn bạc, mổ xẻ cũng là lẽ thường tình.

Blog Thóc: Dự cảm từ việc bắt “Bầu” Kiên

Blog Thóc: Dự cảm từ việc bắt “Bầu” Kiên

Tin ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt là tin quan trọng. Việc dư luận xã hội rúng động, có sự bàn bạc, mổ xẻ cũng là lẽ thường tình.