Báo chí, truyền thông trong thời đại “hậu - sự thật“
VOV.VN - Sự thật có vẻ như không còn là vũ khí tối thượng của báo chí truyền thống trước sự lấn át của các mạng xã hội.
Nhà xuất bản từ điển danh tiếng thế giới Oxford vừa chọn một từ tiêu biểu cho năm 2016: “post-truth” – “hậu-sự thật”. Trong phần định nghĩa, Oxford diễn giải: “hậu-sự thật là tính từ liên quan đến các tình huống mà trong đó những sự thật khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành quan điểm hơn là sự kêu gọi cảm xúc và những sự tin tưởng cá nhân”.
Cần phải nói rõ, “hậu-sự thật” không phải từ mới. Nó đã xuất hiện từ hơn chục năm qua trên báo chí, mà nguồn gốc sử dụng ban đầu đến từ lĩnh vực môi trường.
Nhưng chưa có thời điểm nào như năm 2016 này mà hậu-sự thật có những tác động mạnh như thế đến đời sống chính trị-xã hội của một bộ phận lớn nhân loại, thông qua hai cuộc bỏ phiếu đình đám: Brexit ở Anh và bầu cử Tổng thống ở Mỹ.
Sự thật từ các tờ báo chính thống đang bị lấn át bởi các thông tin hậu-sự thật từ các mạng xã hội tung ra: AP |
“Thất bại” của truyền thông chính thống
Tại Anh, chỉ 4 ngày sau Brexit, giới tinh hoa London tụ họp ở British Academy bàn luận. Một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất là vai trò của báo chí Anh trong cuộc trưng cầu dân ý.
Điểm nổi bật là đa số các tờ báo lá cải lớn nhất Anh như The Sun hay Daily Mail đã ủng hộ Brexit. Và để lôi kéo độc giả vào các chủ đề nóng, các tờ báo này bịa ra rất nhiều chi tiết sai sự thật mang lại ác cảm về châu Âu, được đồng thanh minh hoạ bởi các tuyên bố không cần biết đúng sai của các chính trị gia như Nigel Farage hay Boris Johnson.
Điển hình là luận điểm rằng “mỗi tuần nước Anh mất 350 triệu bảng cho EU thay vì cho quỹ phúc lợi y tế quốc gia –NHS” mà chỉ vài giờ sau chiến thắng của phe ủng hộ Brexit, thủ lĩnh UKIP Nigel Farage đã phải thừa nhận rằng điều đó không chính xác.
Nhưng, quá khứ, dù có dối trá, thì cũng không thể lật ngược và như bình luận của Katharine Viner, Tổng Biên tập tờ Guardian, Brexit là một thất bại của báo chí chính thống, những tờ báo mà danh tiếng bao năm được xây dựng trên chất lượng thông tin và vai trò truyền tải sự thật.
Viner đã dùng đến từ "hậu-sự thật" để mô tả thời đại này, một thời đại mà ở đó sự thật không còn là yếu tố quan trọng nhất của truyền thông. Các thuật toán của Google, Facebook sẽ lựa chọn cho người đọc những "sự thật" mà nó tin là họ cần.
"Khi một thông tin bắt đầu có vẻ giống như cái mà bạn nghĩ là đúng thì sẽ vô cùng khó khăn cho bất cứ ai muốn làm rõ đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai" –Viner nói.
Độc giả của mạng xã hội sẽ luôn có xu hướng tin vào một dòng tweet hay một status của một người mà họ có cảm tình, bất kể nội dung đó ra sao, hơn là các cố gắng phân tích rạch ròi của một tờ báo.
Facebook hay Google đang "đọc hộ" độc giả những thông tin mà họ muốn tin thay vì những thông tin chính thống đã được kiểm chứng rõ ràng. Ảnh minh họa: AP |
Khi tin đồn lấn án cả những phân tích lý tính
Điều tương tự cũng đã xảy ra ở Mỹ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, khi ông Donald Trump tấn công vào phe Dân chủ bằng những cáo buộc không cần kiểm chứng, chẳng hạn như việc Tổng thống Barack Obama sinh ra ở Kenya chứ không phải trên lãnh thổ Hoa Kỳ và theo Hiến pháp, phải bị tước bỏ vai trò Tổng thống.
Phải cho đến cuối đợt tranh cử, ông Trump mới thừa nhận rằng cáo buộc đó không đúng, mà cũng chẳng cần đưa ra một lời xin lỗi. Trong mớ hỗn độn và ngồn ngộn của thông tin tranh cử, điều quan trọng là những “fake news” (tin giả) – được lưu thông và tạo ra ảnh hưởng theo cách mà những người chủ động làm điều đó mong muốn.
Từ châu Âu sang châu Mỹ, từ phương Tây sang phương Đông, thời đại “hậu-sự thật” vẫn đang diễn tiến và không hề có xu hướng ngừng lại. Ở Pháp, khi chỉ còn 4 tháng nữa là diễn ra bầu cử Tổng thống, làn sóng các thông tin giả độc hại đang lan tràn khắp nơi.
Một website khẳng định ứng cử viên số 1 của đảng cánh hữu Francois Fillon thực ra có gốc Hồi giáo và tên thật là Farid chứ không phải một cái tên đặc sệt chất Pháp là Francois. Hay những thông tin nói rằng 90% cử tri Pháp vào thời điểm này ủng hộ bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia lên làm Tổng thống Pháp.
Tất cả đều là những sự giả mạo nhảm nhí. Nhưng vì chưa có một sự cấm đoán nào hữu hiệu, thông tin độc vẫn đang tràn lan không kiểm soát trên sự bùng nổ dữ dội của các mạng xã hội hay các ứng dụng di động hoàn toàn miễn phí.
Từ điển Oxford đã lựa chọn cụm từ Post-truth (nghĩa là: Hậu-sự thật) là cụm từ của năm 2016, năm mà những thông tin hậu-sự thật lên ngôi và có tác động rất mạnh đến độc giả trên toàn cầu. |
Mạng xã hội đánh thẳng vào tâm lý con người
Trong ma trận đầy rẫy cạm bẫy đó của thông tin, đòi hỏi độc giả phải trở thành những người đọc thông thái là một yêu cầu khắc nghiệt nhưng cần thiết.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những khuyến cáo đầu tiên mà nhà chức trách Berlin phát đi ngay sau vụ khủng bố đêm 19/12 tại chợ Noel Berlin là “không phát tán tin đồn”.
Điều này không có gì mới. Trong đêm khủng bố đẫm máu 13/11/2015 ở Paris, đã có ít nhất 20 tin đồn về các địa điểm khủng bố khiến có thời điểm, Paris như biến thành một chảo lửa chiến tranh và những người dân tốt bụng đã có lúc phải kích hoạt hashtag “Parisporteouverte” (Paris mở cửa) để cho bất cứ ai cũng có thể chạy vào các nhà dân lánh nạn. Sự hoảng loạn về thông tin và tâm lý trong đêm đó, thực sự như là trong thời chiến.
Những nhà khoa học từ nhiều năm trước đã kết luận rằng, sợ hãi là một bản năng thuộc về cơ chế sinh tồn của con người và do đó, sự quan tâm, tò mò của con người vào những tin tức xấu là một thuộc tính tự nhiên không thể tách rời.
Não bộ của loài người có một cơ chế được thiết kế để tăng cường hệ thống ghi nhớ những sự mệt mỏi và cảm xúc mà chúng ta phản ứng với các tin tức xấu, hơn là để ghi nhận những điều hạnh phúc.
Trong truyền thông, “cơ chế tiêu cực” đó được thể hiện ở việc các tin tức xấu (như thiên tai, chiến tranh, thảm hoạ…) luôn chiếm vị trí hàng đầu và đa số trong các bản tin.
Hiện tượng đó được triết gia người Pháp Michel Serres gọi là “rating của cái chết” còn nhà lý thuyết truyền thông nổi tiếng người Canada, Marshall MacLuhan thì diễn giải đơn giản rằng, đó là vì “Good news is no news” (Tin tốt thì không phải là tin).
Trong vòng tròn luẩn quẩn này, đến lượt người tiếp nhận thông tin xử lý và biến nó theo cách của mình. Mạng xã hội với mức độ siêu kết nối biến các độc giả thành những người phán quyết có ảnh hưởng.
Như nghiên cứu của nhà tâm lý học Christopher Nass của trường Đại học Stanford thì “những người đưa ra các ý kiến và các bình luận tiêu cực thường được nhìn nhận là “thông minh hơn” những người phản ứng một cách tích cực hay lạc quan”.
Nói cách khác, những người hung hăng chỉ trích, lăng mạ, thường được quan tâm hơn những người nhẹ nhàng tranh biện. Vì họ “tỏ ra” thông minh hơn. Và vì tâm lý chung nằm trong bản chất của của con người là tò mò hơn với những thứ tiêu cực.
Lời cảnh báo về những tin tức giả mạo chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều như hiện nay. Ảnh: AP |
Cần một cách tiếp cận tỉnh táo và biện chứng
Sẽ không phải là vấn đề gì nghiêm trọng nếu tất cả những điều trên được đặt trong một xã hội truyền thông đã có sẵn những nền tảng vững chắc về văn hoá tranh luận. Nhưng nếu không, hay chưa có, thì sẽ là thảm hoạ.
Mạng xã hội và môi trường truyền thông Việt Nam có lẽ đang ở trong tình huống này. Sự tỉnh táo nhìn nhận thông tin đúng-sai rất hạn chế nhưng sự hung hăng khích động trong tranh luận thì luôn có thừa.
“Anh hùng bàn phím”, “nhà đạo đức mạng”… tất cả đều từ đó mà ra, trong một thời đại “hậu- sự thật” đầy thách thức với sự sống còn của báo chí truyền thống.
Chỉ vài năm trước, ở phương Tây, Facebook hay các mạng xã hội vốn chỉ được coi là "second identity" (bản thể thứ hai) thì nay với rất nhiều người, nó là đã là thứ nhất. Hai tuần trước, trong tờ khai hải quan nhập cảnh vào Mỹ, lần đầu xuất hiện câu hỏi "tài khoản mạng xã hội của bạn là gì?".
Câu hỏi không bắt buộc phải trả lời nhưng câu chuyện này cho thấy, các mạng xã hội đã tác động lớn thế nào đến cách hành xử của mỗi cá nhân và có thể đem lại những hệ luỵ ở quy mô toàn cầu, ở đây là về mặt an ninh.
Thực tế thì vài năm qua, thế giới đã biến động quá nhiều từ các mạng xã hội, từ các ứng dụng tin nhắn miễn phí trong mùa Xuân Arab, đến các hashtag trong các biến cố quảng trường rồi mới nhất là telegram mà các phần tử cực đoan ưa dùng.
Năm 2016 với làn sóng “tin giả"
Sức hấp dẫn của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, quá lớn, không chỉ vì những điều tốt đẹp nó mang lại mà còn vì thứ quyền lực đáng thèm muốn ban phát cho người dùng.
Đó là quyền năng biến một cá nhân bất kỳ thành một con người khác có vẻ đáng ngưỡng mộ hơn trong xã hội, điều mà họ khó làm được trong đời thực. Nó là cuộc đời thứ hai, nhưng đang lấn át cuộc đời thứ nhất của biết bao người.
Vài tháng trước, tạp chí khoa học uy tín Nature có đăng một bài viết nói rằng loài người đã đạt đến mức giới hạn về phát triển thể chất. Nghĩa là khó có thể sống lâu hơn, cao hơn, chạy nhanh hơn.
Thế kỷ 20 dường như đã là bước đột phá cuối cùng về thể năng. Nam giới Iran trong gần một thế kỷ chiều cao trung bình tăng 17cm, phụ nữ Hàn Quốc tăng trung bình 20cm.
Usain Bolt vẫn chạy nhanh nhất thế giới với 100m hết 9,58 giây nhưng thành tích này đã cách đây 8 năm và không riêng gì Bolt, hầu như mọi kỷ lục thể thao đều đang chậm đi, thậm chí thụt lùi.
Loài người về thể chất đang khựng lại. Và với sự quá tải dân số, hủy hoại môi trường, tài nguyên... loài người sẽ sớm đi vào chu kỳ thoái hoá. Nhưng trong thời đại “hậu-sự thật”, có vẻ như sự thoái hoá về một mặt khác còn đáng sợ hơn nhiều./.