Blog Xíu: "Mình phục mình quá…!"

Một xã hội phát triển lành mạnh là một xã hội có sự liên kết, tôn trọng lẫn nhau. Sống biết chấp nhận người khác mình là chúng ta đang duy trì sự gắn kết giữa các thành viên.

Hôm rồi đọc tường thuật trên Báo Thanh Niên về Cuộc trả lời báo chí của ông chủ AVG thấy buồn quá. Buồn vì mình không phải đại gia để được ăn nói trên tiền,"xóc óc" (chữ dùng của nhà thơ Thanh Thảo), bất chấp những phép tắc thông thường của ứng xử. Buồn hơn vì thấy hiện nay nhiều đại gia, nhiều người của công chúng đang chiếm lĩnh xã hội bằng những cách thể hiện khác người. 

Xin chớp ra đây một vài tấm hình phản cảm để thấy tiền và văn hoá là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau: Thiếu gia vi phạm luật giao thông hống hách mạt sát đe dọa cảnh sát; những đám cưới phô trương xe khủng khắp đường phố; những chân dài showbiz hết khoe thân rồi đến khoe xế hộp, trang phục, đồ trang sức tiền tỷ; những người đẹp diêm dúa đi làm từ thiện, õng ẹo "diễn tuồng" bên lũ trẻ tàn tật... 

"Mình phục mình quá!" (Ảnh có tính minh họa)

Bác Trần Đăng Khoa hình như đã từng than rằng, giá như hoa hậu đừng có lưỡi (!). Trời ơi, đến mức thế sao? Nhưng thật buồn đó là sự thật. Nhiều cặp đại gia-hoa hậu phát ngôn không tương xứng với kích cỡ chân dài và tài sản; một người đẹp không ngần ngại xuất hiện trên báo để tuyên ngôn rằng: "Người ta không thể nuôi sống tình yêu bằng không khí nên phải cần tiền. Hương vị của tiền sẽ giúp người ta giữ được tình yêu"; người của công chúng dùng sắc đẹp để tạo "vũ khí" cho mình, áp đặt, xoay chuyển các mối quan hệ xã hội...

Những giá trị "ảo" đang xuất hiện trong một tầng lớp nhiều tiền của, nhan sắc nhưng ít trau dồi cái nết. Câu châm ngôn mới "Cái đẹp đánh bẹp cái nết" phần nào tả đúng chân dung một lớp người lấy đồng tiền làm thước đo giá trị.

Bài Blog của một đồng nghiệp hoàn toàn đúng khi cho rằng, không nên dạy trẻ con cái mệnh đề: người giàu có thì xấu, người nghèo thì lương thiện. Bởi như thế là làm méo mó hình ảnh những doanh nhân có nhân cách đổ mồ hôi sôi nước mắt làm giàu cho bản thân và xã hội; những người đẹp âm thầm đóng góp cho cộng đồng...

Nhưng sự thật trớ trêu là những trò lố bịch lại thường rơi vào những nhóm người cậy tiền bạc, quyền lực, vây cánh. Thế cho nên họ đã phần nào làm hoen ố những hình ảnh tốt đẹp trong mắt mọi người về một lực lượng cống hiến không nhỏ cho đất nước. 

Chuyện của những đại gia, chân dài với những hành vi hợm hĩnh bất chấp dư luận lại làm liên tưởng đến một "nhân vật" xuất hiện cũng không ít trong xã hội. Anh này có một câu nổi tiếng "Mình phục mình quá!". 

"Tuần chay nào cũng có nước mắt". Hội nghị nào, diễn đàn nào cũng thấy có anh, phát biểu sang sảng đầy uy lực, cuốn hút, duyên dáng. Chủ đề của anh thường là những nỗi bức xúc cá nhân. Anh thẳng thắn chất vấn, anh không ngần ngại kiến nghị cho bản thân anh, còn với những việc chung và đồng nghiệp, anh dành cho những lời có cánh sáo rỗng. Ít thấy anh dành sự quan tâm đến các đồng nghiệp, đến những người xung quanh. 

Trong cái thế giới đầy cạnh tranh này, chỉ mình anh là ngôi sao sáng. Anh sinh ra để gánh vác sứ mệnh của một người tiên phong "độc bản". Mọi người là những vệ tinh xoay quanh anh bởi anh là lõi, là hạt nhân của những sự kiện.  

Anh không nghe chuyện của người khác, không đọc người khác, không chấp nhận người khác, càng không thán phục người khác. Nhiều khi anh ứng xử với những sáng tạo của người khác theo lối "dìm hàng". Trong mắt anh, có những người không thể trưởng thành, tiến bộ, bất chấp họ đã nỗ lực rất nhiều. Nhưng ai may mắn lọt vào mắt xanh của anh thì kể cả nhiều thói hư tật xấu nhất, anh cũng bỏ qua... 

Một xã hội phát triển lành mạnh là một xã hội có sự liên kết, tôn trọng lẫn nhau. Sống vì người khác, chấp nhận người khác cũng có nghĩa là chúng ta đang duy trì sự gắn kết giữa các thành viên. Giống như ở nhiều nước tiên tiến, những người thành đạt luôn là những người giản dị, khiêm nhường và lịch lãm. Họ luôn coi mình như mọi thành viên khác của xã hội. 

Không ai có thể sống trong lãnh địa riêng mình. Và nhất là lãnh địa đó chỉ được xây bằng cái vỏ bọc vật chất mà thiếu sự đắp bồi của những phép tắc ứng xử, chuẩn mực văn hoá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên