Bỏ quên Tô Ngọc Vân: Trăn trở, xót xa là việc của hậu thế
VOV.VN -Trong cái thời mà nhan nhản danh hão cứ găm vào đời sống, thì vẫn còn những cánh cửa lạnh lùng đóng chặt với quá khứ, với những giá trị
VOV.VN đang có loạt bài nhắc tới câu chuyện hoạ sỹ Tô Ngọc Vân không được truy tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Âu cũng là chuyện thời sự nhân tình thế thái kéo dài liên miên chưa hồi kết. Nó giống như chuyện tranh cãi nhì nhằng trong việc phong tặng Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, rồi các giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước vậy.
Tôi xin kể ra đây vài chuyện nhỏ những mong chắp nối với chủ đề này.
1. Hồi học phổ thông, một lần thầy tôi ra một đề bài nhỏ: Em hãy tìm và kể về ba nhân vật trong lịch sử có những mối liên hệ với nhau. Một cậu bạn nghịch ngợm ghi ra giấy: Lê Lợi, Lê Nin và Lê Nam. Thầy tôi biết cậu ấy đùa nhưng vẫn hỏi: Ba nhân vật này có mối liên hệ nào? Bạn tôi thưa rằng: Cả ba cùng họ Lê ạ. Thầy khẽ lắc đầu và hỏi tiếp: Thế ông thứ ba là ông nào? Cậu bạn tôi lí nhí: Thưa thầy, là em ạ.
Học trò đùa nghịch, cuối cùng thầy cũng tha. Nhưng nhân đó, thầy nói với bạn tôi cũng như cả lớp: Trong tất cả chúng ta ở đây có đề trước tên mình hàng kilomét danh xưng thì cũng chả ai biết đến. Hai vị kia thì chỉ cần nghe tên ngắn gọn vậy thôi, là quá đủ rồi...
Lần giở hộp cạc-vi-dít trên bàn làm việc, thấy có một tấm mà chủ nhân của nó in kín đặc bảy chức danh tương đương bảy nghề, bảy nghiệp. Thế nào nó lại trùng khớp với con số 7, dịch ra là thất nghiệp, thất nghề. Vị này không đến nỗi bị hất ra đường vì thiếu việc làm nhưng sự nghiệp hình như cũng chả có gì đặc biệt. Người ta nhớ đến duy nhất cũng bởi vì là chủ nhân của tấm các-vi-dít hoành tráng.
Chợt nhớ mang máng có ai đó đã từng viết: Nếu liệt kê trước cái tên Nguyễn Trãi hàng loạt danh xưng thì đó là một sự sỉ nhục. Nói quá lên thế để chốt lại cái ý rằng: Có những cái tên bản thân nó đã chứa đựng những giá trị khỏi phải đính kèm những thứ giải thích xủng xoảng làm gì.
Thiếu nữ bên hoa huệ. Tranh: Tô Ngọc Vân |
2. Hồi còn công tác trong ĐBSCL, trong một dịp vào chơi rừng, tôi tình cờ gặp đoàn của một nhạc sỹ nổi tiếng. Trong bữa cơm, hai đoàn được chủ nhà tiếp chung. Người miền Tây không ưa giới thiệu tên tuổi, chức danh, công việc, cứ thế là nhậu vui thôi. Một sếp đi cùng tôi thấy vị nhạc sỹ dáng to bè ngồi lặng chả nói gì, liền hỏi: Ông làm nghề gì nhỉ? Vị nhạc sỹ trả lời không hề bối rối: Tôi ở nhà, làm nghề tự do. Ôi giá như người khác thì dễ nổi xung lên lắm vì thiên hạ dám không biết một nhân vật nổi tiếng như thế. Nhưng ông cứ điềm đạm chuyện trò như muốn giấu thật kín nguồn gốc của mình.
Tối đó về khách sạn, tôi hát cho sếp đồng nghiệp nghe một bài hát. Và hỏi: Anh có biết bài hát này không? Sếp liền trả lời: Bài này quen quá, ai mà chả biết. Tôi bèn bảo: Bài này là của ông nhạc sỹ to lù lù ta gặp trưa nay đó. Sếp giãy nảy: Nổi tiếng thế mà cứ ngồi im thít một góc như gã thợ rừng. Vâng, chả phải như sếp có tí phẩm hàm, cả buổi ngồi phán đủ chuyện, nếu mà nổi tiếng được vậy chắc nổ tung trời...
Cái danh của người thợ mộc nằm ở chiếc tủ chiếc ghế; của người thợ may là tấm áo đẹp; của nhà văn nhà thơ hoạ sỹ là tác phẩm;...Và nhiều khi tác phẩm lại được biết đến nhiều hơn là cái tên tác giả. Hạnh phúc chi bằng khi tên mình đã ẩn vào trong sức sống của tác phẩm. Tôi tin là sẽ có rất nhiều người chỉ biết bức hoạ "Thiếu nữ bên hoa huệ", mà không nhớ đến cha đẻ của nó.
Viết đến đây, tôi muốn thưa với tác giả Trà Xanh, người đã có những bài báo tâm huyết về chủ đề này rằng: Thực ra mộ chí của hoạ sỹ Tô Ngọc Vân cũng chẳng cần đề thêm gì hết. Tên ông là quá đủ để nói về một nhân cách và tài năng. Cái tên đó đã đủ là tấm hộ chiếu trình diện để đi vào trí nhớ mọi người, đi qua thời gian...
Còn đau buồn và xa xót là phần việc của hậu thế chúng ta khi phải đối mặt với những ứng xử lạ lùng. Trong cái thời mà hàng ngày chúng ta vẫn phải đón nhận thêm không biết bao nhiêu danh hão nhan nhản găm vào đời sống những thứ rởm đời, thì vẫn có những cánh cửa lạnh lùng đóng chặt với quá khứ, với những giá trị./.
>> Phản hồi từ Trà Xanh: Tri ân là điều không thừa