Cấm triệt để lái xe uống rượu bia: Phạt nặng, nhẹ hay là vừa?
VOV.VN -Người dân ủng hộ, nghiêm túc chấp hành, người thực thi pháp luật cũng phải thực hiện nghiêm thì luật mới thực sự đi vào cuộc sống
Chồng tôi có tí chức sắc ở một doanh nghiệp, nên đã từ lâu, một tuần anh chỉ ăn cơm tối một vài buổi ở nhà với vợ con, còn lại phải tiếp đối tác và hàng trăm mối quan hệ khác. Chồng tôi ngụy biện, thời buổi này, phần lớn các hợp đồng được thỏa thuận và ký trên bàn nhậu. Hiếm có khi nào thấy anh về nhà trước 9 giờ tối, và gần như ngày nào cũng có hơi men, không ít thì nhiều. Và chuyện đó đã là thường xuyên ở gia đình tôi, nên lâu dần thấy khá bình thường. Có những lần về đến nhà, chồng tôi đã say mèm, lăn ra ngủ và đến sáng tỉnh rượu mới nhớ là xe mình gửi ở đâu.
Vi phạm nồng độ cồn, lái xe Nguyễn Đức Hải (SN 1973, trú tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) bị tước GPLX 23 tháng, giữ xe 7 ngày và phạt 35 triệu đồng nhưng ông đồng tình vì "mức phạt có tính răn đe" (ảnh: Nguyễn Ngân) |
Từ đầu tháng 12 đến nay, cả nhà thấy hơi lạ vì số buổi chồng tôi về sớm hơn “giờ bình thường” nhiều hơn. Còn những hôm đi tiếp đối tác, chồng tôi gọi điện về nhà báo với vợ con. Khi cả nhà ăn cơm, trên truyền hình phản ánh về việc xử phạt lái xe có nồng độ cồn theo Nghị định 100, chồng tôi cũng đồng tình ủng hộ: “Chả dại vi phạm để bị bêu mặt lên báo hay tivi, vừa xấu mặt mình, nhưng ngại nhất là làm xấu mặt trẻ con”.
Còn tôi, từ khi CSGT ra quân xử phạt nghiêm khắc lái xe uống rượu bia, khi ra đường cũng thấy yên tâm hơn hẳn. Trước kia, lúc nào tôi cũng cảm thấy bất an vì lo ngại những lái xe say rượu. Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua khiến nhiều người, trong đó có tôi luôn bị ám ảnh.
Đến tận bây giờ, chắc nhiều người vẫn còn rùng mình khi nhớ lại vụ tai nạn xảy ra vào đêm 22/4, khi tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) sau khi uống nhiều cốc bia đã lái xe ôtô 7 chỗ tông ngã chị Lê Thu Hà (công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) đang làm việc trên đường Láng khiến chị Hà tử vong và nhiều người bị thương; hay vụ lái xe tông 2 phụ nữ trong đường hầm Kim Liên…
Tất cả những vụ tai nạn thương tâm này đều do tài xế sử dụng rượu bia gây ra. Nỗi đau sẽ không biết dai dẳng đến bao giờ, bởi con của những nạn nhân đều còn nhỏ, có cháu còn bị khuyết tật, giờ đây lại thiếu đi sự chăm sóc của người mẹ. Ngay cả gia đình những lái xe gây tai nạn, cũng là nỗi đau khôn nguôi của những người vợ, người mẹ khi có người cha gây tai nạn phải ngồi tù. Và chắc chắn, sự day dứt của những người lái xe gây tai nạn này có lẽ cũng kéo dài suốt cuộc đời.
Thực tế trong gần 1 tuần qua, kể từ khi Luật phòng chống tác hại của bia rượu có hiệu lực và CSGT tăng cường xử phạt vi phạm theo Nghị định 100, cá nhân tôi cảm nhận có sự thay đổi hẳn ý thức của những người tham gia giao thông, chí ít là của người thân trong gia đình và những người xung quanh. Việc “đi nhậu” cũng được mọi người cân nhắc kỹ, có ý thức hơn với bản thân và gia đình, con cái, bởi chẳng ai muốn bị “điểm tên, chỉ mặt” trên các phương tiện truyền thông. Và ai cũng có ý thức khi bị bắt thì sẽ rất khó hoặc không thể “xin xỏ” hoặc “gọi điện cho người thân” như trước kia.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các trường hợp ăn hoa quả mà ra đường ngay khi bị kiểm tra có nồng độ cồn sẽ bị thiệt thòi, hay phải cho giới hạn được uống ở một mức nào đó… Nhiều người lấy dẫn chứng ở nước ngoài cũng cho giới hạn chứ không “hà khắc” như vậy. Những trường hợp này, các nhà chuyên môn cũng đã nhấn mạnh, ăn hoa quả lên men thì chỉ sau 20-30 phút thì khi đo sẽ không có nồng độ cồn. Hay ở nước ngoài, dù có giới hạn về nồng độ cồn nhưng họ đều khuyến cáo là không nên uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Và thực tế, ý thức tham gia giao thông của người dân ở các nước về mặt bằng chung hơn hẳn ở Việt Nam. Điều đó ai cũng phải công nhận. Chính tôi cũng đã tham gia nhiều bữa tiệc ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… và đều thấy rõ điều đó. Họ sẵn sàng từ chối uống rượu bia nếu phải lái xe và cũng không ai ép khi có lý do như vậy. Hoặc chỉ uống khi có người lái xe không uống rượu đi cùng, hoặc khi đã uống, dù ít hay nhiều, họ đều thuê đội ngũ lái xe túc trực sẵn trước cửa mỗi nhà hàng…
Vì thế, việc cấm tuyệt đối lái xe khi tham gia giao thông khi uống rượu bia như quy định trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia hoàn toàn có lý. Trước hết là để tạo thói quen cho người tham gia giao thông: Khi đã uống rượu bia thì không lái xe. Hơn nữa, tạo sự an toàn cho chính bản thân họ và gia đình. Gia đình, con cái sẽ như thế nào nếu như người bố, người mẹ chẳng may gây tai nạn. Hậu quả sẽ rất nặng nề, dai dẳng, không chỉ là về vật chất và cả tinh thần. Chắc chắn rằng, gia đình những tài xế cũng ủng hộ tuyệt đối các quy định này.
Vậy khi Luật đã nghiêm, nhiều người đồng thuận thì việc thực hiện của những người thực thi pháp luật cũng phải nghiêm để không có tình trạng bị "nhờn" luật như vẫn thường thấy, nhất là trong xử lý vi phạm giao thông. Khi thực hiện phạt vi phạm, số tiền phạt sẽ rất lớn và tài xế có thể bị tước bằng lái.
Vậy làm thế nào để kiểm soát việc này như thế nào để không có tình trạng thỏa thuận để “đôi bên cùng có lợi”? Việc này nhất thiết phải có sự tuyên truyền, giáo dục trong đội ngũ những người thực thi pháp luật, đồng thời phải có sự giám sát từ các cơ quan chức năng và của cả người dân, cộng đồng.
Trước đây, cũng đã có đề nghị cấm người dân quay phim chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ, nhưng với thực tế bây giờ, điều này phải được khuyến khích để những người thực thi công vụ manh nha ý định “đôi bên cùng có lợi” cũng phải “chùn bước”. Người dân giám sát là bằng chứng cụ thể nhất cho việc xử lý những người thực thi pháp luật nhưng lại vi phạm luật. Và những trường hợp vi phạm, phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí đuổi ra khỏi ngành, nặng hơn có thể xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Chỉ khi cả phía người dân và người thực thi pháp luật đều nghiêm túc chấp hành luật, thì luật mới thực sự đi vào cuộc sống./.