Chỗ ngồi trong phòng họp Quốc hội Đức
VOV.VN - Trên báo, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch kiến nghị nên có chỗ ngồi cho phóng viên ở tòa nhà Quốc hội mới.
Chưa biết đề đạt của ông Lịch sẽ được xem xét ở mức độ nào, nhưng là một nhà báo, tôi vẫn phải cảm ơn ông. Tôi và một vài đồng nghiệp vừa kết thúc chuyến làm việc tại Đức nên nhân đây cũng xin bày tỏ đôi điều mắt thấy tai nghe ở Quốc hội Đức. Không dám so sánh, và cũng không thể so sánh, nhưng nếu tiếp thu được điều gì tiến bộ và hợp lý thì bộ phận hữu trách ở ta nên làm.
Mặt trước tòa nhà Quốc hội Đức có dòng chữ: “Vì nhân dân Đức”. Khi chúng tôi tới tòa nhà này thì thấy nhiều người xếp hàng đi vào. Người phiên dịch cho biết Quốc hội Đức mở cửa cho tất cả người dân Đức ra vào tự do. Và chúng tôi, những người nước ngoài, cũng không ngoại lệ.
Thiết kế kiến trúc trong tòa nhà sử dụng nhiều vật liệu kính trong suốt. Người quản lý ở đây cho biết, ngoài lý do về khí hậu, về tiết kiệm điện năng chiếu sáng…, thì có một ý đồ rõ rệt của kiến trúc sư trong khi sử dụng kính, đó là sự minh bạch và công khai. Hệ thống thấu kính trong các buồng thang máy được thiết kế sao cho hình ảnh của người đứng trong đó được nhân lên nhiều lần. Chỉ cần 3 người nhưng cho ta cảm giác của một đám đông. Đây là biểu tượng của số đông, của dân chủ.
Trong phòng họp lớn của tòa nhà Quốc hội Đức có 6 khối ghế chính thì 2 khối dành cho người dân (người dân được tự do vào theo dõi các buổi họp), 2 khối cho báo chí. Số còn lại cho nghị viên các đảng. Nếu muốn tác nghiệp ở các kỳ họp quốc hội thì phóng viên làm đơn đăng ký 1 lần, được ra vào thoải mái cho đến hết nhiệm kỳ. Có khoảng 2000 phóng viên đăng ký tham dự các kỳ họp quốc hội.
Quốc hội Đức có truyền hình nhưng nó không phải là một tòa báo mà chỉ có chức năng ghi lại diễn biến các phiên họp để truyền trực tiếp và lưu trữ. Hai đối tượng được ưu tiên tiếp cận kênh này là nghị viên và phóng viên để đảm bảo rằng họ là những người biết tức thời cái gì đang diễn ra trong tòa nhà quốc hội.
Một điểm khá thú vị là trong mỗi lần họp Quốc hội ở Đức, bên cạnh các phương tiện như ghi hình, ghi âm (Kênh truyền hình quốc hội) thì vẫn tồn tại các nhân viên ghi chép bằng tay. Họ được bố trí ngồi ở vị trí trung tâm, dễ quan sát và gần chủ tịch đoàn. Mọi diễn biến (kể cả tiếng vỗ tay hay tiếng xì xào) đều phải ghi lại chuẩn xác. Người quản lý ở Văn phòng Quốc hội Đức giải thích: Hình ảnh và âm thanh có thể chỉnh sửa nhưng giấy trắng mực đen thì không thể. Nhất là không khí và tinh thần phản biện thì không một góc máy quay nào có thể diễn đạt đầy đủ và chính xác.
Chậm nhất là 9 giờ sáng hôm sau, mọi diễn biến của cuộc họp phải đưa lên web bằng văn bản (do nhóm tốc ký ghi chép) để người dân không thích, hoặc không có điều kiện xem ti vi, nghe radio biết đại biểu mình bầu ra nói gì trong quốc hội; tạo cơ hội thảo luận công khai từ lúc còn dự thảo. Tư liệu chép tay này có thể tra cứu từ năm 1949 tới nay, tức là sau thế chiến thứ II, khi nước Đức bị chia thành hai phần Đông và Tây Đức.
Một ấn phẩm của quốc hội Đức có số ấn bản là 62.000, hoạt động theo nguyên tắc trung lập, đăng không thiếu một dấu phẩy tất cả báo cáo của nghị viên. Lại thêm một phụ bản (điều này có trong luật) dành cho những đối tượng bình thường có thể hiểu cơ quan quyền lực nhất đang làm gì.
Vào các phòng họp ở Quốc hội Đức không cho tôi cái cảm giác choáng ngợp của một đất nước văn minh-công nghệ. Mọi thứ đều khá giản dị, dễ gần, tuy nhiên không vì thế mà công năng và sự tinh tế giảm đi.
Ở Đức mỗi đảng mang màu sắc biểu trưng riêng. Liên minh Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của đương kim Thủ tướng Angela Merkel là màu đen, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) là màu đỏ, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) là màu vàng, đảng Cánh tả là màu đỏ và đảng Xanh là màu xanh… Chính vì thế việc lựa chọn màu sắc nào cho ghế ngồi để thể hiện sự trung lập và dân chủ, không nghiêng về đảng phái chính trị nào…, cũng khiến kiến trúc sư “đau đầu”. Các nhà thiết kế đã tạo ra một màu hơi tím khá độc và màu sắc này đã được đăng ký bản quyền. Ở Đức người ta gọi màu ghế trong phòng họp chính là “màu tím quốc hội”./.