Đừng hỏi tôi có yêu Hà Nội hay không?
VOV.VN - Năng lượng sống hừng hực của một cuộc sống gấp gáp đã cuốn bay những do dự, e dè của một Hà Nội cổ kính
Tôi sinh ra ở Hà Nội, lớn lên, và thấm thoắt đã qua hơn nửa kiếp nhân sinh ở đó. Ba tôi, một người quê ở miền trong, đã ưu tiên đặt tên tôi, đứa con đầu lòng của ông theo nơi mà ông gắn bó suốt một thời phong độ, trong một mùa trời đất mênh mang và con người tự cho mình cái quyền thong thả ít nhiều. Đến đứa con thứ hai, em gái tôi, ông mới đặt tên nó như tên dòng sông quê hương mình. Cuối cùng, thứ tự ưu tiên ấy cũng vẫn bị ông đảo lại khi ông đã lựa chọn nơi chôn rau cắt rốn của mình làm nơi chốn đi về. Đến giờ, tôi mới viết được những chuyện này mà không còn chạnh lòng cho một Hà Nội đã bị bỏ lại sau lưng ông ngần ấy năm, mặc dù tôi vẫn biết, không bao giờ ông quên được nó…
Hồ Gươm (ảnh: V.H)
Đến những năm học cấp ba, thi thoảng được mẹ cho đi xem kịch ở nhà hát đối diện chợ Hàng Da. Tan kịch, ngồi đằng sau xe mẹ, ê ẩm đi qua những góc phố cổ xóc kinh người nhưng vẫn ngơ ngẩn nhìn trăng đuổi theo mình sau những tán lá mùa đông se sắt. Lúc biết bối rối trước người khác giới, ngồi trong cái lớp học thêm chật chội ở Phủ Doãn, dùi mài kinh sử cho kỳ thi đại học trong cái nóng hạ đến nung người, nhưng vẫn cảm thấy một ánh mắt là lạ dõi theo mình từ đằng sau… Thi đại học xong, liều mạng một chút, mím môi, nhắm mắt trên xe đạp thả dốc trên đường Thanh Niên nghe gió Tây Hồ ù ù qua tai, phảng phất mùi sen men vạt nước bên chùa Trấn Quốc… Với một người như vậy, chỉ nói mỗi lời yêu với Hà Nội, phải chăng là quá ư hời hợt?
Hà Nội đã khác xưa (ảnh: VH)
Hà Nội cũng đông dần lên theo năm tháng, thành phố hối hả từ sáng sớm đến muộn khuya. Con phố nhỏ bên Hoàng Thành nhà tôi ở, trước đây yên tĩnh đến nghe thấy tiếng lá khua mà bây giờ ầm ĩ tiếng xe từ năm, sáu giờ sáng. May mắn là vẫn nghe tiếng chim hót mỗi sớm mai và đôi khi còn thấy sóc nâu chạy trên tán xà cừ trước cửa.
Sau cuộc dời đô vĩ đại về miền đất trong sông trù phú hơn một thiên niên kỷ trước, hàng chục thế hệ đã sinh sống trên mảnh đất này. Hà Nội có sự lựa chọn nào khác ngoài việc độ lượng với những du nhập vật chất và tinh thần từ muôn nơi đổ về thành phố đã được mệnh danh là “kinh đô bậc nhất” ấy? Năng lượng sống hừng hực của một cuộc sống gấp gáp đã cuốn bay những do dự, e dè của một Hà Nội cổ kính. Hà Nội mạnh dạn khoác áo mới cho Tháp Rùa, treo đèn xanh đỏ quanh Hồ Gươm. Thành phố đã có sông, chắc bây giờ cần thêm núi…
Khi Nhà Trần từ miền biển nào đó mới về, chiếc áo kinh kỳ xa hoa khoác trên vai họ không đủ giấu đi nét thô mộc, ăn sóng nói gió đối lập với vẻ tinh tế, thanh lịch của một đô thành đã được rèn giũa dưới những năm tháng yên bình của Nhà Lý. Nhưng chỉ sau một, hai thế hệ, đã có một Thăng Long hào hoa, tràn đầy sức sống, phóng khoáng với khí thế “Đông A” ngút trời. Vậy thì hãy trả lại cho thời gian điều mà nó làm giỏi nhất: tinh chất thì lắng đọng, tạp chất thả theo gió cuốn bay. “Tin ở hoa hồng” cũng không phải là niềm tin quá nhiều xa xỉ.
Có phải mỗi ở đây tôi mới gặp Hà Nội?. Đây đó trên những nẻo đường tôi đã qua, trên những nơi chốn tôi vừa kịp đến, bóng Hà Nội sâu sắc, trầm tư có thể gặp ở một mái nhà ngói rêu phong, một tán lá bàng mùa đông se sắt, một “lối em về dương cầm lạnh”, và trên hết, là những con người với khí chất thanh lịch, khiêm nhường mà tài hoa, kiêu hãnh, xa Hà Nội không biết bao sông mà gần Hà Nội cũng ngay trước mắt. Không sinh ra ở Hà Nội, sống ở Hà Nội cũng không được nhiều, chỉ cần mang trong mình những giá trị ấy, ai đó đã có thể là Hà Nội. Hà Nội biết sống trong dung hòa hết thảy, cả những giá trị bạn mang đến từ những miền đất xa xôi.
Một buổi tối tháng Mười khi Hà nội vừa kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng, vừa đón cơ man lượt người dồn về xem bắn pháo hoa chung vui cùng thành phố, tôi nhận được điện thoại của cô bạn phổ thông, một nữ họa sỹ mà tôi muốn gọi là “người đàn bà nghịch gốm”. Cô ấy đã nghịch với bờ đê sông Hồng, tạo cho bờ đê nhuốm mầu nắng gió ấy nét vui tươi của hội họa đường phố nhưng bằng chất liệu gốm truyền thống của những làng nghề ven thành phố trong sông.
Cô ấy nói với tôi, vẫn bằng cái chất giọng rụt rè, ngập ngừng của một cô bé 15 tuổi, nhưng tràn ngập niềm vui cố nén, rằng cô ấy đã “nghịch xong” một cái đài phun nước khảm gốm vàng, hình hoa sen bên Hồ Tây, đối diện đền Quán Thánh. Nếu tôi không ngại trời tối mà phóng ra đấy ngay thì sẽ được thấy bông sen ấy nở với bẩy mầu sắc trong ánh nước lung linh.
Tác giả và hoa sĩ Nguyễn Thu Thủy bên đài phun nước hình đóa sen bằng gốm
Có ai ngờ cái vườn hoa ồn ào trong chóng mặt của ban ngày lại như một khu vườn yên tĩnh với ánh sáng bí ẩn như vậy trong đêm. Trong bốn chiếc ghế khảm gốm hình bán nguyệt vây quanh đài phun nước, có một chiếc ghế được xây trên nền lát đá hoa cương, chính giữa khảm khắc hình hoa sen thời Lý, tỉ mỉ, tinh tế và cao nhã.