Hà Nội, nhìn từ Sông Mẹ
VOV.VN -Không hề cực đoan khi nói rằng không có sông Mẹ thì không có Hà Nội. Dòng sông gắn với vận mệnh dân tộc Việt và những bước thăng trầm của Thủ đô.
Sông Hồng, tức sông Cái, tức sông Mẹ bao bọc phía đông thành Đại La-Thăng Long xưa, Hà Nội bây giờ. Sông như tấm gương soi, như bức thủy thành chắn phía đông kinh thành. Sông lại như trang sách in chép lịch sử bao triều đại hưng vong, lại như khuôn nhạc để bản nhạc giao hưởng kinh đô vi vút suốt ngàn năm.
Dằng dặc triều đại Lý, Trần, Lê… và đến thời hiện đại, sông chứng kiến những cuộc dời đô và những trận chiến chống xâm lược để dành, giữ Thủ đô. Hơn 40 năm trước, nhà thơ Chế Lan Viên có bài thơ “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, có câu thơ về sông Hồng, đến giờ hẳn nhiều người còn nhớ: Hỡi Sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Không hề cực đoan khi nói rằng không có sông Mẹ thì không có Hà Nội. Dòng sông gắn với vận mệnh dân tộc Việt và những bước thăng trầm của Thủ đô nghìn năm tuổi. Hơn nghìn năm trước, đức vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về Hà Nội bây giờ là vì nhìn ra thế đất tựa lưng vào núi, hướng mặt ra sông. Và cái tên Thăng Long vụt đến khi một buổi tiết thu hơn nghìn năm trước, trên thuyền rồng nơi dòng sông Mẹ, đức vua nhận ra dáng rồng bay lên... Cái tên Hà Nội sau này, cũng xuất phát từ địa thế của Thủ đô có dòng sông Mẹ bao bọc bên ngoài. Nhờ có dòng sông Mẹ, Hà Nội mới có hệ thống những hồ tự nhiên chằng chịt, tạo điểm nhấn tự nhiên hài hòa, cảnh vật, con người bốn mùa nhuần nhị…
Không có sông Hồng chẳng thể có Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội. Dòng sông không chỉ là một phần của đời sống Thủ đô. Thử tưởng tượng một ngày tít mù xa nào đó thức dậy không còn sông Hồng, thì Thủ đô Hà Nội sẽ ra sao?
Vậy thì người Hà Nội ứng xử thế nào với Sông Mẹ cho phải đạo?
Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, một ngày nào đó sông Mẹ không thể cất lên khúc hát “chảy đi sông ơi”… Thì cứ những công trình thủy điện nơi thượng nguồn lần lượt dựng lên chắn giữ nguồn nước về xuôi! Thì cứ những cống xả thải của bao khu công nghiệp, khu dân cư san sát hai bên bờ sông không qua xử lý cứ mặc nhiên tuôn chảy ra sông! Thì cứ nhà cửa, công trình thi nhau lấn sông, thu hẹp dòng chảy! Một lúc nào đó sông sẽ nghẹn dòng, sẽ trơ đáy. Mùa lũ không còn lũ, mùa khô có thể thung thăng lội bộ qua sông. Cả một hệ sinh thái sông Mẹ sẽ vĩnh viễn biến mất, và nền văn minh sông Hồng không khéo chỉ còn trong hoài niệm. Và nguồn nước, nước mặt, nước ngầm nuôi nấng, tắm mát cư dân và vạn vật sẽ trôi tuột về đại dương, trốn triệt tận chín tầng âm!
Suốt trăm năm đô hộ, người Pháp dựng được một chiếc cầu vượt sông Hồng mang tên Long Biên. May mắn, đó không chỉ là phương tiện giao thông, mà còn là công trình kiến trúc đặc sắc. Ngót thế kỷ, cây cầu chứng kiến bao sự kiện bi hùng của Hà Nội, cũng là của dân tộc. Có thể nói cây cầu đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh giao thông đôi bờ, và trở thành thứ di sản hiện hữu lâu bền trong lòng người Việt Nam…
Sau 60 năm tiếp quản Hà Nội từ tay thực dân Pháp, Hà Nội lần lượt có thêm Thăng Long, Chương Dương chia sẻ gánh nặng giao thông, nhưng về mặt nghệ thuật kiến trúc, không có gì để so với Long Biên. Dịp hướng tới nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, thêm Thanh Trì, Vĩnh Tuy vượt sông Hồng. Xi măng cốt thép hoành tráng rộng dài, nhưng cũng chẳng mấy ấn tượng về mặt tạo dáng. May ra cây cầu Nhật Tân người Nhật giúp xây dựng đang hoàn thiện có thể tạo nên một điểm nhấn kiến trúc làm hài lòng người Hà Nội…
Cây cầu qua sông là biểu tượng của văn minh, văn hóa, là thể hiện cái cách ứng xử của con người với con người, của con người với tự nhiên. Đáng mừng mà cũng đáng buồn, khi dòng sông Mẹ gắn với vận mệnh, số phận Thủ đô nước Việt, cho đến giờ, có chừng ấy cây cầu, và những cây cầu chỉ đơn thuần về mặt thực dụng giao thông!
Nhìn sang những dòng sông chạy qua thủ đô các xứ sở quanh ta với hệ thống những cây cầu đẹp mỹ mãn, không thể không chạnh lòng cho dòng sông Hồng nước Việt! Ngay trong nước ta thôi, dòng sông Hàn chảy qua thành phố Đà Nẵng đã có tới 6 cây cầu, mỗi cây cầu một kiểu dáng kiến trúc, mang những ý tưởng, triết lý khác nhau. Sông Hàn chảy qua thành phố Đà Nẵng như một công viên vĩ đại, dòng sông trở thành trục chính để phát triển thành phố trong hài hòa hệ thống giao thông, cây xanh, công trình kiến trúc!
Dịp nghìn năm Thăng Long-Hà Nội với trăm ngàn lễ hội tưng bừng, tôi từng mơ Hà Nội sẽ có một lễ hội sông Hồng tái hiện từ buổi ban đầu đức Lý Thái Tổ nhìn ra vùng đất “rồng chầu hổ phục”, “núi sông sau trước”để định đô, cho đến thời khắc thiên đô từ Hoa Lư đến thành Đại La và những thăng trầm của dòng sông Mẹ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Nhưng rồi mơ chỉ để mà mơ. Chẳng có một lễ hội nào dành riêng cho sông Mẹ. May còn có con đường gốm sứ chạy dọc con đê như một món quà mọn mừng sông Mẹ nhân dịp Thủ đô nghìn năm tuổi.
Những ngày Hà Nội tưng bừng hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng, tôi lại mơ… Mơ sông Mẹ không còn nhếch nhác, xô bồ. Mơ một đại lộ mang tên Sông Hồng nối trung tâm Thủ đô với dòng sông Mẹ sẽ tượng hình, ít ra là trong ý tưởng. Mơ sông Hồng khơi thông dòng chảy bốn mùa cho những chuyến tàu hàng, tàu khách cập bền đôi bờ, ngược thượng nguồn, xuôi ra biển, đều đều tiếng còi tàu âm âm sông nước.
Tôi mơ Hà Nội sẽ có một quảng trường bên bờ sông Mẹ mang tên Thăng Long dành cho những sự kiện lễ hội lớn. Không gian nào cho quảng trường Thăng long? Ví như một ngày kia Hà Nội sẽ xây cầu Long Biên mới và giữ lại cây cầu Long Biên trăm tuổi di sản? Ví như chợ đầu mối dưới gầm cầu Long Biên di sản sẽ dời qua bên kia sông? Không gian giữa Long Biên di sản và Long Biên hiện đại với khu đất chợ đầu mối một thuở kéo ra tận bờ sông Mẹ sẽ là không gian lý tưởng cho quảng trường Thăng Long bề thế hiện đại hài hòa nối sông với phố…
Cả triệu cư dân sống nhờ sông Mẹ sẽ cùng cất lên khúc hát chảy đi sông ơi…và, sông Hồng lại cất lên tiếng hát bốn ngàn năm…./.