Hãy chọn cho mình quan niệm đúng về hạnh phúc!
VOV.VN -Mỗi người hãy chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc, làm sao tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống, làm lan tỏa những điều tốt đẹp
Hôm qua, tôi tình cờ đọc được trên mạng lời của một giảng viên trường đại học, nhắn gửi các em sinh viên hay kêu ca, than thở. Mấy em than sắp bị “đuổi” ra khỏi trường đại học (sắp tốt nghiệp), sẽ thất nghiệp, dự định đi bán hàng chỗ này kia để kiếm sống...
Và vị giảng viên trường đại học cho rằng, “khi học trong trường không thật sự nỗ lực, không quyết chí rèn nghề, thì học xong mấy năm chả có gì mang đi xin việc.
Nên trách mình sống hời hợt, lười nhác.
Đừng trách nhà trường, đừng than gia cảnh...”,
Tôi cho rằng lời nhận xét này thật quá đúng.
Thời gian không chờ đợi ai, hãy sống sao để không phí hoài tuổi trẻ |
Tôi đã từng thử làm một cuộc khảo sát nhỏ: trong khi trò chuyện, hỏi các bạn trẻ học sinh trung học và cả sinh viên đại học, xem họ thích những gì và muốn làm nghề gì trong một tương lai không xa… Thật bất ngờ là khá nhiều bạn trả lời: không biết mình thích gì, không xác định được sau này mình sẽ làm gì (hay ít nhất là mình muốn được làm gì).
Rõ ràng, ai cũng mong muốn có được công việc tốt sau này, có cuộc sống tốt; nhưng làm thế nào để đạt được điều đó thì rất nhiều bạn trẻ lại thấy mông lung, không xác định được.
Hãy thử hình dung, xã hội sẽ ra sao khi có nhiều người trẻ tuổi không tìm thấy chỗ đứng của mình, không cảm thấy hạnh phúc?
Vài năm trước, các tác giả Takashi Maeno, Masao Saeko và Yui Shinoda của Đại học Keio Nhật Bản đã tiến hành khảo sát các nghiên cứu liên quan đến hạnh phúc của con người. Họ chỉ ra rằng, kể từ năm 1990 đến nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu về hạnh phúc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự giàu có về vật chất không phải là yếu tố căn bản mang lại hạnh phúc cho chúng ta.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nhiều điều thú vị, đó là: 1) phụ nữ thường dễ cảm thấy hạnh phúc hơn so với nam giới, 2) người có sức khỏe tốt thì hạnh phúc hơn, 3) tăng thu nhập làm cho con người hạnh phúc hơn, 4) quen biết nhiều người khác nhau làm cho con người hạnh phúc hơn, 5) có mục đích trong cuộc sống làm cho con người hạnh phúc hơn, 6) có niềm tin tôn giáo làm cho con người hạnh phúc hơn, 7) sống lạc quan sẽ hạnh phúc, 9) sự tỏ lòng biết ơn làm cho con người hạnh phúc hơn, 10) tạo ra những thứ đẹp đẽ để chiêm ngưỡng cũng làm cho mọi người hạnh phúc hơn.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Keio Nhật Bản sau những công trình khảo sát nghiên cứu, rút ra kết luận rằng các nhân tố liên quan đến hạnh phúc của mỗi người có thể được chia thành 2 loại: positional và non-positional (tạm hiểu: loại định giá được và không định giá được). Loại định giá được (thường là vật chất như tài sản, xe đẹp, nhà đẹp, vị trí công việc tốt…) là nhân tố không bền vững, không ổn định. Loại không định giá được (uy tín trong nghề nghiệp, tình yêu, tình cảm với gia đình, quan hệ với bạn bè…) lại có ý nghĩa hơn và lâu bền hơn.
Sau đó nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích các yếu tố không định giá được mà có tác dụng làm cho con người ta cảm thấy hạnh phúc, như: có lòng tốt, không từ bỏ hy vọng, có động lực làm việc, có mục đích rõ ràng, có tinh thần lạc quan, có mối quan hệ tích cực với những người khác… (Hòa bình, an toàn và sức khỏe là những nhân tố không được đưa vào khảo sát mà coi như mặc định đã có). Cuối cùng, nhóm nghiên cứu kết luận: bốn yếu tố quan trọng giúp con người tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống, đó là: 1) Sống có mục đích và luôn học hỏi những điều mới, 2) Phải có lòng biết ơn và sự tử tế giữa con người với nhau, 3) Có thái độ sống tích cực và lạc quan, 4) Luôn là chính mình, kiên định lối đi của riêng mình.
Dĩ nhiên, như đã nói ở trên, có rất nhiều nghiên cứu khác nhau trên thế giới về vấn đề hạnh phúc, con người làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc. Mỗi người, nhất là các bạn trẻ, hãy chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc. Trước ngưỡng cửa cuộc đời, phải xác định được mục đích sống của mình là gì và không ngừng học hỏi. Những năm tháng trong trường học là thời gian để “nạp” kiến thức và kỹ năng cần thiết làm hành trang khi bước vào đời. Hãy trung thực và nghiêm khắc với chính bản thân mình, để biết ơn những gì gia đình, bạn bè, xã hội đã làm cho mình và thấy trách nhiệm của mình không chỉ “nhận” mà phải biết đóng góp, chia sẻ.
Vấn đề cốt lõi nhất là làm sao tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống và làm lan tỏa những điều tốt đẹp. Khi đó, có thể bạn sẽ thấy hạnh phúc./.