Lo âu khiến chúng ta bất chấp
VOV.VN -Nỗi sợ hãi và âu lo không được giải tỏa đã tích tụ lại, gặm nhấm tính hào sảng, khoan dung, đẩy con người ta xuống vực thẳm của sự lạnh lùng, vô cảm...
Các vụ cháy nhà liên tiếp xảy ra gần đây dẫn đến những cái chết đau lòng, có vụ cả gia đình chết hết mà nguyên nhân chính là nhà chỉ có một lối thoát duy nhất lại được khoá kiên cố, được bố trí lắt léo, phức tạp với mục đích gây khó dễ cho phường đạo chích nhưng cuối cùng lại gây hoạ cho chính gia đình mình.
Báo chí và mạng xã hội đưa tin dày đặc vụ hai người bán tăm ở Sóc Sơn bị đánh hội đồng vì bị nghi ngờ là bắt cóc trẻ con. Trước đó không lâu, tại Hải Dương, mấy vị khách đi mua gỗ cũng bị cho là bắt cóc trẻ con và bị đốt xe ô tô, may mà thoát được thân, bảo toàn được tính mạng.
Hai người phụ nữ bị đánh oan nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Vietnamnet) |
Từ hai sự kiện trên đủ để đưa ra lời cảnh báo cho một bi kịch của con người và cũng là bi kịch của xã hội khi sự lo âu khiến chúng ta bất chấp tất cả, từ mạng sống của người khác và kể cả mạng sống của mình.
Ở ta nhà phố phần lớn là nhà ống, chỉ có một cửa ra vào, thường được khoá cực kỳ chắc chắn. Sự chắc chắn ấy đôi khi còn là niềm tự hào.
Khi thiết kế những cách cổng và cửa, lồng sắt chuồng cọp vững chắc này, người dân thừa biết hiểm nguy rình rập khi hoả hoạn xảy ra, nhưng đạo chích nhòm ngó hàng ngày nên nỗi lo an ninh thường trực hơn, phổ biến hơn. Do đó ưu tiên hàng đầu của người dân là phải lo đối phó với trộm cướp chứ không phải với bà hỏa.
Bà hỏa hỏi thăm là do sự chủ quan và bất cẩn của chính mình gây ra, còn trộm cắp thì đến bất kỳ, đối phó rất khó nên nỗi lo về an ninh khiến chúng ta quên mất mạng sống của chính mình và người thân. Sự bất an trong cuộc sống dẫn tới những cách đối phó tiêu cực theo kiểu bất chấp như thế.
Chuyện bắt cóc phụ nữ và trẻ em chẳng biết thực hư ra sao nhưng mạng xã hội đưa loạn xị, lại được minh họa bằng những hình ảnh mổ lấy nội tạng rất rùng rợn khiến cho nhân dân bất an. Những vụ này, dù phần lớn là hoang tin, sau đó cũng đính chính, nói lại, nhưng mờ nhạt và yếu ớt nên chưa đủ sức thuyết phục người dân. Họ vẫn canh cánh âu lo.
Làm sao không lo cho được khi trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, là nhóm yếm thế trong xã hội. Chính vì thế nên bất kỳ một tác động nhỏ nào vào nhóm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới từng gia đình, mỗi cá nhân và tạo ra làn sóng dư luận mạnh mẽ.
Tôi chưa bao giờ cho rằng những người dân đánh chết kẻ trộm chó, hành hung dã man chị bán tăm, người mua gỗ (chỉ vì nghi ngờ họ là kẻ bắt cóc trẻ con) là những kẻ máu lạnh, mất hết tình người. Họ vẫn là những người nông dân chất phác, lương thiện nhưng họ bị ám thị bởi những điều xấu xa trong cuộc sống, họ bị cái ác thôi miên làm mất đi sự tỉnh táo và bao dung.
Nỗi sợ hãi và âu lo không được giải tỏa đã tích tụ lại, gặm nhấm tính hào sảng, khoan dung, đẩy con người ta xuống vực thẳm của sự lạnh lùng, vô cảm và nghi kỵ.
Nỗi sợ hãi và âu lo không có câu trả lời thỏa đáng khiến cho một số người thiếu kiềm chế, thường tỏ thái độ thù địch với xung quanh, sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng xúc cảm thay cho lý trí, thích đối đầu hơn đối thoại. Đấy là điều lý giải vì sao chỉ một va chạm giao thông rất nhỏ nhưng nhiều người sẵn sàng lao vào đâm chém nhau.
Không phải đến vụ đánh hội đồng người bị nghi oan là kẻ bắt cóc mà từ lâu rồi, những vụ đánh chết kẻ trộm chó là chỉ dấu cảnh báo tình trạng thiếu niềm tin vào cơ quan chức năng, vào cách phán xử cũng như tính nghiêm minh của luật pháp.
Tổng thống thứ 32 của Mỹ - Franklin Roosevelt từng trấn an: “Bạn chẳng có gì phải sợ hãi cả, ngoại trừ bản thân nỗi sợ hãi- một sự khiếp đảm không có tên gọi, không đáng có, vô lý, làm giảm những nỗ lực lớn để chuyển đổi từ sự tụt hậu sang sự tiến bộ.”
Trên phạm vi toàn cầu, xã hội hôm nay đã an toàn hơn trước nhiều, nhưng ở nơi này nơi kia vẫn còn nhan nhản những nỗi sợ hãi và âu lo, có tên gọi, có hình hài hẳn hoi, nhìn thấy được và thực tế đã diễn ra nên nó không chỉ trì hoãn “sự tiến bộ” mà còn phá hủy niểm tin và đạo đức một cách ghê gớm./.