Lùm xùm quanh Tân Hiệp Phát:Sợ sự cuồng nhiệt của đám đông
VOV.VN -Tôi không ủng hộ cách xứ lý tình huống của Tân Hiệp Phát, nhưng cũng không đồng tình với những ai đang tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát.
Nếu lúc này ai tuyên bố nên bình tâm, rộng lượng, ủng hộ để Tân Hiệp Phát phát triển, tôi tin chắc sẽ bị ném đá!
Xin hãy thử một lần đặt mình vào doanh nghiệp sẽ thấy nỗi sợ của họ.
Doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với vô vàn sự phức tạp. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ, kể cả trong nước và nước ngoài với vô số chiêu trò, kể cả những biện pháp không minh bạch khó có thể chỉ ra một cách sòng phẳng. Để làm được một dự án, họ phải qua rất nhiều cửa, phải “bôi trơn” khá nhiều tiền (từ nhân viên đến quan chức)..., họ phải tiếp và tìm cách "chiều" đủ loại người có chút quyền lực trong xã hội kể cả… không ít nhà báo.
Dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát. |
Họ lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cho sản phẩm của mình. Họ vất vả đáp ứng yêu cầu quản lý, sự soi chiếu của nhiều cơ quan chức năng như thuế, công an, hải quan, chính quyền, quản lý thị trường, thanh tra lao động, môi trường, đất đai, tài chính, thanh tra giao thông, phòng cháy chữa cháy, nước sạch, điện lực, thanh tra văn hóa…. Họ sợ các "nhà" xin tài trợ quảng cáo làm từ thiện, sợ sự làm phiền của những người chuyên đứng ra tổ chức các giải thưởng… và đặc biệt sợ những người tiêu dùng chỉ chực săm soi sản phẩm lỗi để ra giá, mặc cả.
Nếu tôi là Tân Hiệp Phát, tôi sẵn sàng công khai thông tin sản phẩm bị nghi có ruồi, bồi thường thậm chí là thưởng thỏa đáng cho người phát hiện ra nó. Tôi sẵn sàng thông báo rộng rãi với công chúng (có thể do lỗi của quy trình sản xuất, có thể do đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, có thể lòng tham của người tiêu dùng tìm cách làm hỏng sản phẩm…). Tôi tin khách hàng sẽ hiểu và thông cảm hơn.
Tân Hiệp Phát chịu tổn thất nặng nề bởi các chiêu cạnh tranh không lành mạnh? |
Theo dõi vụ án, tôi nghiêng về lên án lòng tham của khách hàng… Họ bị xử lý theo luật hình sự là đúng. Nếu cả thùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát mới đây thấy cặn mà vớ được khoảng 10 hay 15 khách hàng tham lam cũng chia sẻ kinh nghiệm với mục đích bắt bí để (cưỡng đoạt) lấy tiền, thì liệu có thể tồn tại được hay không? Có đủ tâm trí làm việc tốt để sửa chữa sai sót, nâng cao chất lượng sản phẩm nữa không khi mà thời gian chỉ dành cho xử lý sự cố, đối phó với dư luận?
Tôi không ủng hộ cách xứ lý tình huống của Tân Hiệp Phát, nhưng cũng không tẩy chay hay đồng tình với những ai đang tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát.
Sự ồn ào, cuồng nhiệt của số đông đôi khi có thể giết chết một doanh nghiệp hay hủy hoại thanh danh một con người. Lắm khi sự cuồng nhiệt đó không phải bảo giờ cũng đúng.
Vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, một số đông phản ứng quyết liệt bằng cách đập phá nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, khiến họ thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Tôi ủng hộ lòng yêu nước và sự nhiệt tình của họ, nhưng không đồng tình với cách ứng xử ấy.
Bác tôi năm nay hơn 90 tuổi đã từng dặn tôi: “Nếu thấy số đông tiền hô hậu ủng thì nên tránh xa”. Tôi hỏi lại “Vì sao vậy?”. Bác trả lời: “Bài học về cải cách ruộng đất”. Ông ngoại tôi từng được ca ngợi là “Bạch đầu quân” vì nêu gương gánh nhiều thóc ủng hộ Việt Minh. Nhưng không hiểu thế nào đến khi cải cách ruộng đất, ông bị quy địa chủ bóc lột, bị tống giam, đánh đập, tra khảo, quy chụp… nói tóm lại là bị làm nhục trước một đám đông cuồng nhiệt. Vốn được giáo dục bài bản, bác tôi lên tiếng phản đối sự vu cáo tại cuộc đấu tố lần thứ ba ở sân đình làng. Ngay lập tức, bác nhận được những tiếng la ó, chửi bới, phỉ nhổ … đồ hèn, đồ ngu, đồ ủng hộ những kẻ "bóc lột ông bà nông dân", rồi bị bắt, bị trói, bị đánh … cho đến khi chấp nhận sự im lặng...
Lịch sử và những thăng trầm đã qua nhắc nhở chúng ta nên bình tâm, thận trọng, giữ cho được thái độ khách quan, xây dựng. Hành vi của chúng ta có thể góp phần, dù nhỏ, mở đường đi lên cho một con người, một doanh nghiệp. Và ngược lại, nó có thể tạo ra một sự hủy hoại ghê gớm... /.