Nên đến Vương quốc Bỉ một lần!
(VOV) - Lối sống và môi trường xã hội nước Bỉ khiến người ta phải thích thú tìm hiểu với sự thán phục, thậm chí...thèm thuồng.
Cuộc đời nhiều khi không phức tạp như ta nghĩ và đôi khi niềm vui là những thứ giản dị vô cùng bởi nó đến từ tự nhiên, đơn giản như là không khí vậy. Tôi đang nói nghĩa đen 100% đấy. Cứ thử đặt bạn vào trung tâm của một con đường tắc một ngày mùa hè rực rỡ, ngay sau ống xả của một chiếc xe buýt, nhích sang không được, nhích xuống không xong. Hỡi quí cô sành điệu chỉ dùng nước hoa Channel 5, bạn ước gì?
Cách đây 10 năm, tôi từng mắt chữ O, miệng chữ A khi chứng kiến ở ngoại thành Paris, người ta không quét đường mà dùng máy để thổi, để gom lá cây ngoài đường vào xe rác. Phải sạch đến cỡ nào thì người ta mới dùng máy thổi để vệ sinh nơi công cộng trong khi đến nhà mình cũng phải dùng máy hút bụi chứ máy thổi ư?- Xin lỗi nhé, không có trong từ điển.
“Rừng” trong phòng làm việc |
Thế nên lần này sang Bỉ, xin đừng ngạc nhiên nếu thấy thỉnh thoảng tôi lại giang rộng hai tay, hít lấy hít để không khí trong lành của Brussels – nơi được mệnh danh là rừng trong thành phố. Và cũng xin đừng ngạc nhiên khi ai đó vô tình thấy tôi cứ xăm xoi những túi rác của người dân để ngoài cửa. Người dân ở đây rất có ý thức phân loại rác nên ngoài cửa hầu như có đến 3 loại túi đựng rác khác nhau.
Ở Đài Phát thanh - Truyền hình Quốc gia RTBF, nơi tôi đến làm việc, tôi cũng bắt gặp “rừng” trong phòng làm việc, tại sảnh cơ quan. Cây xanh được “vinh danh” khắp nơi. Ở mỗi dãy bàn làm việc đều có 3 thùng rác được phân loại. Gọi là thùng rác nhưng đó chỉ đơn giản là những hộp các tông đựng giấy được tận dụng. Ngoài hành lang, cứ 5 bước chân lại có một thùng rác xịn. Nói theo thuật ngữ thể thao thì đây là trường hợp đá bóng ra ngoài khung thành còn khó hơn.
Bỉ nổi tiếng với rất nhiều loại bia ngon. Người Bỉ ngồi quán vỉa hè uống bia vừa để thưởng thức chất men tuyệt hảo vừa để sưởi nắng và hít thở không khí trong lành. Bởi thế họ có thể ngồi rất lâu nhưng chỉ uống một đến hai cốc chứ không phải uống để 1, 2, 3 dzô như ở ta. Mẹ chồng tôi mà nghe loáng thoáng thấy bảo ra vỉa hè ngồi uống bia thế nào cũng mắng: “Ra đó ngồi để mà hít bụi à”. Ở đây, cứ ra khỏi nhà là không khí trong lành khắp nơi.
Uống bia ở vỉa hè |
Tiện nói đến vỉa hè, ở Bỉ vỉa hè rộng thênh thang và cửa nhà ai người ấy chịu trách nhiệm. Nếu để bẩn, không sạch khiến khách bộ hành bị ngã thì tha hồ mà đền. Mùa xuân thì đỡ chứ mùa đông mà không thường xuyên quét tuyết, ai đi qua trơn ngã cứ thế mà bồi thường.
Có thông tin này các bà vợ Việt sẽ rất thích, đó là các công dân Bỉ đi làm xong thường về thẳng nhà, muốn đi chơi cũng khó vì đa số quán xá, cửa hàng sẽ đóng cửa trước 18h, trừ một vài dịch vụ cá biệt như hộp đêm, một ít siêu thị phục vụ 24/24. Kể cũng lạ, tầm này mùa xuân 20 giờ đêm trời vẫn sáng như ban ngày mà đường phố đã vắng tanh. Căn nhà tôi thuê cứ đúng 20h là cửa sổ được hẹn giờ tự đóng lại, trong phòng tối om phải bật đèn. Vợ chồng chủ nhà là Việt kiều và một đứa con nhỏ vào giờ đó sẽ bắt đầu làm vệ sinh cá nhân chuẩn bị đi ngủ. Họ cần ngủ sớm, ngủ đủ cho một ngày mới minh mẫn, làm việc hiệu quả.
Căn hộ tôi thuê nằm trên một đại lộ gần trung tâm, tôi hay ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn xe cộ qua lại. Người Bỉ chẳng bao giờ đi lấn vạch, họ thường đỗ cách vạch 1-3 mét, xe sau cũng đỗ cách xe trước như thế. Để đến nơi làm việc, tôi phải đi bộ hơn 1km và 5 lần sang đường. Mỗi lần sang đường là một lần thú vị, dù tôi chưa có ý định sang đường thì ôtô luôn đỗ lại và chủ phương tiện thường mỉm cười ra hiệu nhường đường mời tôi bước qua. Nhiều lúc đèn còn đỏ nhưng họ vẫn chủ động đỗ lại với nụ cười thân thiện. Điều này nhiều người Paris sang đây cũng phải thốt lên: Thật là tuyệt!
Người dân thì rất thân thiện, họ có thể đứng chờ với nụ cười thông cảm và nhất quyết không bước qua khi bạn đang tạo dáng chụp ảnh ngoài phố. Họ còn chủ động hỏi xem mình có muốn họ chụp giúp cho không. Có lần chúng tôi loay hoay giở bản đồ thì họ cũng chủ động tiến đến hỏi có cần giúp đỡ chỉ đường không.
Bỉ nổi tiếng về giáo dục chất lượng cao. Thày giáo không bao giờ áp đặt học sinh. Nếu bạn là du học sinh, câu đầu tiên thầy giáo hỏi bạn là: Em muốn học cái gì? Chứ không phải là: Em phải học cái này! Lập Thu, một nghiên cứu sinh xã hội học nói với tôi: Học sinh ở đây học sướng lắm. Một trong những niềm đam mê của thày cô giáo bên này hình như là việc tìm cách cho học sinh được chơi càng nhiều càng tốt, chơi mà học, học mà chơi. Học sử thì vào bảo tàng, học sinh vật thì vào rừng, học về nghệ thuật thì đi đến nhà hát, galerie…
Trẻ em Bỉ |
Tôi làm việc cùng nhóm với một phóng viên xã hội của kênh phát thanh truyền hình Vivacites. Anh này có con trai 5 tháng tuổi gửi nhà trẻ công từ lúc bé mới 3 tháng. Tôi buột miệng hỏi: “Cháu bé thế vợ chồng anh đem gửi không lo lắng gì à?”. Anh hỏi ngược lại vẻ ngạc nhiên:”Lo lắng gì?”. “Thì chăm sóc không tốt”- tôi nói. Anh bảo: “Đương nhiên là phải tốt rồi vì họ được đào tào để làm việc đó”. Tôi chả dám hỏi thêm vì bỗng thấy mình vô duyên. Tôi đem những câu hỏi tương tự về hỏi vợ chồng Việt kiều chủ nhà. Họ cũng ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi và cho biết họ không có bất cứ lo lắng gì khi gửi trẻ. Luật ở đây, người mẹ được nghỉ có lương 100% trong 3 tháng. Người cha cũng được nghỉ khoảng 10 ngày. Sau đó, họ có thể quyết định gửi trẻ để đi làm hoặc ở nhà chăm con thêm 4 tháng. Trong 4 tháng đó người mẹ được nhà nước trả 600 euro mỗi tháng và cơ quan không được phép sa thải.
Bỉ rất coi trọng những gì đảm bảo cơ bản nhu cầu thiết yếu của đời sống con người. Ví dụ điển hình mà ai cũng biết đó là nước máy rất sạch (không nhiễm độc asen) đủ tiêu chuẩn uống thẳng. Nước khoáng đóng chai được khuyến khích dùng với giá rẻ hơn ở Việt Nam. Sữa được coi là thực phẩm cơ bản nên được chính phủ trợ giá vì thế mức giá khá ổn định và rẻ hơn ở Việt Nam chỉ bằng từ 25 đến 50%.
Sữa của Bỉ vừa ngon vừa bổ, là nguồn bổ sung canxi tự nhiên chống loãng xương nên khi sang đây tôi đã tranh thủ uống. Nhưng lạ thay suốt thời gian ở đây, tôi có thể ăn táo cả vỏ không rửa, có thể ăn quả xanh uống nước lã mà không sao nhưng uống sữa – một thứ thực phẩm rất lành thì lại bị đầy bụng. Không chỉ tôi mà đa số người Việt đều bị như vậy. Thì ra, đa số người Việt Nam ít được uống và không có thói quen uống sữa nên cơ thể không còn thích nghi với sữa (do thiếu men tiêu hóa chất đường lactose).
Một trong những điều đáng nói là trợ cấp thất nghiệp ở Bỉ khá cao, khoảng 33 ngàn euro/năm (cao hơn Đức và Anh) và có thể kéo dài đến tuổi nghỉ hưu nếu như định kỳ công dân đó chứng minh được là họ vẫn đang đi tìm việc.
Bỉ rất quan tâm và có chính sách hỗ trợ với những bà mẹ đơn thân nuôi con. Bà Julie sống ở Charleroi, cách Thủ đô 50km, có 4 đứa con. Đã hơn 15 năm sống nhờ vào trợ cấp thất nghiệp, hiện nay số tiền trợ cấp là hơn 1000 euro, bà vẫn nuôi 1 đứa con học đại học, 3 đứa học Phổ thông và cấp 2. Bà đã du lịch đến Thái Lan và New Zealand nhờ vào tiền bà tiết kiệm được từ trợ cấp thất nghiệp.
Không chỉ với con người, Bỉ cũng rất coi trọng những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của loài vật. Có thể với nhiều người Việt, cụm từ Nhân quyền (human right) nghe khá quen tai nhưng cụm từ Quyền lợi động vật (animal welfare) có khi là lần đầu tiên. Ở nước này, đây là cụm từ khá phổ biến. Đó là trách nhiệm đạo đức nhằm đảm bảo tình trạng khoẻ mạnh cho động vật, đáp ứng các nhu cầu về thể chất và tinh thần của con vật.
Theo đó, bảo vệ quyền lợi động vật là trách nhiệm của con người bao gồm sự quan tâm tới tất cả các mặt liên quan đến sức khoẻ động vật, như chuồng nuôi, quản lí, dinh dưỡng, phòng và trị bệnh hợp lý, chăm sóc có trách nhiệm, cách đối xử nhân đạo và khi cần thiết thì ban cho cái chết không đau đớn.
Những ngày làm việc cùng với các phóng viên chính trị-xã hội Bỉ, một trong những chủ đề nóng của truyền thông Bỉ là những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đến đất nước này. Ảnh hưởng rõ ràng nhất đó là thất nghiệp gia tăng. Giải quyết việc này là chuyện của chính phủ, người dân có quyền chất vấn trách nhiệm của chính phủ về điều này. Còn người dân và môi trường xã hội mà tôi biết thì không khủng hoảng đến mức ghê gớm như tôi đã từng mường tượng trước khi đến đất nước này.
Nhưng người Bỉ không nghĩ như tôi, họ không hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng về cuộc sống thực tại của họ, họ sống trong sự ám ảnh của suy thoái kinh tế, của biến đổi khí hậu, của thực phẩm biến đổi gien, của tương lai ùn tắc giao thông và sự khó khăn trong việc kiếm chỗ đỗ xe trong trung tâm hay của các sự kiện nóng bỏng đang diễn ra trên chính trường thế giới... Nhưng điều “ám ảnh” nhất đối với người Bỉ lại là yếu tố tinh thần-đó là một vấn đề vô cùng nan giải bởi thật khó mà len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn của từng người để chuẩn hóa nó bằng một hệ thống ISO nào đó…Và điều dễ hiểu vì sao họ không chen chân nổi vào tốp 10 của chỉ số Hành tinh Hạnh phúc (HPI) trong khi Việt Nam đàng hoàng chiễm trệ giữ vị trí á quân. /.