Nhà văn Tô Hoài: Bên ông là những số phận khuất chìm
VOV.VN - Với cuộc đời và tác phẩm, Tô Hoài làm chúng ta tin rằng: Ở đâu có Con Người với sự trân quý đến tận cùng, ở đó có văn chương nghệ thuật.
Nhà văn Tô Hoài từ giã cõi đời vào thời điểm cộng đồng mạng bàn nhiều về văn hóa đọc và cách ứng xử với sách. Có hai luồng dư luận “nghịch” nhau ở cách quan niệm về sách. Một bên cho rằng những cuốn sách chỉ là lớp vỏ vật chất; bên kia lại “thiêng hóa” cuốn sách, cho đó là một biểu tượng chuyên chở tinh thần, giá trị nhân loại.
Nhà văn Tô Hoài (Ảnh: An Thành Đạt)
Với Tô Hoài, mọi giá trị hình như không còn nằm trong từng trang sách nữa, mặc dù các đầu sách ông để lại cho đời vẫn mãi là những biểu tượng của một thế hệ nhà văn hào hoa, khác lạ, và văn chương đã vượt ra khỏi giai đoạn minh họa và giăng mắc khẩu hiệu. Chú dế nhỏ mọn nhờ ông mà sống thêm một đời sống có xương có thịt và một linh hồn đồng điệu với con người.
Các giá trị đã được nhà văn trao gửi vào những kiếp người, năm này qua năm khác, thời này qua thời khác, chưa cũ bao giờ. Vẫn còn đâu đó trong cuộc sống đầy gian truân những chú dế mèn can trường; những O chuột, những số phận người dân miền núi kiên gan; những Xóm nghèo, Nhà nghèo soi bóng nhân dân trùng điệp như núi cao, như cỏ biếc... Ông là nhà văn của Hà Nội xưa cũ nhưng lại gửi cả tình yêu của mình nơi Tây Bắc xa mờ.
Tô Hoài gửi lại nhiều câu văn mẫu mực. Nhưng đọng lại trong cái vỏ chữ nhấp nháy đó là một vi chất tinh thần trong như giọt sương sớm khẽ đậu vào cuộc đời. Mong manh mà bền vững đến huyền diệu.
Đọc ông, người ta thấy một tầm mức văn hóa, ẩn chứa dòng chảy dạt dào mà không hề khoe mẽ. Tác phẩm của ông có những tiếp biến thú vị mà người đọc, người nghe cảm được đâu đó trong tác phẩm của những thế hệ bạn bè văn chương nghệ thuật của ông.
Bìa cuốn sách "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài
Gặp ông trong câu thơ xuất thần của “cậu bé thơ” Trần Đăng Khoa: “Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu” hay “Bài ca trên núi” bất hủ của Nguyễn Văn Thương với những câu hát đẹp như mối tình của A Phủ và Mỵ: “Trời chỉ có, chỉ có sao sớm sao chiều/Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau...”. Tác phầm văn học, bộ phim và bài hát đã quyện thành một bức tượng nghệ thuật, vượt ra khỏi chiều kích của cuốn sách.
Với cuộc đời và tác phẩm, Tô Hoài làm chúng ta tin rằng: Ở đâu có Con Người với sự trân quý đến tận cùng, ở đó có văn chương nghệ thuật. Chữ Người viết hoa không treo gửi vào những cái mắc vay mượn “đạo đức” nào, mà sống hòa vào những kiếp đời khuất chìm nhưng đầy kiêu hãnh./.