Những ai đã biết thông tin này ?
(VOV) - Nhiều người chủ quan không bao giờ nghĩ mình có thể bị dương tính với HIV vì không có yếu tố nào có thể tạo nên tình trạng đó...
Còn vài ngày nữa là kết thúc tháng 6 - tháng được nhiều người nói đến với những ngày đáng nhớ mang nhiều ý nghĩa bởi liên quan trực tiếp đến mỗi người, mỗi gia đình. Đó là tháng có ngày Tết thiếu nhi 1-6, là tháng có Ngày gia đình Việt Nam 28-6.... Nhưng đã 3 năm nay, tháng 6 hàng năm là tháng "Tháng cao điểm phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con" thì liệu có bao nhiêu người đã biết. Và liệu có ai biết rằng người mẹ dù bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra em bé hoàn toàn không bị lây nhiễm trong khi có những phụ nữ mang thai ngỡ như vẫn khoẻ mạnh hoá ra lại đang bị nhiễm và sinh ra em bé bị nhiễm HIV?.
Một chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng của nước ta là đến năm 2015 không có trẻ em sinh ra bị lây nhiễm mới HIV từ mẹ. Đây cũng chính là mục tiêu mà nước ta đã cam kết thực hiện với Liên hợp quốc.
Bác sĩ Hồ Mai Hoa, Trưởng khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và Nam học thuộc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Hà Nội cho biết, tất cả phụ nữ mang thai cần phải được xét nghiệm phát hiện HIV ở tuần mang thai thứ 14. (nếu để chậm hơn việc xét nghiệm và điều trị sẽ ít hiệu quả). Sau khi xét nghiệm, nếu phát hiện nguời mẹ nhiễm HIV, sẽ có ngay vắc xin cho người mẹ để em bé khi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Tất cả các thủ tục, xét nghiệm, chi phí vắc xin, điều trị này hoàn toàn miễn phí cho bất cứ ai. Thế nhưng câu hỏi cũng lại được đặt ra ở đây, là liệu có bao nhiêu người biết được thông tin cần thiết đó.
Trong khi nhìn vào con số thống kê liên quan đến căn bệnh thế kỷ này thấy thật lo ngại. Đến cuối năm 2012, số người nhiễm HIV trong cả nước là 206.000, có 59.000 người đang ở giai đoạn AIDS, và 60.000 người đã chết. Trước đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục luôn cao nhất, nhưng nay tỷ lệ này đã nghiêng sang lây nhiễm qua máu (trong đó đương nhiên là từ người mẹ sang thai nhi).
Muốn thực hiện được mục tiêu đến năm 2015 không có trẻ em sinh ra bị nhiễm mới, đơn giản nhất là tất cả phụ nữ mang thai đều phải được xét nghiệm và xét nghiệm đúng thời điểm. Nhưng như đã nói, bao nhiêu phụ nữ mang thai biết thông tin này và khi đã biết thì liệu bao nhiêu người tự nguyện thực hiện. Nói tự nguyện ở đây bởi vì chỉ khi nào phụ nữ mang thai tự nguyện đăng ký xét nghiệm thì động thái quan trọng mà lại rất đơn giản này mới được thực hiện, bởi liên quan đến quyền thông tin về sức khỏe của cá nhân.
Cũng hỏi những người xung quanh xem liệu bao nhiêu người biết thông tin về “Tháng cao điểm phòng chống lây truyền từ mẹ sang con” và sự cần thiết phải xét nghiệm khi mang thai và ngay cả chuyện điều trị rất đơn giản và hoàn toàn miễn phí này. Vấn đề là làm sao để cả cộng đồng biết được sự cần thiết của chương trình và cùng thực hiện. Bác sĩ Hồ Mai Hoa cho biết, việc tuyên truyền thông tin này đã và đang được ngành y tế kết hợp lồng ghép với những chương trình hoạt động khác, như công tác sản, nhưng thực tế thì hiệu quả mang lại rất thấp.
Hầu hết phụ nữ mang thai, ngoài chuyện khám định kỳ thì chủ yếu quan tâm đến giới tính của thai nhi (mà hiện nay đã có quy định cấm thông tin). Nhiều người thì chủ quan không bao giờ nghĩ mình có thể bị dương tính với HIV vì không có yếu tố nào có thể tạo nên tình trạng đó. Những phụ nữ đang bị nhiễm thì chắc chắn không muốn lộ diện.
Thêm vào đó, nghịch lý là xét nghiệm phát hiện HIV bà bầu hiệu quả nhất khi vào tuần tuổi 14 của thai nhi, song lịch khám thai của họ lại được quy định là vào tuần thứ 12. Liệu các bà bầu trong những ngày mệt nhọc ấy có muốn thêm một lần phải đến bệnh viện để thực hiện thêm những công đoạn mà mình thấy chưa thật sự cần thiết( thậm chí không cần thiết) hay không..
Trong khi đó công tác tư vấn tuyên truyền trong ngành y tế thì chưa được quan tâm đúng mức, đơn giản nhưng lại là yêu cầu hàng đầu là không có kinh phí cho công tác tư vấn. Đây là một trong những lý do khiến cho cán bộ y tế ít hào hứng với việc tư vấn cho phụ nữ mang thai đi xét nghiệm, bởi vì thay vì làm thế người ta có thể làm các công việc khác cũng là chăm sóc cho bà bầu nhưng lại được trả thù lao, được tính công điểm.
Quay trở lại chuyện tháng 6 hàng năm có nhiều ngày đáng chú ý, thấy rằng tháng 6 còn có ngày mà rất nhiều người biết đến, trân trọng và tôn vinh. Đó là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam – vẫn được gọi thân thiết là Ngày nhà báo Việt Nam. Nhắc đến ngày này cũng là muốn nhắc đến vai trò trách nhiệm của báo chí, truyền thông đối với việc tuyên truyền những thông tin thiết thực như thế đến với cộng đồng. Một chương trình với “Tháng 6- tháng cao điểm phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con” có từ 3 năm nay mà đến nay chưa được nhiều người biết đến thì thật là đáng tiếc. Để thực hiện được mục tiêu quốc gia quan trọng và đầy nhân văn này, cần có sức mạnh tổng hợp như ta vẫn nói lâu nay./.