Số phận thăng trầm của cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh

VOV.VN - Cầu Long Biên, cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh ở ba miền, nhưng có nhiều điểm tương đồng và đặc biệt là số phận cũng giống nhau.

Cầu Long Biên (Hà Nội, miền Bắc)

Cầu Long Biên được khởi công xây dựng năm 1899 và hoàn thành năm 1902, bắc qua sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng và cây cầu này này là một công trình quan trọng trong kế hoạch khai thác thuộc địa của người Pháp ở Đông Dương. Cầu Long Biên là một huyết mạch nối Hà Nội với vùng Đông Bắc - đặc biệt là cảng Hải Phòng, đầu mối giao thương quốc tế ở miền Bắc Việt Nam.

Cầu Long Biên, một hình ảnh tiêu biểu của thủ đô Hà Nội

Cầu Long Biên có kết cấu thép, trụ bê tông, dài 1682m, gồm 19 nhịp (các nhịp tuần tự cách nhau 75m rồi 106m). Cầu rộng 4,75m dành cho xe lửa ở giữa, hai bên là hai lối đi cho khách bộ hành và ô tô rộng hơn 3m. Đầu cầu phía Tây (nội thành Hà Nội) có cầu dẫn bằng gạch dài 896m, cao 5m, với 125 vòm. Vào thời kỳ mới khánh thành, cầu Long Biên là một công trình kỳ vĩ trên thế giới.

Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là trọng điểm đánh phá của không lực Hoa Kỳ, là nơi hứng nhiều bom đạn nhất ở Hà Nội. Cầu đã nhiều lần bị trúng bom và có những nhịp cầu đã chìm sâu dưới đáy sông. Cây cầu bây giờ không còn nguyên vẹn nữa, những nhịp cầu nhấp nhô bị gián đoạn. Dẫu vậy, Long Biên vẫn giữ vai trò là tuyến giao thông quan trọng.

Cầu Long Biên bị sập bởi bom Mỹ năm 1972 (ảnh tư liệu)

Bây giờ, đã có nhiều cây cầu khác bắc qua sông Hồng, thì cầu Long Biên trở thành cây cầu của người nghèo, gắn bó với những lam lũ, vất vả, nhọc nhằn của Hà Nội. Long Biên trở thành hình ảnh tiêu biểu in sâu ký ức của thủ đô Hà Nội.

Cầu Trường Tiền (Thừa Thiên Huế, miền Trung)

Cầu Trường Tiền nhiều tuổi hơn cầu Long Biên, được khởi công năm 1897 và hoàn thành năm 1899. Cầu được xây dựng theo thiết kế của hãng Eiffel (do kỹ sư Gustave Eiffel sáng lập, nổi danh với công trình tháp Eiffel ở Paris, Pháp). Cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, là đường giao thông quan trọng nối bờ Bắc – Nam sông Hương trên địa phận Kinh thành Huế, là sự khởi đầu cho việc phát triển thành phố Huế về hướng Nam ở đầu thế kỷ 20.

Cầu Trường Tiền, nét thơ xứ Huế

Đây cũng là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép. Trước đó những cây cầu được xây dựng đều là những cây cầu ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ… không bền vững. Khi hoàn thành, cầu có cấu trúc 6 nhịp (mỗi nhịp dài 67m),  chiều dài cầu 402,6m, bề ngang lòng cầu 6m20, mặt cầu lúc đó chỉ mới lát bằng ván gỗ lim. Các vòm nhịp cầu có hình bán nguyệt rất điệu đà duyên dáng, hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay.

Cầu Trường Tiền trải qua nhiều thăng trầm trong thiên tai, chiến tranh và được trùng tu, cải tạo nhiều lần với nhiều thay đổi. Cầu đã đổ trong cơn bão năm Nhâm Thìn (1904), và hai lần bị sập trong chiến tranh (1946 và 1968). Cho tới năm 1991 cầu được trùng tu quy mô, hoàn thành năm 1995, mang vóc dáng như bây giờ.

Không ảnh cầu Trường Tiền bị sập trong chiến tranh, năm 1968 (ảnh tư liệu)

Cầu Trường Tiền là hình ảnh đẹp duyên dáng, lãng mạn của xứ Huế mộng mơ, là biểu tượng của đất cố đô. Cây cầu không chỉ kết nối đôi bờ Bắc – Nam sông Hương mà còn là sự kết nối giữa cũ và mới, giữa lịch sử - quá khứ tới hiện tại, tương lai. Thật khó tưởng tượng Huế không có cầu Trường Tiền.

Cầu Ghềnh (TP Biên Hoà, miền Nam)

Cầu Ghềnh (cùng với cầu Rạch Cát) nối phần đất liền của Biên Hoà với Cù Lao Phố - hòn đảo nằm giữa hai nhánh sông Đồng Nai ở trong lòng thành phố. Đây cũng là cây cầu đầu tiên bắc tới Cù Lao Phố. Trước đó, muốn tới Cù Lao Phố chỉ có cách đi đò. Cầu Ghềnh (cùng với cầu Rạch Cát) được khởi công năm 1901 và hoàn thành năm 1903, là công trình quan trọng trong tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hoà, nằm trong kế hoạch xây dựng và lộ trình đường sắt bắc nam Hà Nội – Sài Gòn.

Cầu Ghềnh cũng do hãng Eiffel (Pháp) thiết kế, có chiều dài dài 224,21 m, gồm 4 nhịp 55,3 m, bao gồm 2 mố và 3 trụ. Đây cũng là cây cầu kết cấu thép, với hình dạng các vòm nhịp cong khá giống với cầu Trường Tiền ở Huế. Đường xe lửa đi ở giữa chung với ô tô, hai bên là hành lang nhỏ dành cho người đi bộ và các loại xe hai bánh.

Cầu Ghềnh là sự khởi đầu cho việc phát triển đường sắt ở Việt Nam nói riêng và đánh dấu cho một giai đoạn phát triển mới ở miền Nam Việt Nam. Vào thời điểm khánh thành, cầu Ghềnh là công trình tầm cỡ của xứ Nam Kỳ, là huyết mạch giao thông cho cả đường sắt và quốc lộ 1. Cầu Ghềnh trở thành một hình ảnh quen thuộc và là biểu tượng của đất Biên Hoà hơn 100 năm qua.

Cầu Ghềnh bị sập ngay trong thời bình

Vào 11h30 ngày 20/3/2016, tàu kéo sà lan 650 tấn chạy từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ giữa (trụ T2) của cầu Ghềnh làm trụ này bị phá hủy hoàn toàn, đồng thời cũng làm cho hai nhịp số 2 và số 3 sập xuống nước. Việc này ghi một dấu ấn đáng buồn cho lịch sử cầu Ghềnh, là sự kiện chấn động Biên Hoà và cả nước, bởi đường sắt Bắc Nam tê liệt không thể thông tuyến. Hiện tại, cầu Ghềnh vẫn đang được cân nhắc nhiều phương án trong kế hoạch trùng tu - khôi phục…

Từ số phận những cây cầu

Ba cây cầu, ở ba miền nhưng có nhiều điểm thật tương đồng. Điểm chung là cùng do người Pháp xây dựng vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; đều là những cây cầu thép; đều lĩnh sứ mệnh quan trọng với những yếu tố “đầu tiên”, đều là biểu tượng vùng đất… Ba cây cầu ấy đều có kiến trúc rất đẹp - điều không thể phủ nhận, và ba cây cầu ấy đều… bị sập.

Cầu Trường Tiền và cầu Ghềnh giống nhau ở hình dáng với những vòm cong, đều do hãng Eiffel thiết kế. Cầu Long Biên và cầu Ghềnh giống nhau ở chỗ là cầu đường sắt chủ đạo. Cầu Long Biên và cầu Trường Tiền giống nhau là đều bị sập bởi bom đạn… Và chúng giống nhau ở tuổi thọ đáng nể với một lịch sử trầm luân cay đắng, dẫu rằng mỗi cây cầu đều có những hoàn cảnh riêng và dấu ấn mang trên mình cũng riêng. Cầu Long Biên, cây cầu lớn nhất và dài nhất đến bây giờ vẫn mang trên mình vết tích đau thương của chiến tranh. Cầu Ghềnh bị nạn do nhân tai ở thời hoà bình. Có lẽ đến bây giờ cầu Trường Tiền là vẹn toàn nhất (dẫu cũng trải qua những trầm luân). Nhưng không ai dám chắc rằng một sự cố tương tự cầu Ghềnh sẽ không xảy ra với cây cầu xứ cố đô hay bất kỳ cây cầu nào khác trên đất nước.

Có nhiều sự xót xa cho số phận cầu Ghềnh và nhiều câu hỏi được đặt ra cho những cây cầu khác. Bởi lẽ, có những giá trị mà bình thường người ta thấy… bình thường, nhưng khi có chuyện rồi thì mới thấm thía. Cách đây chưa lâu, dư luận đã phải lên tiếng về việc dỡ bỏ cầu Long Biên - biểu tượng Hà Nội trong một dự án giao thông. Ở TP Tân An, tỉnh Long An, người ta cố phá dỡ cây cầu Đúc cổ bất chấp dư luận phản đối… Và còn rất nhiều cây cầu khác, công trình khác cũng vậy.

Dường như chúng ta đang quá mải mê với những công trình mới hào nhoáng, hoành tráng mà vô hồn, thiếu bản sắc; trong khi đó những giá trị đã được thời gian và lịch sử ghi nhận, đã chất chứa nhiều lớp văn hoá lại bị lãng quên. Chúng ta đang quá chú ý tới tương lai mà lạnh nhạt với quá khứ, chưa để tâm cho việc bảo tồn gìn giữ những giá trị của thời gian, của ký ức. Không khó để thấy có rất nhiều người luôn hào hứng với việc đập cũ đi xây mới. Xây mới được công trình, nhưng có tạo dựng được lịch sử, văn hoá hay không?/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thi công cầu Ghềnh liên tục không nghỉ lễ
Thi công cầu Ghềnh liên tục không nghỉ lễ

VOV.VN - Công trình thi công cầu Ghềnh mới, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ không nghỉ lễ, làm việc liên tục 3 ca/ngày nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Thi công cầu Ghềnh liên tục không nghỉ lễ

Thi công cầu Ghềnh liên tục không nghỉ lễ

VOV.VN - Công trình thi công cầu Ghềnh mới, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ không nghỉ lễ, làm việc liên tục 3 ca/ngày nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Cuối năm 2015 hoàn thành gia cố và sửa chữa cầu Long Biên
Cuối năm 2015 hoàn thành gia cố và sửa chữa cầu Long Biên

VOV.VN - Việc gia cố và sửa chữa cầu Long Biên có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

Cuối năm 2015 hoàn thành gia cố và sửa chữa cầu Long Biên

Cuối năm 2015 hoàn thành gia cố và sửa chữa cầu Long Biên

VOV.VN - Việc gia cố và sửa chữa cầu Long Biên có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.

Cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét
Cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét

Phương án này về cơ bản có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực phố cổ và phố cũ...

Cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét

Cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét

Phương án này về cơ bản có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu vực phố cổ và phố cũ...

Công nhân sửa cầu Long Biên “diễn xiếc” với đinh tán nung đỏ
Công nhân sửa cầu Long Biên “diễn xiếc” với đinh tán nung đỏ

VOV.VN - Những chiếc đinh tán nóng rừng rực được các công nhân trên cầu Long Biên tung - ném một cách điệu nghệ.

Công nhân sửa cầu Long Biên “diễn xiếc” với đinh tán nung đỏ

Công nhân sửa cầu Long Biên “diễn xiếc” với đinh tán nung đỏ

VOV.VN - Những chiếc đinh tán nóng rừng rực được các công nhân trên cầu Long Biên tung - ném một cách điệu nghệ.

Cầu Long Biên bắt đầu được sửa chữa toàn diện
Cầu Long Biên bắt đầu được sửa chữa toàn diện

VOV.VN - Công nhân ngành đường sắt đang khẩn trương thi công để “giải cứu” cây cầu Long Biên đã xuống cấp trầm trọng.

Cầu Long Biên bắt đầu được sửa chữa toàn diện

Cầu Long Biên bắt đầu được sửa chữa toàn diện

VOV.VN - Công nhân ngành đường sắt đang khẩn trương thi công để “giải cứu” cây cầu Long Biên đã xuống cấp trầm trọng.