Sự khiếm khuyết về nhân cách mới là “khuyết tật“
VOV.VN -Những người văn minh nhìn nhận sự thiếu khuyết, bệnh tật ở nhân cách. Xã hội văn minh coi trọng thái độ nhân văn.
Ngày nhỏ, một tai nạn không đáng có đã khiến tôi bị ảnh hưởng khả năng vận động, khiến tôi bị yếu một bên chân và phải đi tập tễnh.
Suốt cả tuổi thơ tôi không mảy may nhận biết cái gọi là "khuyết tật", kể cả tôi bị chọc ghẹo và xúc phạm khá nhiều. Vì cha mẹ tôi đã nuôi tôi theo cái cách giáo dục của những người cho rằng sự thiếu khuyết về nhân cách mới là người dị tật, bỏ đi.
Khi tôi ý thức được sự khác biệt của mình là lúc tôi bước vào tuổi trăng rằm, bắt đầu được bạn trai để ý. Tôi tình cờ nghe được đoạn hội thoại giữa một cậu bạn cùng khối đem lòng yêu mến tôi và người khác: - Chân cái D nó bị thế mày thích làm gì. - Đối với tao, chuyện D bị cái chân chẳng là gì cả. Cậu bạn đó là một hotboy trong trường, được nhiều nữ sinh yêu mến. Tôi bắt đầu nhận ra: khi được yêu thương, chẳng có có gì là khác biệt.
Năm cuối đại học, đất trời như sụp đổ dưới chân tôi khi bà bác sỹ của một bệnh viện nhất định không xác nhận cho tôi đủ sức khỏe để đi xin việc, trong khi tôi thừa điều đó. Cũng trong lúc đó một cô bạn thân của em gái tôi đã giúp đỡ tôi được chứng nhận, - một người không làm trong ngành y. Tôi bắt đầu hiểu ra, sự cảm thông nhiều khi không đến từ những người mà tưởng như đó phải là thuộc tính của họ. Tôi cũng hiểu rằng luôn có những người tốt ở xung quanh mình.
Trên đường đời tôi đi, đôi khi đáng lẽ có thể được đón nhận một danh hiệu nào đó thì tôi bị ngăn không xuất hiện trên sâu khấu, tôi đều lui về phía sau. Tôi không nặng nề việc đó, vì nếu quả thật danh hiệu có ý nghĩa lý tưởng như nó mang danh, thì nơi đó hẳn không có chỗ cho sự phân biệt, kì thị.
Việc bạn khuyết tật hình thức hay không, bạn đi xe lăn hay không, bạn đi tập tễnh hay sải bước chéo chân như trên sàn catwalk, bạn nhìn, nghe, nói được hay không đều không có nghĩa là bạn thiếu khuyết, phải hứng chịu sự phân biệt đối xử và cần đến lòng thương hại. Vấn đề ở chỗ bạn sống như thế nào trong một xã hội con người ra sao. Những người văn minh nhìn nhận sự thiếu khuyết, bệnh tật ở nhân cách. Xã hội văn minh coi trọng thái độ nhân văn. Nếu bạn sống giữa những con người ấy, xã hội ấy, bạn là người không khuyết tật. Khuyết tật, chẳng qua chỉ là một từ ngữ để chỉ rằng sức khỏe bạn không ổn mà thôi.
Còn tôi, tôi vẫn sống như cái cách mà cha mẹ tôi đã chỉ dẫn. Tôi học hành chăm chỉ, làm việc tâm huyết, tôi có một công việc kiếm sống từ thực lực bản thân. Tôi coi từ khuyết tật chỉ là một vỏ bọc ngôn ngữ. Tôi vẫn lạc quan và tin tưởng vào lòng tốt, sự đúng đắn của những người biết sống nhân văn.
Ở lớp học mà tôi đang theo có một chàng trai là student assistant (người hỗ trợ sinh viên). Từ khi cậu phát hiện tôi bị yếu chân thì ngày nào khi bước xuống bậc cầu thang, tôi cũng thấy đôi giầy của tôi được đặt ở một chỗ thuận tiện nhất cho tôi dễ lấy và xỏ vào. Tôi coi đó là sự giúp đỡ tế nhị. Tôi thấy ấm áp. Thấy mình lạc quan vì hoàn cảnh của mình lại giúp mình dễ phát hiện ra lòng tốt và người biết cảm thông hơn; có lẽ vì thế, tôi sẽ khó bị mất niềm tin vào cuộc sống hơn./.