Ấn tượng Nhật Bản: Văn hóa là bảo vật quốc gia
VOV.VN -"Nhà có thể mất nhưng văn hóa truyền thống không thể bị mất". Văn hóa chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc để nước Nhật phát triển bền vững.
Có rất nhiều cảm xúc trong chuyến công tác của tôi lần này tới Nhật Bản. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tới quốc gia này, nhưng cảm nhận đã khác nhiều so với 10 năm trước đây. Cuộc họp của chúng tôi diễn ra ở một tỉnh phía Bắc nằm cách thủ đô Tokyo gần 400 km. Hai tiếng ngồi trên tàu cao tốc Shinkanshen của Nhật, tôi có thời gian chiêm ngưỡng đất nước Nhật vào đầu mùa xuân với vẻ đẹp thuần khiết của những ngôi nhà cổ, với những cây anh đào bắt đầu nở hoa, những vệt tuyết trắng xóa trải dài trên khắp nẻo đường.
Bất kỳ ai đứng trước cảnh tượng này chắc chắn đều cảm nhận được sự thanh bình đến tinh khiết của đất nước Nhật Bản. Thế giới biết đến Nhật Bản là nước không được thiên nhiên ưu đãi, không có tài nguyên khoáng sản nhưng đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới nhờ tinh thần vượt khó, tính kỷ luật cao, phong cách làm việc chu đáo, tỷ mỷ, luôn hướng tới sự hoàn hảo của người dân Nhật. Tôi đã chứng kiến và thấm thía một điều: Người Nhật Bản còn trân trọng nâng niu, giữ gìn văn hóa truyền thống hơn bất kỳ một quốc gia, một dân tộc nào trên thế giới.
Sendai, một tỉnh nằm về phía Bắc của Nhật Bản, nơi cách đây 4 năm, tại đây đã xảy ra một thảm họa kép động đất 8,9 độ Richter, kéo theo sóng thần, và rò rỉ phóng xạ. Cả một vùng ven biển Đông Bắc Nhật Bản bị sóng thần nhất chìm và hầu như bị xóa sạch. Có đến 19 nghìn người chết, hàng nghìn người bị mất tích, biết bao gia đình rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất và cuộc sống của họ thay đổi mãi mãi. Có quá nhiều câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của Đài NHK, cuộc họp của chúng tôi diễn ra tốt đẹp. Trước khi chia tay, Đài NHK chiêu đãi khách tại một khách sạn sang trọng. Những món ăn Nhật Bản được chế biến rất tinh tế từ cách chọn nguyên liệu, cách chế biến đến việc bày biện tất cả đều công phu, các món ăn bày ra đẹp như tranh. Quan khách quốc tế không ngớt lời trầm trồ khen ngợi.
Tuy nhiên, bữa tiệc sẽ không để lại dấu ấn đặc biệt nếu không có sự xuất hiện trở lại của cô Dẫn chương trình xinh đẹp Đài NHK. Cô thông báo với mọi người rằng chủ nhà Nhật Bản mong muốn chiêu đãi các bạn một món ăn tinh thần đến từ một làng thuộc tỉnh Sendai. Đây là một điệu múa sư tử truyền thống của người dân bản địa. Chắc chắn là một sự ngạc nhiên thú vị dành cho mọi người. Điều đáng chú ý đó là đoàn nghệ thuật này đến từ một làng nơi xảy vụ động đất, sóng thần cách đây 3 năm. Đoàn nghệ nhân tiến vào sân khấu đem theo cờ phướn, một chiếc đầu sư tử, 2 chiếc trống và các đạo cụ biểu diễn. Tất cả 28 người, thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Cụ già nhất cũng trên 80, còn cậu bé trẻ nhất chắc chưa đến 10 tuổi.
Một thanh niên trong đoàn bước lên bục giới thiệu môn nghệ thuật truyền thống này. Lặng đi vài giây, anh thanh niên bắt đầu kể chuyện và minh họa bằng những hình ảnh ấn tượng khiến cả hội trường lắng đi. Hiện ra trước mắt chúng tôi là hình ảnh một ngôi làng đã bị san phẳng sau trận động đất. Mọi thứ còn lại trên mặt đất là một đống đổ nát ngổn ngang. Với giọng trầm lắng, anh kể lại những giây phút khủng khiếp mà họ phải trải qua khi tai họa ập đến. Anh nói: "Chỉ trong vài phút mà chúng tôi đã mất tất cả. Mọi thứ đều bị tàn phá, hầu như gia đình nào cũng bị mất người thân trong trận động đất đó. Đội múa sư tử của làng cũng bị mất 5 thành viên. Tất cả dụng cụ biểu diễn của chúng tôi đều bị cuốn trôi".
Nhiều người trong đội biểu diễn đã lặng lẽ quay đi gạt nước mắt. Anh kể tiếp hai ngày sau người dân tìm được chiếc đầu sư tử nằm bẹp trong đống bùn. Điều này như một điềm báo cho chúng tôi rằng chúng tôi bị mất nhà cửa nhưng văn hóa truyền thống sẽ không thể mất'. Hình ảnh chiếc đầu sư tử đỏ rực bị bùn che phủ được dân làng nâng niu đã thực sự lôi cuốn và ám ảnh mọi người. Dân làng đã khôi phục lại chiếc đầu sư tử. Cộng đồng cùng nhau đóng góp. Mọi đạo cụ cũng như trang phục đã được khôi phục đầy đủ. Đến nay mặc dù họ vẫn chưa có nhà, nhưng chỉ 6 tháng sau họ đã khôi phục đầy đủ được đội múa sư tử truyền thống với gần 30 người, những người mất đã có người thay thế.
Trước khi đi vào biểu diễn chính thức, Anh thanh niên giới thiệu cặn kẽ cho hội trường các điệu múa sư tử. Điệu múa khi đội tiến vào cổng nhà khác với múa trong phòng khách như thế nào. Múa đón cô dâu về có gì khác với múa mừng nhà mới. Rồi màn trình diễn mong đợi cũng đã đến. Tiếng trống âm vang, giòn giã cất lên, kéo dài không ngớt. Người nọ chưa ngơi đã có người thay, các cụ già trông gầy gò, già mua nhưng khi tham gia đánh trống, họ mạnh mẽ, sinh động và hào sảng hẳn lên. Đội múa sư tử bắt đầu biểu diễn chuyên nghiệp linh hoạt, oai vệ. Người nọ thay cho người kia nhịp nhàng và uyển chuyển. Mạch nguồn văn hóa đã thấm sâu vào từng thớ thịt của họ và tuôn chảy một cách tự nhiên. Đây không còn là một sự trình diễn đơn thuần mà họ trở về với chính con người họ, nền văn hóa của họ.
Buổi biểu diễn kết thúc tất cả hội trường đều đứng dậy, những tràng pháo tay nổ vang không ngớt, quan khách quốc tế tiến đến gần sân khấu, người thì đề nghị họ dạy cách đánh trống, người thì tranh thủ chụp ảnh với các thành viên trong đội. Một sự quảng bá văn hóa dân tộc hoàn hảo và đầy ấn tượng.
Tôi thực sự bị ám ảnh bởi câu nói của anh thanh niên "nhà có thể mất nhưng văn hóa truyền thống không thể bị mất". Văn hóa chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc để nước Nhật phát triển bền vững. Đây cũng chính là lời giải thích hoàn hảo nhất cho sự vươn lên mạnh mẽ và sự trường tồn của một đất nước Nhật phồn vinh./.