Thiện cảm từ những điều giản dị của chính khách, học giả
VOV.VN - Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ăn vận giản dị lội suối vào Sơn Đoòng trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh đang thu hút thiện cảm của dư luận.
Nhớ một dạo, hình ảnh GS Ngô Bảo Châu tác phong giản dị thăm lớp học ở miền núi cũng tạo nên nhiều góc nghĩ khác nhau.
Có người muốn giáo sư đẳng cấp thế giới như anh phải giày tất, comple, caravat cho "đúng". Người khác lại bảo anh là giáo sư đầu ngành nên chả việc gì phải lặn lội xa xôi vậy. Rồi lại cũng có người trông vào áo quần, đôi dép của anh để ngợi ca về sự giản dị của một giáo sư...
Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ăn vận giản dị lội suối vào Sơn Đoòng trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh đang thu hút thiện cảm của dư luận.
Thực ra đây là những chuyện bình thường.
Đó là hình ảnh rất đỗi tự nhiên của thầy giáo Ngô Bảo Châu nên chẳng cần phải "ầm ĩ" như mong muốn của anh. Suy nghĩ đó khiến mọi người càng khâm phục bởi anh đã biết sống với cái bình thường sau những vinh quang của giải thưởng quốc tế.
Người thân GS Ngô Bảo Châu kể, ở nhà anh là một người chồng tận tụy: lau nhà, xách nước, giặt giũ... Người "phong kiến" chê anh làm thế là mất "thớ" GS. Người "tân tiến" vỗ tay ủng hộ. Chất đời thường luôn song hành cùng danh tiếng của vị GS toán học. Thậm chí tôi nghĩ nó còn là chỗ tựa cho thành tựu bay lên.
Sự chân giản đã tạo nên nhân cách, hình ảnh của anh trong sự nghiệp khoa học, trong những phần việc cột chặt vào đời sống cộng đồng. Nó khác xa với sự thật không vui về con số không nhỏ những GS-TS ngày ngày giam mình trong "tháp ngà", ôm "bầu sữa" đề tài khoa học để sản sinh ra những công trình "đắp chiếu"...
Xứ mình giờ "ồn ã" bệnh giương oai, quan cách và...diễn. Lên tivi là nhất loạt phải comple, "son phấn" chải chuốt; giới chức địa phương trong nhiều cuộc họp bàn cày cuốc, gieo trồng, chống dịch bệnh phần lớn vẫn diện vest, đi đứng khuềnh khoàng... Trông hình ảnh xa rời và kệch cỡm làm sao ấy!
Không coi trọng lẽ tự nhiên, những điều bình dị của cuộc sống, người ta cứ nháo nhào chạy đua theo giá trị hão, hình thức hoành tráng. Những điều bình thường trở nên thật hiếm hoi: dừng đỗ xe khi đèn đỏ, xếp hàng trật tự, thấy người gian thì lên tiếng..., người ta đang đi tìm những cái bất thường để cột vào đời sống: ngông cuồng, vĩ cuồng rồi thần thánh hoá.
Ở chùa chiền cũng chung cảnh: Đời sao đạo vậy. Nhiều người quên rằng đi lễ là ký thác niềm tin của mình vào những giá trị tốt đẹp, sự hướng thiện và những khát vọng chứ không phải là mượn thần linh, tín ngưỡng để mưu cầu những ảo vọng.
Chợt nhớ đến câu chuyện của một bạn đồng nghiệp, đã từng làm việc cho Hãng NHK-Nhật Bản. Chuyện giản dị về lễ hội tôn vinh những người lính cứu hỏa, hàng trăm năm nay vẫn tồn tại ở nước Nhật. Lễ hội không hề có bất cứ sự can thiệp nào của chính quyền. Nó tồn tại vì chính chân lý đời sống của nó, sự nhân văn của nó, và cả sự thiết thực vẫn không cũ trong thời hiện đại này.
Không xưng danh bất cứ một thế lực áp đặt bảo tồn nào, nó thuộc về chính cuộc sống trong hình ảnh những người lính cứu hỏa dũng cảm và bình dị.
Đến cái đích vĩ đại nhiều khi chúng ta cần xuất phát từ những điều bình thường./.
>> Vì sao giới trẻ thích thú chuyện Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi vào Sơn Đoòng?
>>Lời “chào buổi sáng” gây sững sờ nước Mỹ từ Sơn Đoòng, Việt Nam