Thong thả mùa Xuân

VOV.VN - Thấm thoát đã hết Rằm tháng Giêng Ất Mùi.  Bãi quất Tứ Liên nhiều nhà đã thuê máy về cày xới đất, thay đất chuẩn bị cho một mùa quất mới.

Vườn đào Nhật Tân nhiều cây đào đã được đốn, quét vôi chống sâu bệnh. Thích nhất là những cây đào được ghép chồi ở những gốc cổ thụ, dăm ba chiếc lá xòe cánh xanh mơn mởn. Hiển, bạn đồng nghiệp người gốc Nhật Tân mời: 10 tháng Hai làng em mở hội, mời anh lên dự. Năm nay lễ hội có đầy đủ thủ tục, từ lễ rước nước, lễ rước kiệu đi,rước kiệu về,lễ phóng Noãn.

Anh tò mò: lễ phóng Noãn? Vâng,anh muốn dự phải lên đúng lúc 12 giờ đêm, lễ vật phải mang ra thả xuống sông Hồng, gồm trứng sống, xôi nếp, lợn quay để nguyên con, đồ mã… Thế ra ngoài phường Nhật Tân, còn có Làng Nhật Tân nữa. Và lễ hội là LỄ HỘI của LÀNG.

Hiển khoe: làng em họp rồi, ông chủ tế gia đình còn đủ cụ ông cụ bà, tướng mạo phương phi,các con ngoan ngoãn trưởng thành…Phân công hết rồi. Mấy nghìn người cứ răm rắp làm.

Hiển kể vừa đi lễ hội thôn An Hạ xã An Cường huyện Hoài Đức(Hà Nội) được chứng kiến cảnh kiệu bay. Hiển xuýt xoa: có về làng ở, mới thấy cộng đồng làng xã cố kết lắm. Làng còn nước còn, các cụ vẫn bảo thế.

Câu chuyện của một người chuyên lo các vấn đề quốc tế đi hết nước này đến nước khác như Hiển làm anh thấy vui thêm. Càng ngẫm ngợi ra những  gì mà cha ông để lại mỗi năm Tết đến Xuân về thật là quý báu.

Giao thừa Ất Dậu…Vài phút trước thời điểm chuyển giao năm cũ-năm mới, anh ra sân ngắm đất trời . Mưa rắc bụi nhè nhẹ, nhè nhẹ…Trước mặt ngôi nhà anh ở,là sông Hồng với bãi giữa vắng vẻ,im lìm. Anh biết, trong màn đêm kia vẫn le lói ánh đèn. Hàng ngày, vẫn có người đi lại qua bãi cát xế cửa nhà anh để sang bãi giữa.Và chiều chiều vẫn cuộn lên những làn khói nhẹ giữa bạt ngàn những tán chuối  xanh thẫm …Anh còn đoan chắc rằng trong góc sân nhà ai, vẫn bập bùng ngọn lửa của nồi bánh chưng chờ đón giao thừa. Và Xuân mới thong thả đến…Chuông đồng hồ điểm…Pháo hoa nổ lụp bụp từ phía Hồ Gươm,Hồ Tây,cầu Nhật Tân…loe lóe những quầng sáng.

Một năm,có lẽ phút con người thong thả nhất chính là thời khắc giao thừa. Bên mâm cúng tổ tiên đặt ngoài trời, thật hạnh phúc cho những ai được đứng sau bố mẹ,chứng kiến các bậc sinh thành lầm rầm khấn vái,tiễn một năm cũ qua đi,đón một năm mới đến. Một vài  phút giây thong thả trong hơn 365 ngày vất vả lận đận mới đáng quý trọng nâng niu biết bao.

Năm nay cũng vậy. Sau phút giao thừa,trời mưa lâm thâm. Bà cụ nhà hàng xóm khăn đóng áo dài  dời nhà đi lễ chùa. Anh mau miệng chào,chúc bà một năm mới sức khỏe,gia đinh an khang thịnh vượng.”An khang thịnh vượng”lời chúc tưởng đã cũ như trái đất,nhưng năm nào cũng  trở lại với năm mới xuân mới đang về.

Xuân năm nay thong thả. Anh thầm nghĩ như vậy. Phải chăng do gia đình con cái đã trưởng thành,bắt đầu gánh vác hộ chuyện  tết nhất?Hay  là do anh thấy năm nay hàng xóm láng giềng gần gũi hơn,chuyện làm ăn của xóm làng năm nay bớt vất vả hơn,cho dù vườn đào vườn quất vẫn còn nhiều cây chưa bán được?Ở  cái vùng nửa làng nửa phố  kẹp giữa sông Hồng và Hồ Tây này,chuyện đói no tết nhất thể hiện rõ trên từng đoạn đường,từng mảnh vườn.  Nhưng gì thì gì,khi giao thừa điểm,là mọi người lại thấy mình thong thả,lại thấy hạnh phúc đong đầy. Niềm vui này,dường như ở chốn phồn hoa đô hội,nơi kẻ chợ bến sông không có?  Trước Tết,khoảng 26 tháng Chạp,anh về Hà Nam,thấy trong mưa rét hàng đàn vịt trắng nhởn nhơ trên ruộng. Lác đác  ruộng lúa nhà ai cấy sớm,cây mạ đã bén rễ,nghe văng vẳng vọng về từ thời trai trẻ một câu thơ”Lá bàng đang đỏ ngọn cây/Sếu giang mang lạnh đang bay ngang trời/Mùa đông còn đó em ơi/Mà con én đã gọi người đón Xuân”…Thấy mình như trẻ lại và thong thả đón Xuân sang.

Không phải bỗng dưng mà người Việt ta,những ngày cuối năm bao giờ cũng thấy bồn chồn,nao nức và cố gắng thu xếp để “ về  quê ăn Tết”. Tàu xe chật chội,nhồi nhét…Mặc.  Con bồng con bế,tay vác tay mang…Mặc.  Phải về quê ăn Tết. Để hưởng cái giờ phút thiêng liêng giao thừa thong thả. Để hưởng cái giờ phút đoàn tụ nghênh đón xuân về. Để hưởng cái hạnh phúc đêm 30 thức thật khuya để sáng mùng Một ngủ cho đẫy mắt trong gian nhà nhỏ thân thuộc của mình.  Và hưởng sự an nhàn của một ngày đầu  Xuân …

Mùng 2 Tết, theo đúng nếp xưa,anh về quê Mẹ,thắp hương tưởng nhớ tổ tiên,mừng tuổi người chị họ cuối cùng còn sống, năm nay đã hơn 80. Trừ những năm phải đi xa,còn từ tuổi 17 đến nay,năm nào mùng 2 Tết anh cũng về quê Mẹ để khỏi quên gốc gác của  mình, để được sống trong cảnh “liền anh liền chị”đi chúc Tết ,phấp phới nón thúng quai thao,áo dài tha thướt trong mưa xuân phơi phới…Và bao giờ cũng là sự đầm ấm trong bữa cỗ quê với bánh chưng nhà gói,khoanh giò,củ hành muối sản vật của nhà mình.

Với anh, đó là Xuân thong thả. Cái thong thả của một người đã có thể lên cho mình một thời gian biểu đón Xuân theo ý của mình. Anh đã nghĩ như vậy trong suốt  chặng đường  từ Hà Nội lên Hà Giang,bắt đầu từ 6 giờ 30 phút tối mùng 5 Tết. 0 giờ 41 phút ngày mùng 6 tới thành phố Hà Giang,ngủ tạm trong một phòng trọ nhỏ để 4 giờ sáng đi tiếp lên Bảo Lâm(Cao Bằng).  Cầu Nhật Tân lung linh vắt ngang sông Hồng.Nhà ga T1-T2 Nội Bài rực rỡ . Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai,các cô gái ở trạm  thu phí nhoẻn cười mỗi lần xe qua.Xe biển trắng,xe biển xanh,xe biển đỏ nối nhau xuôi ngược. Những chiếc xe gắn máy chở một,chở đôi đi lầm lũi.Lại nhớ một thời khói lửa,chiếc com-măng-ca ngược lên biên giới,càng đi càng thấy hun hút,hai bên làng xóm tối đen. Còn bây giờ qua Hàm Yên Tuyên Quang,xe cộ thưa thớt dần nhưng những thị tứ ven đường còn sáng ánh đèn, vẫn tưng bừng trong mầu cờ Tổ quốc…Thoảng hương hoa bưởi kín đáo,nhẹ nhàng…Chỉ còn  những chuyến xe khách chạy ngược về xuôi…Ngày mai đã là ngày đi làm rồi.


Ở ngay điểm hợp lưu của sông Nho Quế (chảy từ Mèo Vạc Hà Giang xuống) với sông Gâm (chảy từ Bảo Lạc Cao Bằng sang) là công trường xây dựng Nhà máy thủy điện cột nước thấp Bảo Lâm 1. Sáng mùng 6 Tết l công trường ra quân mở đầu cho đợt thi công đón mùa lũ năm nay. Cả trăm con người đêm qua trên đường để sáng nay đúng hẹn, khởi động ca máy đầu năm. Bảo Lâm-Bảo Lạc sẽ có 3 nhà máy thủy điện. Cũng có nghĩa là sẽ có 3 trung tâm dân cư đông đúc,phồn vinh. Đời làm báo như anh cũng có nhiều niềm vui, biết được biết bao cảnh đẹp của đất nước. Riêng một rẻo Tây Bắc-Việt Bắc anh đi không biết chán. Hết sông Đà đến sông Hồng sông Thao. Hết sông Lô đến sông Gâm sông  Chảy. Hết đèoPha Đin đến Ma Thì Hồ, hết Khâu Vai đến Mù Cang Chải, hết Hoàng Xu Phì Xín Mần đến Đồng Văn Mèo Vạc. Hết Bắc Quang đến Bắc Mê. Hết Trùng Khánh Hà Quảng Cao Bằng đến Chi Ma Tràng Định Lạng Sơn, Đông Triều Mông Dương Móng Cái Quảng Ninh. Cứ vào dịp cuối năm, trên con đường thiên lý anh đi tìm sắc đỏ của những bông hoa Gạo, sắc  tím phớt của những bông hoa Xoan Năm nay Việt Bắc-Tây Bắc hoa gạo nở muộn. Bù lại, anh đã sững sờ hồi lâu ngắm những bông gao đỏ rực trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Khâm Đức Kon Tum để bồi hồi nhớ sắc hoa ô môi trong nắng vàng  Nam Bộ. Và những cây xoan thân cành khẳng khiu chúm chím đầu cành là mấy chồi non nâu hồng  trông xa như hàng trăm hàng ngàn con bướm đang phơi mình dưới nắng trên néo đường Bắc Mê-Bảo Lâm-Bảo Lạc. Mê mải trong sắc đào sắc mận vùng cao để rồi khi trở về Hà Nội,anh ngỡ ngàng thấy những chùm hoa sưa điệu đàng đã hiển hiện tự bao giờ.

Cảnh đẹp và người đẹp. Đã bao lần  lỡ độ  đường ghé vào nhà một người Mông, người Tày,người Dao xin nghỉ chân? Đã bao lần gặp những  chàng trai cô gái” Tết này con không về được vì công trường đang tranh thủ mùa khô”. Và lần nào anh cũng thấy mình học được nhiều qua những chuyến đi,qua những con người mình gặp sớm hôm trên nương lúa, bãi ngô…Và càng thấy say mê hơn ,càng thấy khao khát phải viết về những con đường,những công trường và những con người.

Mấy ngày Tết Ất Mùi qua nhanh. Một cơ duyên không giải thích nổi khi anh lần đầu tiên được đến thắp hương Đức thánh Tản Viên ở ngôi đền Hạ (Ba Vì). Văng vẳng  như  vọng từ ngàn xưa lời cầu nguyện của bao đời con dân nước Việt: “Chúng con NGUYỆN dân cường quốc phú/Khắp bốn phương mưa gió thuận hòa/Chẳng đao binh thủy hỏa can qua…”. Và anh thấy lòng mình yên tĩnh lạ thường./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những mùi thơm cuối năm
Những mùi thơm cuối năm

VOV.VN - Thắp hương xong, cha lại đi quanh nhà, ra ngoài sân, ngoài ngõ, cẩn trọng, lặng lẽ rẩy từng chút nước thơm, để không gian sực lên mùi năm mới.

Những mùi thơm cuối năm

Những mùi thơm cuối năm

VOV.VN - Thắp hương xong, cha lại đi quanh nhà, ra ngoài sân, ngoài ngõ, cẩn trọng, lặng lẽ rẩy từng chút nước thơm, để không gian sực lên mùi năm mới.

Tết Việt luôn là những thời khắc thú vị khó quên
Tết Việt luôn là những thời khắc thú vị khó quên

VOV.VN - Trải lòng về những kỷ niệm Tết Việt khó quên của Jesse Peterson, một chàng trai Canada sống và làm việc tại Việt Nam

Tết Việt luôn là những thời khắc thú vị khó quên

Tết Việt luôn là những thời khắc thú vị khó quên

VOV.VN - Trải lòng về những kỷ niệm Tết Việt khó quên của Jesse Peterson, một chàng trai Canada sống và làm việc tại Việt Nam

Tết... sao mà chán thế!?
Tết... sao mà chán thế!?

VOV.VN - Chán Tết, sợ Tết, ước gì 3 năm mới có 1 cái Tết… đó là tâm tư của nhiều người về cái Tết bây giờ.

Tết... sao mà chán thế!?

Tết... sao mà chán thế!?

VOV.VN - Chán Tết, sợ Tết, ước gì 3 năm mới có 1 cái Tết… đó là tâm tư của nhiều người về cái Tết bây giờ.

Mùa tết nhớ những hạt cát quê tôi
Mùa tết nhớ những hạt cát quê tôi

VOV.VN - Những hạt cát quê tôi như những khối thạch anh nhỏ xíu, ba cạnh, bốn cạnh, năm bảy cạnh và trắng lắm, như mạ tôi hay ví von, trắng như nước mắt.

Mùa tết nhớ những hạt cát quê tôi

Mùa tết nhớ những hạt cát quê tôi

VOV.VN - Những hạt cát quê tôi như những khối thạch anh nhỏ xíu, ba cạnh, bốn cạnh, năm bảy cạnh và trắng lắm, như mạ tôi hay ví von, trắng như nước mắt.